Sao vẫn chưa thấy “bão” đi vào “vùng lõi”?

(Dân trí) - Có lẽ chính vì sự chậm trễ này khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng vì vụ việc có liên quan đến một phụ huynh là cán bộ cao cấp, thuộc diện Trung ương quản lý nên mới “bão” mới “rón rén ngoài rìa” mà chưa đi vào “vùng lõi”?

Sao vẫn chưa thấy “bão” đi vào “vùng lõi”? - 1

Chiều ngày 14.5, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét thêm một đối tượng trong vụ án gian lận điểm thi tại kỳ thi THPP quốc gia 2018 tại Hòa Bình.

Bị can Diệp Thị Hồng Liên, Phó Trưởng phòng khảo thí & Quản lý chất lượng, Phó Trưởng Ban chấm thi, phụ trách chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhiệm vụ được giao trực tiếp can thiệp và chỉ đạo các Tổ trưởng chấm thi môn này nâng điểm thi trái quy chế thi THPT Quốc gia, làm sai lệch kết quả thi của các thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình.

Đây là thông tin đáng phấn khởi bởi vụ việc xảy ra đã gần một năm, có thời điểm im ắng khiến dư luận lo ngại vụ việc chìm xuồng.

Song, với quyết định khởi tố mới nhất này cho thấy, vụ việc vẫn đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.

Điều này mang lại niềm tin của người dân không chỉ trong thi cử mà cả với công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực... Lò vẫn tiếp tục ngày càng nóng bỏng.

Song, dư luận vẫn còn băn khoăn bởi hai điều.

Thứ nhất, nếu ở Hòa Bình, vụ việc được tiến hành một cách nghiêm khắc thì tại hai địa bàn tương tự khác là Sơn La và Hà Giang, vụ việc tiến triển có phần chậm trễ.

Thứ hai, các đối tượng thuộc ngành giáo dục, tạm coi là “bên bán” đã bị khởi tố, bắt tạm giam khá nhiều thì ngược lại, chưa thấy đối tượng nào thuộc “bên mua” bị “sờ gáy”.

Thêm một lần nữa, người viết bài này xin nhắc lại quan điểm ngay từ đầu. Đó là các phụ huynh liên quan đến vụ việc không thể vô tội. Có mua thì có bán và có người bán thì phải có người mua. Vì thế, không thể có chuyện người bán tù đày mà người mua vô can bởi như thế là thiếu công bằng.

Họ, những phụ huynh liên quan hoặc là tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc là tội đưa hối lộ.

Có lẽ chính vì sự chậm trễ này khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng vì vụ việc có liên quan đến một phụ huynh là cán bộ cao cấp, thuộc diện Trung ương quản lý nên mới “bão” mới “rón rén ngoài rìa” mà chưa đi vào “vùng lõi”?

Có lẽ cũng cần nhắc lại, quan điểm nhất quán của Đảng trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng như qui định của luật pháp là không có vùng cấm và tất cả đều bình đẳng trước pháp luật.

Xin đừng để xảy ra tình trạng “Luật cho dân, lệ cho quan”!  

Bùi Hoàng Tám