“Nông dân lo việc mùa màng – Liệu có ai đến bảo tàng để xem?”

(Dân trí) - Xin cân nhắc kỹ về đối tượng phục vụ chính bởi có lẽ không phải là nông dân vì “Nông dân lo việc mùa màng – Liệu có ai đến bảo tàng để xem?”.

“Nông dân lo việc mùa màng – Liệu có ai đến bảo tàng để xem?” - 1

Một thông tin gây nhiều tranh cãi những ngày qua, đó là Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ký quyết định phê duyệt “Đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng song Cửu Long” với quy mô 400 tỷ đồng.

Báo Dân trí cho biết, mục tiêu của đề án là tạo dựng một thiết chế văn hóa quan trọng xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp, phát huy được những giá trị của di sản văn hóa, phục vụ cho nhu cầu du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, tôn vinh sự cần cù, sáng tạo, bảo tồn các di sản văn hóa nông nghiệp, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với quê hương, đất nước… Đồng thời, đề án thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành du lịch của địa phương.

Tóm lại, những ngôn từ ở đây rất “tưng bừng” và “cấp thiết” như thuyết trình của mọi dự án ở ta xưa nay.

Song, cũng ngay lập tức, dư luận dấy lên câu hỏi có nên thực hiện đề án này hay không? Thậm chí, có tờ báo còn đặt câu hỏi cho tựa đề “Nông dân không cần bảo tàng nông nghiệp 400 tỷ đồng”…

Thực ra, việc đặt nghi vấn này không phải là không có lý bởi theo người viết được biết, hiện chúng ta có quá nhiều bảo tàng từ Trung ương, địa phương đến một số ngành nghề.

Thực trạng cũng cho thấy, đa phần các bảo tàng này hoạt động thiếu hiệu quả, chưa thu hút được lượng người đến xem. Các hoạt động mang tính giáo dục văn hóa, chính trị hơn là thương mại nên mọi chi phí hầu như đều trông vào ngân sách nhà nước.

Trong khi phải chi những khoản tiền rất lớn, song, cả mục tiêu giáo dục văn hóa, chính trị cũng hạn chế vì có nhiều người đến xem đâu mà tuyên truyền, giáo dục?

Biết rằng tại một số quốc gia, bảo tàng là lĩnh vực hoạt động rất hiệu quả cả giá trị tinh thần và vật chất. Song, họ thường là có truyền thống lâu đời hoặc do xã hội hóa, nhiều bảo tàng là của tư nhân lãi ăn, lỗ chịu.

Vì thế, có lẽ đã đến lúc cần rà soát lại tổng thể tính hiệu quả cũng như tìm một cơ chế hoạt động cho tất cả các bảo tàng trên cả nước để bớt đi gánh nặng cho ngân sách?

Trở lại với Bảo tàng Nông nghiệp Vĩnh Long, theo người viết bài này càng phải thật cân nhắc bởi 400 tỉ đồng và 11,4 ha đất là một tài sản rất lớn. Tuy nhiên, đây chỉ là phần “vỏ” bởi giá trị của bảo tàng còn là những gì trưng bày trong đó nên không biết rồi đây, Bảo tàng Nông nghiệp Vĩnh Long sẽ làm thế nào với vấn đề này?

Nhất là tại thời điểm hiện nay khi cả nước đang gồng mình khắc phục hậu quả đại dịch Covid19, Đồng bằng sông Cửu Long đang oằn mình chống hạn hán và ngập mặn.

Do đó, câu hỏi đặt ra là có nên làm không và nếu có, theo tôi cũng chưa nên đặt ra vào thời điểm này. Hãy tập trung toàn lực cho việc khắc phục hậu quả đại dịch Covid và tình trạng hạn hán cũng như nước mặn xâm lấn.

Xin nhắc khẽ một điều rất tế nhị, đó là nếu không có gì thay đổi, thời gian của nhiệm kỳ này chỉ còn tính bằng tháng. Làm vào lúc này, e rằng sẽ có ý kiến hiểu nhầm đại loại “hoàng hôn nhiệm kỳ” hay “chuyến tàu vét”?

Và cũng xin cân nhắc kỹ về đối tượng phục vụ chính bởi có lẽ không phải là nông dân vì “Nông dân lo việc mùa màng – Liệu có ai đến bảo tàng để xem?”.

Bùi Hoàng Tám