Những con số thật “đáng mừng” thay!

(Dân trí) - Khi chất lượng cán bộ đi đôi với thu nhập chính đáng, thì những con số thống kê về tham nhũng hẳn sẽ không còn chỉ đáng mừng đặt trong dấu ngoặc kép như hiện nay.

Những con số thật “đáng mừng” thay! - 1

Báo cáo thực hiện lời hứa sau chất vấn được Tổng Thanh tra Lê Minh Khái gửi tới Quốc hội nêu tổng quát vấn đề rằng, về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch được các bộ, ngành, địa phương “rất quan tâm”.

Theo báo cáo này, với 5.200 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh 40 đơn vị có vi phạm về công khai, minh bạch.

Thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, đã có hơn 1 triệu người kê khai, đạt tỷ lệ 99,9% số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai đạt tỷ lệ 99,4% số đã kê khai.

Trong số 46 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 10 trường hợp vi phạm, tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Hiện 8 trường hợp đã bị xử lý kỷ luật, 2 trường hợp đang xem xét xử lý kỷ luật.

Có thể thấy, các con số này đều rất “đáng mừng”.

“Đáng mừng” ở chỗ, tỷ lệ thực hiện kê khai tài sản ở mức rất cao, tuy không đạt 100% nhưng cũng là “hầu hết”, với hơn 99%. Trong hơn 1 triệu người mới phát hiện có 10 trường hợp vi phạm.

“Đáng mừng” còn ở việc, đã phát hiện được trường hợp vi phạm. Hay nói cách khác là trong kê khai vẫn tìm ra được người kê khai gian và đã bị xử lý, chứ không phải là thích khai như thế nào thì khai.

Tóm lại, phương pháp này vẫn có hiệu quả. Còn hiệu quả ở mức nào, tỷ lệ phát hiện có thuyết phục không thì… xin chưa bàn tới!

Thêm nữa, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng công bố, kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng qua hoạt động công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tự kiểm tra nội bộ cũng phát hiện 70 vụ (giảm 23 vụ so với năm 2018), 89 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.

Trong số này, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 47 vụ, 72 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 19 vụ, 12 người. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan, tổ chức đã phát hiện 4 vụ, 5 người.

Những con số này đặt trong tương quan với hàng triệu cán bộ công chức, đảng viên, có thể thấy tỉ lệ tham nhũng rất thấp.

Có hai khả năng ở đây: Một là, khẳng định tính trong sạch của hầu hết cán bộ, đảng viên trong bộ máy; Hai là, số “lọt sàng” qua các phương pháp phòng, chống tham nhũng rất lớn.

Người viết dù thường xuyên tin vào các con số thống kê, nhưng mặt khác cũng không khỏi không nghiêng về khả năng thứ hai. Bởi, chỉ nhìn bằng “mắt thường” cũng thấy rằng, không ít trường hợp cán bộ có sự bất minh trong vấn đề tài sản. Nhiều câu hỏi muôn thuở vẫn đang được đặt ra: Với thu nhập từ lương và phụ cấp chức vụ, thì làm sao có nhiều nhà, có nhiều đất, có biệt thự, biệt phủ hay cho con đi du học, v.v.

Điều này cũng đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập: “Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính”.

Vấn đề đặt ra “chống tham nhũng” đã khó, còn phải “phòng tham nhũng”. Như nhiều lần đã bày tỏ quan điểm, người viết cho rằng, gốc của vấn đề vẫn là phải sớm triển khai cuộc cách mạng về tiền lương, để cán bộ, công chức sống đàng hoàng với thu nhập chính đáng và giảm được động cơ tham nhũng. Song song với đó, tinh giản biên chế phải được thực hiện một cách thực chất, làm sao “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, không phải đội ngũ cồng kềnh mà phải nằm ở chất lượng cán bộ.

Khi chất lượng cán bộ đi đôi với thu nhập chính đáng, thì những con số thống kê về tham nhũng hẳn sẽ không còn chỉ đáng mừng đặt trong dấu ngoặc kép như hiện nay.

Bích Diệp