Một thông tin ngắn nhưng rất quan trọng

(Dân trí) - Đó là tin vừa có 150 chuyên gia Nhật Bản nhập cảnh Việt Nam. Đây là một tín hiệu rất đáng lạc quan cho viễn cảnh kinh tế đất nước sau Covid 19.

Một thông tin ngắn nhưng rất quan trọng - 1

Theo phản ánh từ Dân trí, vào 14h ngày 25/6, chuyến bay mang số hiệu VN311 của Vietnam Airlines chở 150 hành khách là doanh nhân và chuyên gia Nhật Bản đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh).

Chuyến bay thực hiện với sự hỗ trợ của Phòng thương mại và công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Việt Nam và được đảm bảo các quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Tất cả hành khách sau khi làm thủ tục nhập cảnh, kiểm tra hải quan, kê khai y tế… đều được đưa về các điểm cách ly theo dõi sức khỏe trong 14 ngày theo quy định.

Đại diện sân bay còn cho biết, trong tuần này Vân Đồn sẽ tiếp tục đón 2 chuyến bay nữa từ Narita, với gần 450 doanh nhân và các nhà kỹ thuật cao từ Nhật Bản.

Đây là tín hiệu tốt, đánh dấu việc nối lại các tuyến bay từ Nhật Bản sang Việt Nam sau thời gian hạn chế đi lại nhằm chống dịch Covid-19.

Có thể nói, tin vui này không chỉ với Việt Nam mà cả với các bạn Nhật bởi chúng ta đã hoàn toàn là địa chỉ được tin cậy của bạn bè quốc tế. Nó còn là tin vui, rất quan trọng vì nó minh chứng rõ nhất cho sự phục hồi kinh tế sau đại địch.

Với các bạn Nhật, đây cũng là tin vui bởi những tín hiệu tốt lành của công cuộc phòng chống Covid 19 từ nước bạn.

Thật ra, việc này đã từng được Bộ LĐ,TB&XH đặt ra từ tháng 4.2020 với đối tượng là các nhà quản lý, các chuyên gia ở các dự án, công trình trọng điểm.

Thực tế là ở những vị trí đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, kinh nghiệm quản lý, ngoại ngữ, kinh nghiệm điều hành… lao động Việt Nam chưa đáp ứng được ngay, cần phải có thời gian đào tạo, chuyển đổi.

Sớm nắm bắt tình hình, trong văn bản trình Thủ tướng, Bộ LĐ,TB&XH nêu rõ: "Nếu tình trạng thiếu hụt chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật... tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, thời gian hoàn thành các hạng mục công trình, dự án trọng điểm, cấp thiết.

Bên cạnh đó, việc thiếu hụt các vị trí nêu trên sẽ dẫn đến ngừng việc, giãn việc ở một số vị trí khác trong doanh nghiệp. Ngoài ra, sẽ tác động đến nhiều ngành và lĩnh vực có liên quan những công trình, dự án".

Việc làm này cho thấy, tuy thời điểm đó vẫn còn dịch bệnh, song chúng ta đã có những phương án chủ động tích cực, “biến nguy thành cơ” nhằm phát triển kinh tế, thực hiện “thắng lợi kép” như mong muốn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Dịch bệnh, dù mức độ thế nào thì rồi cũng sẽ đi qua. Song, nhiệm vụ phát triển kinh tế là lâu dài và để tránh tối đa việc đứt gãy chuỗi kinh doanh sản xuất luôn là mục tiêu tối quan trọng đối với Việt Nam ta, đặc biệt là ở thời điểm này.

Cho nên, thông tin vừa có 150 chuyên gia Nhật Bản nhập cảnh Việt Nam là một tín hiệu rất đáng lạc quan cho viễn cảnh kinh tế đất nước sau Covid 19.

Bùi Hoàng Tám