Không có tranh cử, khó có người tài!

(Dân trí) - Khi nào mà vẫn còn tình trạng một ứng cử viên cho một chức danh, không có phản biện, tranh cử thì khi đó chúng ta rất khó để có được một đội ngũ cán bộ đủ tâm và đủ tài

 

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác cán bộ. Người từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Và: “Muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém…”

Từ câu nói trên, có thể hiểu ở thời điểm đất nước phát triển vững mạnh tức là công tác cán bộ tốt và ngược lại, nếu đất nước rơi vào suy thoái cũng đồng nghĩa với công tác cán bộ yếu kém, không thành công, thậm chí thất bại.

Then chốt của công tác cán bộ nằm ở ba khâu: Đào tạo – bồi dưỡng, đề bạt – cất nhắc, quản lý - giám sát.

Đối với đào tạo – bồi dưỡng, chúng ta chưa có quy hoạch cán bộ cấp chiến lược một cách bài bản, chính thức. Đặc biệt là gần đây, hiện tượng “công chức 100 triệu” đã ở mức báo động.

Về đề bạt – cất nhắc, đã xuất hiện tình trạng chạy chức, chạy quyền ở nhiều cấp.

Một trong những tiêu chí để đề bạt, cất nhắc khác là bằng cấp, trong khi đó thì bằng cấp lại không đủ niềm tin vì tình trạng bằng giả, học giả bằng thật không còn là chuyện hiếm, thậm chí khá tràn lan. Không chỉ có vậy, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội còn lo ngại tình trạng cứ vào Trung ương rồi về làm bộ trưởng: “… phải gắn chuyên môn với tư duy chính trị vĩ mô chứ không thể không hiểu gì lĩnh vực đó, cứ vào Trung ương rồi về làm bộ trưởng”. Ông Mão còn nhấn mạnh: “Lâu nay công tác cán bộ vẫn có phần áp đặt, phụ thuộc vào những người có trách nhiệm đứng đầu. Không có cọ xát, tranh cử, phản biện. Cơ chế nhân sự vẫn xuôi chiều, người trước chọn người sau”.

Về quản lý – giám sát. Có thể nói đây là khâu yếu nhất hiện nay. Hầu hết các trường hợp tiêu cực, tham nhũng bị phát hiện nhờ cơ quan điều tra và báo chí. Vai trò giám sát của các tổ chức xã hội hình như rất ít hiệu quả. Tuy giám sát là một trong ba chức năng chính của Quốc hội nhưng cho đến nay, có lẽ chưa có vụ tham những, tiêu cực nào được phát hiện bởi đại biểu Quốc hội hay đoàn đại biểu Quốc hội.

Tóm lại là về đào tạo – bồi dưỡng, hình như chưa có chiến lược cụ thể, nói như cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là “soi đuốc đi bắt ếch”, nặng về cảm tính và nể nang.

Về đề bạt – cất nhắc đang báo động nạn chạy chức, chạy quyền.

Về quản lý – giám sát vẫn còn lỏng lẻo, thiếu cọ sát, tranh cử.

Để khắc phục tình trạng trên, có lẽ việc cần làm ngay là xây dựng cơ chế tranh cử, phản biện, đặc biệt là tránh tình trạng một ứng cử viên cho một chức danh. Mặc dù vấn đề này đã nhiều lần được đề cập nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự biến chuyển rõ rệt.

Tại cuộc họp tiếp xúc cử tri quận Ba Đình trước Kỳ họp Quốc hội thứ 5 chiều 13/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “…chọn cán bộ không nên chỉ có độc diễn, phải có nhiều số dư để có sự lựa chọn”.

Khi nào mà vẫn còn tình trạng một ứng cử viên cho một chức danh, không có phản biện, tranh cử thì khi đó chúng ta rất khó để có được một đội ngũ cán bộ đủ tâm và đủ tài, phải không các bạn? 

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!