Khi sự thật bị phê bình, kiểm điểm!

(Dân trí) - Tình trạng thiếu khẩu trang là có thật nên việc thầy trò nơi đây sử dụng khẩu trang tự chế là hành động tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng, đáng ra phải được khen ngợi.

Khi sự thật bị phê bình, kiểm điểm! - 1

Một bức ảnh chân thực, xúc động vừa được báo chí đăng tải. Đó là hình ảnh ghi lại cảnh các em học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phà Đánh, Kỳ Sơn, Nghệ An đeo khẩu trang phòng dịch virus corona tự chế bằng giấy.

Bức ảnh  lay động bởi sự chân thực, nói lên dù trong khó khăn, thiếu thốn, thầy trò nơi đây vẫn quyết tâm khắc phục, thực hiện nghiêm túc, vừa để bảo vệ mình, vừa tránh sự lây lan trong cộng đồng.

Thế nhưng tiếc thay, chính vì bức ảnh này mà một thủ thư và một hiệu trưởng bị phê bình, nhắc nhở.

Lý do, theo Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn là "làm ảnh hưởng đến uy tín của huyện cũng như của ngành và trái ngược với những gì huyện Kỳ Sơn và ngành đặc biệt quan tâm và chỉ đạo". Sở GD-ĐT Nghệ An cũng đồng tình và đã có ý kiến nhắc nhở, phê bình Phòng GD-ĐT Kỳ Sơn.

Ơ, hay nhỉ.

Tình trạng thiếu trầm trọng khẩu trang không chỉ ở đây mà là tình trạng chung của cả nước những ngày qua.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Văn Thiết - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết: "Ở địa bàn này là vùng sâu vùng xa thì khẩu trang không có mà mua, người dân cũng nghèo nên không mua được. Khẩu trang bị thiếu trầm trọng, các nhà từ thiện cũng không có nên thiếu khẩu trang".

Ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục (Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An) nói: "Hiện nguồn hàng mua khẩu trang khá khan hiếm, nhưng chúng tôi đã đặt mua để hỗ trợ cho toàn bộ học sinh và giáo viên của trường Phà Đánh. Dự kiến tuần tới hàng về chúng tôi sẽ chuyển lên trao cho học sinh và giáo viên của trường",

Như vậy có thể khẳng định, tình trạng thiếu khẩu trang là có thật nên việc thầy trò nơi đây sử dụng khẩu trang tự chế là hành động tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng, đáng ra phải được khen ngợi.

Nhìn lại thành công bước đầu của công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam tính đến thời điểm này (được thế giới ngợi khen) không thể không kể đến những đóng góp to lớn của công tác truyền thông, báo chí.

Từ những ngày đầu người dân có ít nhiều hoang mang, nghi vấn, Bộ Y tế đã thông tin nhanh chóng, kịp thời và trung thực cho báo chí, từ đó tạo niềm tin rất lớn trong cộng đồng xã hội. Những thông tin giả sớm bị bóc trần và xử lý kiên quyết.

Tóm lại, để người dân hiểu rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm, diễn biến của dịch bệnh và đồng hành cùng ngành y tế chính là nhờ sự thông tin trung thực, nhanh chóng cả khó khăn, thuận lợi để cùng nhau chia sẻ, khắc phục.

Do đó, bức ảnh trung thực trên không “ảnh hưởng đến uy tín của địa phương cũng như của ngành và trái ngược với những gì huyện Kỳ Sơn và ngành đặc biệt quan tâm và chỉ đạo” như kết luận của phòng Giáo dục và đào tạo Kỳ Sơn mà ngược lại.

Để sự chân thực không bị “phê bình”, “nhắc nhở”, có lẽ Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An nên rút lại thông báo kỷ luật công chức, viên chức vô lý này.

Bùi Hoàng Tám