Khi “quan” xin nghỉ việc

(Dân trí) - Ít nhất đã có hai thông tin liên quan đến việc lãnh đạo cấp cao tại địa phương xin nghỉ việc khiến công luận phải chú ý trong thời gian này.

Khi “quan” xin nghỉ việc - 1

Đó là việc Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cùng Chủ tịch UBND tỉnh này - ông Trần Ngọc Căng có đơn xin thôi giữ chức vụ và việc ông Bạch Ngọc Chiến - Ủy viên Đảng đoàn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định) chuyển sang làm cho một công ty tư nhân từ đầu tháng 7/2020 tới.

Trước hết, về quyết định xin thôi chức hai đương kim lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi diễn ra trong bối cảnh cả hai vị này vừa bị kỷ luật cảnh cáo do có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác.

Dù không rõ lý do trực tiếp nào khiến ông Lê Viết Chữ và ông Trần Ngọc Căng muốn thôi giữ chức vụ lãnh đạo tỉnh, nhưng đây là hành động hiếm thấy và có thể coi là một dấu hiệu tích cực về “văn hoá từ chức” ở ta.

Một cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã bình luận rằng, việc hai ông này bị xử lý kỷ luật vừa qua đã khiến ông và nhiều người dân tỉnh Quảng Ngãi không bất ngờ bởi họ thấy rằng, ông Chữ và ông Căng đã có một số chủ trương, quyết định sai về thủ tục, nguyên tắc tại một số dự án đầu tư xây dựng, việc giao đất, cho thuê đất không đấu giá có biểu hiện ưu ái cho doanh nghiệp…

“Theo tôi, cả hai ông này giờ không còn đủ uy tín với Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi nên tốt nhất là họ nên xin nghỉ công tác sớm. Đây là thời gian chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 20 mà hai đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh bị kỷ luật, mất hết uy tín thì làm sao chỉ đạo, điều hành đại hội các cấp” - vị này nói trên tờ Tuổi trẻ ngày 23/6.

Như vậy, dù với bản thân ông Lê Viết Chữ và ông Trần Ngọc Căng, quyết định xin thôi chức xuất phát từ nguyên do nào thì có vẻ như điều này cũng “hợp lòng dân” (?!) và cũng là một hành động mang tính “tự trọng”.

Còn về quyết định chuyển việc của ông Bạch Ngọc Chiến từ Nhà nước sang tư nhân, có vẻ là “chuyện lạ” nhưng lại không hề mới, điều này từng phổ biến trong nhiều chục năm về trước. Khi đó, những người làm Nhà nước muốn bỏ công chức để ra “làm ngoài”, chủ yếu là do áp lực về lương, về thu nhập hoặc không muốn bị bó buộc.

Hiện nay, khi mà một bộ phận cố “chạy” vào công chức thì quyết định rẽ ngang của ông Bạch Ngọc Chiến lại trở nên thú vị.

Ông Chiến cho biết, bản thân đã nhiều lần thay đổi công việc và mỗi lần thay đổi là một lần tiến bộ vì học thêm được kỹ năng và kiến thức mới.

Ông này cũng chia sẻ rằng: “Tôi đã nhận thức được tầm quan trọng của quyền lực chuyên môn nên luôn cố gắng tích luỹ kiến thức kỹ năng để có thể làm việc và có thu nhập tốt đến hết đời mà không cần phải sống nhờ lương hưu hay tài sản tích cóp, tiết kiệm được trong lúc đi làm”.

Suy nghĩ của ông Bạch Ngọc Chiến không phải là không nhiều người có, nhưng lại rất ít người làm được khi đã “lỡ” trở thành cán bộ, công chức Nhà nước.

Thiết nghĩ, việc lựa chọn vị trí, công việc phù hợp với năng lực, với mục tiêu của bản thân là quyền lựa chọn cá nhân; song ở vị trí lãnh đạo, nếu người đảm nhiệm không toàn tâm, toàn ý hoặc tệ hơn là “quá sức” thì hệ quả lại do xã hội gánh vác.

Do vậy, từ chức, xin thôi chức, nên là việc cần làm và cần phổ biến hơn nữa đối với các lãnh đạo hiện nay. Một khi cảm thấy bản thân không còn phù hợp với chức vụ hoặc khi thấy uy tín đã bị suy giảm thì trước hết nên chủ động rút lui. Đó là điều bình thường.

Và thậm chí, các cán bộ, công chức (kể cả cán bộ giữ chức vụ cao) cũng nên coi việc bị kỷ luật cách chức, giáng chức… cũng là bình thường!

Nếu được như vậy, chắc chắn rằng sẽ bớt đi tình trạng “ngồi nhầm ghế” hay “quy trình o bế”, “túm tóc lôi lên”, “bê đặt vào ghế” vốn đã khiến lòng dân chán nản suốt nhiều năm qua!

Bích Diệp