Hãy dũng cảm gạt bỏ những ai “mù chữ” ra khỏi đội hình

(Dân trí) - Cuộc Cách mạng 4.0 là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với tất cả các quốc gia. Sẽ là cơ hội với những ai dám nghĩ, dám làm và nỗ lực. Là thách thức, thậm chí là lực cản đối với những ai chùn bước, lừng khừng và không đủ dũng khí, năng lực để chấp nhận.

m_cong-nghe-thong-tin.jpg

 

 

Với Việt Nam ta, một nước đang phát triển, cơ hội không cho chúng ta sự lựa chọn. Hoặc là bây giờ, hoặc là không bao giờ…

Điều này đã được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bày tỏ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chiều ngày 17/1 tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Hùng trên báo Dân trí, chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ mới của thế giới sẽ về người tài trên toàn cầu sẽ về, nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện, nhưng phải là sự chấp nhận sớm hơn người khác. Đi sau người khác, đi cùng người khác sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng hiện nay. Ông Hùng cho biết, trong các nước ASEAN, Việt Nam là nước chậm nhất về kinh tế số. Trong khi nước láng giềng Thái Lan đã chuyển đổi thành công cách đây 3 năm.

"Cách nhanh nhất để đẩy mạnh kinh tế số là đẩy mạnh công nghệ số, thay đổi cách chúng ta đang sản xuất, đang làm việc. Dùng camera giảm bảo vệ. Tự động tưới cây khi đất khô hay dùng văn bản điện tử thay vì giấy tờ - đó chính là kinh tế số. Công nghệ sinh ra để giải quyết vấn đề, ở đâu có vấn đề ở đó có công nghệ, có giải pháp". Bộ trưởng Hùng nói.

Ông Hùng nêu ví dụ, công nghệ số sinh ra mô hình kinh doanh mới, thách thức mới thách thức mô hình kinh doanh truyền thống như Uber thách thức taxi, Fintech thách thức ngân hàng truyền thống.

"Vấn đề là Chính phủ có dám chấp nhận mô hình kinh doanh mới này hay không, nếu dám chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng sẽ không có giá trị nhiều". Ông Hùng cảnh báo.

Đây là những ý kiến rất đáng quan tâm của người đứng đầu Bộ Thông tin – Truyền thông.

Song, thực hiện được điều này không dễ bởi hiện nay, tại không ít các bộ, ban ngành, địa phương vẫn còn âm u trong tư duy cổ hủ, không muốn và không đủ tri thức tối thiểu, đặc biệt là không chịu học hỏi để ít nhất là chấp nhận kỹ thuật số. Thậm chí, không loại trừ có những vị còn “địa chỉ email tôi để ở nhà” khi được hỏi.

Nếu giao thông là “huyết mạch quốc gia” thì giờ đây, công nghệ thông tin chính là “hệ thống thần kinh đất nước”.

Tê liệt mạch máu giao thông, sẽ là tê liệt từng bộ phận, có thể  là tê liệt cả cơ thể thì tê liệt dây thần kinh sẽ tệ hại không kém, đó là một cơ thể khiếm khuyết, không bình thường, không phát triển và thậm chí tụt hậu.

Công bằng từ nhiều năm trước, Chính phủ đã rất quan tâm đến lĩnh vực này, song hiệu quả chưa được như mong muốn. Ở không ít nơi, công nghệ số vẫn còn là cái gì đó xa lạ…

Trong khi tai các nước tiến tiến, việc mù công nghệ được coi như mù chữ. Vì thế, hãy gạt bỏ những ai “mù chữ” ra khỏi đội hình vì đơn giản, họ không còn tương thích trong bộ máy.

Thời gian không chờ đợi chúng ta và xin nhắc lại một lần nữa lời của Bộ trưởng Hùng: “Vấn đề là Chính phủ có dám chấp nhận mô hình kinh doanh mới này hay không, nếu dám chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng sẽ không có giá trị nhiều",

Không dám chấp nhận sẽ là bi kịch và chấp nhận muộn thì cũng là một bi kịch khác.

Bùi Hoàng Tám