Đừng tự trở thành công cụ tiếp tay cho những ý đồ đen tối

(Dân trí) - Tiếc thay những kẻ chủ mưu, cố tình của những vụ việc này chưa thấy bị pháp luật trừng trị dù đó là tội ác và càng tiếc hơn không ít người nhẹ dạ lại ngây thơ tin vào những điều bịa đặt vô lý đó. Hãy luôn ghi nhớ rằng đằng sau cái “nhấp chuột” là số phận con người!

Đừng tự trở thành công cụ tiếp tay cho những ý đồ đen tối - 1

Đừng tự trở thành công cụ tiếp tay cho những ý đồ đen tốiNhững ngày qua, làng giải trí thế giới xôn xao xung quanh cái chết của Goo Hara, ngôi sao ca nhạc nổi tiếng Hàn Quốc do tự tử.

Về nguyên nhân tự tử, cảnh sát Hàn Quốc cho biết là do Goo Hara không chịu nổi áp lực cuộc sống. Thế nhưng cư dân mạng Hàn quốc đang tự vấn mình bởi một trong những áp lực đó đã đến từ những lần Goo Hara bị ném đá trên mạng xã hội.

Có lẽ không cần phải nói về những thành tựu to lớn mà mạng xã hội đem lại. Song, cùng với nó là những hệ lụy nhiều khi rất thương tâm mà vụ việc nữ ca sĩ Hàn quốc Goo Hara vừa qua tự tử chỉ là một ví dụ. 

Không biết đã có bao nhiêu số phận cay đắng không vượt qua áp lực của những cái nhấp chuột này trên thế giới.

Và Việt Nam cũng không ngoại lệ, đã hơn một lần đau thương xảy ra đối với những nạn nhân vô tội mà ở đó, hầu hết là giới trẻ. Họ chưa đủ bản lĩnh để vượt qua sự khắc nghiệt của dư luận trên mạng. Tôi thật sự không muốn thống kê hay điểm lại bởi đây là những vụ việc đau lòng.

Nguy hiểm không kém khi gần đây, một số ít người có dã tâm ác ý khi phát tán thông tin giả mạo nhằm ý đồ đen tối nhằm vào những người có vị thế trong xã hội. Và tiếc thay, không ít người lại ngây thơ tin đó là sự thật.

Nhớ lại đầu tháng 9 năm ngoái (2018), khi vụ việc 7 người tử vong sau đêm đại nhạc hội diễn ra tại Công viên nước Hồ Tây, trong đó có một cô gái trẻ được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Nếu trừ lý do trùng họ với một vị Bộ trưởng thì theo tôi được biết, họ không có một mối quan hệ nào liên quan.

Thế nhưng không ít người cứ khăng khăng cô gái đó là con vị Bộ trưởng nọ để rồi hết lời mạt sát cả bố lẫn con.

Trường hợp thứ hai còn bi hài hơn, đó là tại lễ tuyên dương sinh viên của một trường đại học nọ, một sinh viên đậu thủ khoa cũng trùng họ với vị Bộ trưởng là cơ quan chủ quản của trường này.

Thế là dư luận lại xôn xao cậu thủ khoa là con vị Bộ trưởng và không tiếc lời dèm pha cậu.

Trong khi quê của sinh viên thủ khoa ở Hà Nội còn vị Bộ trưởng lại sinh ở một tỉnh khác.

Thậm chí, nhiều tờ báo đăng cả ảnh gia đình bố mẹ và bà của cậu sinh viên này còn ảnh vị Bộ trưởng thì xuất hiện đầy trên các phương tiện thông tin đại chúng nên không khó để phân biệt.

Thế nhưng cho đến tận bây giờ, lời đàm tiếu, dè bỉu nhắm vào em vẫn không dứt.

Hai vụ vu khống này trước hết, làm ảnh hưởng đến uy tín của hai vị bộ trưởng, đặc biệt là danh dự của vị Bộ trưởng bị vu có con gái bị sốc thuốc ở Hồ Tây.

Ở vụ thứ hai, không chỉ ảnh hưởng tới vị Bộ trưởng mà nghiêm trọng hơn, nó đã xúc phạm đến cá nhân em và cả gia đình của em sinh viên thủ khoa.

Những thành tích mà em đạt được là nhờ nỗ lực của em chứ không phải nương bóng con ông này, bà nọ và em là con của bố mẹ em sinh thành và nuôi dạy.

Quá bức xúc, trong một văn bản gửi Ban Giám hiệu nhà trường, em sinh viên đã viết em “không có bất cứ mối quan hệ nào” với vị Bộ trưởng trên và bày tỏ: “Thông tin sai lệch gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và công việc hiện tại của tôi”.

Ở đời, một trong những sự độc ác không thể tha thứ là ăn gian nói dối, vu oan giá họa, bốc lửa bỏ tay người.

Tiếc thay những kẻ chủ mưu, cố tình của những vụ việc này chưa thấy bị pháp luật trừng trị dù đó là tội ác và càng tiếc hơn không ít người nhẹ dạ lại ngây thơ tin vào những điều bịa đặt vô lý đó.

Đã đến lúc cần phải đưa những kẻ ăn không, nói có ra trước pháp luật đồng thời mỗi chúng ta khi tiếp xúc với các thông tin trên mạng cần tỉnh táo để tránh vô tình trở thành công cụ tiếp tay cho những ý đồ đen tối.

Hãy nhớ rằng đằng sau cái “nhấp chuột” là số phận con người!

Bùi Hoàng Tám