Cần chấm dứt tình trạng “Còng lưng xúc tép nuôi cò…”

(Dân trí) - Đã đến lúc phải dứt khoát và sòng phẳng, không có chuyện “Còng lưng xúc tép nuôi cò – Đến khi cò lớn, cò giò lên cây”, phải không các bạn?

Cần chấm dứt tình trạng “Còng lưng xúc tép nuôi cò…” - 1

Một thông tin về giáo dục gây tranh luận khá quyết liệt những ngày qua. Đó là có nên duy trì hệ thống trường chuyên như hiện nay hay tiến tới xã hội hóa lĩnh vực này?

Lý do có cuộc tranh luận này bởi trước đó, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam, Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa TP HCM cùng nhiều nhà khoa học giáo dục khác đã lên tiếng về mô hình này.

“Nhiều bạn bè hay học trò của mình cũng khá thành công, nhưng không xuất thân từ trường chuyên nào cả. Có lẽ ngày xưa, khi lập ra trường chuyên, người ta muốn tạo ra một tầng lớp tinh hoa để đưa Việt Nam ra biển lớn”. GS Nam tâm sự.

Trên Vietnam Net, bài “Nhiều trường chuyên đã bị biến tướng” của tác giả Thanh Hùng - Lê Huyền cho biết, GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cũng cho rằng mô hình trường chuyên “đào tạo “thợ đi thi quốc tế” đã không còn hợp thời và các nước phát triển cũng không làm như vậy”.

Thầy giáo Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM đề nghị quyết liệt hơn: Nên tư nhân hóa trường chuyên. 

“Trường chuyên không nên hưởng bao cấp khi chưa trả lời được câu hỏi “sản phẩm đầu ra” làm được gì cho đất nước? Do vậy, nên tư nhân hóa trường chuyên, để phụ huynh nào muốn thì đăng ký. Thậm chí, có thể thực hiện cổ phần hóa cả trường thường để giảm gánh nặng cho xã hội”. 

TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Edlab Asia còn cho rằng mô hình nuôi dưỡng năng khiếu sau khi hết bậc phổ thông còn có những điểm phi khoa học…

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT lại khẳng định không thể xã hội hóa mô hình này. Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết “Mô hình trường chuyên đã được thể chế hóa trong các điều luật của Nhà nước. Như vậy, không thể nào có chuyện xã hội hóa được...

Vì là trường chuyên nên được đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, hay đội ngũ giáo viên là những người có năng lực trội hơn so với các giáo viên khác”.

Về quan điểm cá nhân, tôi đồng tình với các ý kiến của các thầy giáo nói trên và đặc biệt tâm đắc với câu hỏi “Trường chuyên không nên hưởng bao cấp khi chưa trả lời được câu hỏi “sản phẩm đầu ra” làm được gì cho đất nước?” của thầy Huỳnh Thanh Phú.

Đây là câu hỏi sòng phẳng, đòi hỏi sự công bằng bởi để duy trì mô hình trường chuyên, ngân sách Nhà nước (mà bản chất là tiền đóng góp của dân) phải đầu tư rất nhiều, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và nhiều chính sách ưu đãi khác.

Số tiền này được “rút ruột” từ nguồn ngân sách dành cho giáo dục cả nước và như vậy, có thể hiểu đây là cuộc “điều chuyển” tiền từ các trường không chuyên sang cho trường chuyên.

Nếu vậy, điều này là thiếu công bằng bởi sao lại “bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng”, lấy của học sinh này dành cho học sinh khác và càng thiếu công bằng hơn, nếu như chưa làm rõ được những đóng góp của các cựu học sinh trường chuyên cho đất nước.

Đặc biệt là với những du học sinh bởi chúng ta không thể lấy tiền của các học sinh không chuyên cho các học sinh trường chuyên để rồi sau du học, họ ở lại nước ngoài làm việc với thu nhập không hề nhỏ, trong khi đất nước nuôi dưỡng họ lại chẳng được báo đáp gì.

Đã đến lúc phải dứt khoát và sòng phẳng, không có chuyện “Còng lưng xúc tép nuôi cò – Đến khi cò lớn, cò dò lên cây”, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám