4 lần nhắc về sự “xấu hổ” và lời “tuyên chiến” của Bí thư Trịnh Văn Chiến

(Dân trí) - Theo tường thuật của PV Dân trí, trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, ông Trịnh Văn Chiến Bí thư Tỉnh ủy ít nhất đã 4 lần nhắc đến hai tiếng “xấu hổ”.

4 lần nhắc về sự “xấu hổ” và lời “tuyên chiến” của Bí thư Trịnh Văn Chiến - 1

"… Chứ không để cái này là xấu hổ. Nghèo đã là xấu hổ rồi, phải phấn đấu vươn lên để thoát nghèo. Mà xấu hổ đó là xấu hổ từ chúng tôi, từ lãnh đạo tỉnh chứ không riêng bản thân gia đình hộ nghèo đâu.

Chúng tôi cảm thấy mình có lỗi lớn trong chuyện còn để cho dân có nhiều trường hợp, nhiều gia đình bị nghèo. Đừng để rất nhức đầu về chuyện Thanh Hóa chúng ta xuất hiện khái niệm hộ cận nghèo ở gần hộ nghèo”. Ông Chiến nói.

Công bằng nhìn lại, những năm gần đây, Thanh Hóa đã có những bước tiến vượt bậc ở nhiều lĩnh vực, Về kinh tế, luôn đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt khoảng 10,3%/năm.

Quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2020 đạt trên 229 nghìn tỷ đồng, gấp 4,5 lần 2010.

Giá trị sản xuất công nghiệp và thu ngân sách Nhà nước ước đạt 146.922 tỷ đồng, tăng bình quân 17,5%/năm.

Du lịch phát triển đột phá cả về hạ tầng, số lượng du khách và tổng doanh thu du lịch.

Về xây dựng nông thôn mới, là một trong những tỉnh đạt kết quả tốt nhất của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh…

Đặc biệt, với quyết tâm của mình, Thanh Hóa đã làm nên “kỳ tích Sầm Sơn” từ khu du lịch nhiều “tai tiếng”, trở thành địa chỉ nổi tiếng.

Thế nhưng tiếc rằng, các lý do Bí thư Chiến nói “có lỗi lớn”, “rất đau đầu” và “xấu hổ” cũng hoàn toàn có thật.

Không có “lỗi lớn” sao được khi mà vẫn để còn không ít hộ nghèo.

Không đau đầu và xấu hổ sao được khi mà dê cho người nghèo lại “lạc” vào nhà Bí thư huyện ủy?

Không đau đầu và xấu hổ sao được khi cán bộ xã “ăn” cả gói mì tôm của dân?...

Gần đây nhất, trong khi hầu hết các địa phương đều thực hiện khá tốt việc phân bổ hỗ trợ cho người nghèo trong gói 62.000 tỉ đồng thì lại vẫn Thanh Hóa nổi lên những việc như “vận động” người dân “tự nguyện” ký đơn xin không nhận, để “dành cho những người khó khăn hơn”.

Rồi việc cả những gia đình khá giả hay người nhà cán bộ xã cũng được đưa vào “hộ nghèo” để thụ hưởng chính sách.

Thậm chí, có những “lý luận” hết sức “ngây ngô” kiểu “Sống cạnh hộ nghèo là hộ… cận nghèo”.

Thật ra, những tiêu cực này giá trị kinh tế không lớn, thậm chí có cái rất nhỏ. Cao nhất như con dê cũng chỉ vài triệu đồng và thấp nhất là gói mì tôm có giá vài ngàn bạc.

Thế nhưng nó lại rất mang tiếng, rất đáng xấu hổ và rất bức xúc.

Nó không chỉ làm lu mờ đi những thành tựu của Thanh Hóa mà còn mang tiếng cho một vùng đất thiêng liêng, với nền văn hóa lâu đời, nơi phát tích của nhiều triều đại lẫy lừng dân tộc.

Rất may, tại phiên họp nói trên, Bí thư Chiến đã 4 lần nhắc đến hai tiếng “xấu hổ”.

Đây có thể coi như lời “tuyên chiến” xóa bỏ “xấu hổ” của Bí thư Trịnh Văn Chiến. Một khi lãnh đạo đã “tuyên chiến” thì chắc chắn cán bộ, đảng viên không thể không noi theo.

Mong rằng thời gian tới đây, Thanh Hóa sẽ phát huy tinh thần tự “lột xác” của Sầm Sơn để đi từ “xấu hổ” đến với “tự hào”.

Một khi “tinh thần xấu hổ” được khơi dậy, chắc chắn sẽ là sự chuyển biến mạnh mẽ.

Có lẽ, điều đáng sợ nhất, đó là khi con người ta “đứt sợi dây thần kinh” mang tên “xấu hổ”.

Bùi Hoàng Tám