200 nghìn đồng và 90 triệu đồng cùng những chuyện “cười ra nước mắt”

(Dân trí) - Những bất cập trong các quy định xử phạt so với thực tế đã được bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện nêu khá rõ ràng tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào sáng 20/5, chỉ với dẫn chứng về hai mức phạt có thể coi là có tính “điển hình” rất lớn.

200 nghìn đồng và 90 triệu đồng cùng những chuyện “cười ra nước mắt” - 1

Cụ thể, bà Hải cho biết, với hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy tại một chung cư ở Hà Nội, nhưng mức xử phạt hành chính dành cho người vi phạm chỉ có 200.000 đồng (theo điểm a khoản 1 Điều 5 của Nghị định 167).

Việc này khiến dư luận bức xúc do mức xử phạt chưa tương xứng với hành vi vi phạm và tác động xấu mà nó gây ra về dư luận xã hội. Đây là mức phạt quá nhẹ, nên không đủ sức răn đe.

Trong khi đó, mức phạt đối với hành vi đổi 100 USD tại cửa hàng vàng (nơi không được phép thu đổi ngoại tệ) của một công dân ở Cần Thơ lại lên tới 90 triệu đồng.

Ban Dân nguyện cho biết, mức xử phạt hành chính trong những trường hợp đó được cho là có sự chênh lệch, thiếu công bằng, không phù hợp thực tế nên chưa được người dân đồng tình, ủng hộ.

Thực tế, chuyện quy định lẽo đẽo đi theo sau cuộc sống quá lâu và quá chậm chạp đã được BLOG Dân Trí đề cập không ít lần, trong đó bao gồm cả hai dẫn chứng nói trên. Việc đưa thông tin này ra Quốc hội là cần thiết, bởi như chúng ta biết, Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, lập pháp.

Theo đó, khi đã thấy được những trường hợp khập khiễng, thậm chí là có độ vênh quá lớn giữa các quy định luật pháp với hiện thực đời sống thì cần phải có những thảo luận và sửa đổi kịp thời. Bởi nói cho cùng, để xây dựng một Nhà nước pháp quyền, hướng mọi người dân sống tuân thủ theo pháp luật thì chẳng có gì quan trọng bằng niềm tin của nhân dân vào sức mạnh và tính công bằng của luật pháp. Người dân có quyền đòi hỏi được sống an toàn trong sự bảo vệ của pháp luật.

Sau vụ phạt vi phạm 200.000 đồng với hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy, có lẽ các cơ quan chức năng cũng không thể ngờ về một làn sóng phản ứng mạnh mẽ của công chúng đã diễn ra, cả trong thực tế và trên mạng xã hội. Những hình phạt của cộng đồng với những hành vi tương tự (như vụ ông Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái trong thang máy tại Đà Nẵng) có thể cũng vượt xa trí tưởng tượng của những nhà “làm luật”.

Ở một góc độ nào đó, tôi cho rằng, việc hành xử tự phát của cộng đồng trong một vài trường hợp cụ thể như vừa qua cũng là điều mà mỗi thành viên trong bộ máy tư pháp, mỗi đại biểu Quốc hội cần nhìn lại trách nhiệm của mình và có những bước đi, những hành động rõ ràng.

Bà Nguyễn Thanh Hải nói rằng, các cơ quan tiếp thu kiến nghị cử tri rồi giải quyết kiến nghị cử tri ở tỷ lệ “rất cao, gần như tuyệt đối” - đây là điều đáng ghi nhận. Thế nhưng, cũng theo Trưởng Ban Dân nguyện chỉ rõ, việc trả lời còn chung chung, “lấy vì”, việc giải quyết chưa triệt để, thấu đáo, mới chỉ dừng ở việc dẫn văn bản, quy định pháp luật; việc xử lý còn chậm… hy vọng sẽ hạn chế và dần phải chấm dứt ở kỳ họp Quốc hội này và những kỳ sau.

Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, rất mong, các đại biểu Quốc hội hãy làm tốt hơn nữa vai trò của mình, để rồi đây, những quy định “cười ra nước mắt” như nghịch lý 200 nghìn - 90 triệu sẽ không còn.

Bích Diệp