Nhịp cầu bạn đọc số 9: Đề nghị làm rõ có hay không việc huy động vốn để chiếm đoạt tài sản?

(Dân trí) - Tuần qua, báo Dân trí nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc gửi về tòa soạn, phản ánh một số vấn đề khúc mắc về giải quyết tranh chấp đất đai, chế độ chính sách cho người có công... Báo Dân trí đã chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến các cơ quan chức năng để giải quyết

Báo Dân trí nhận được đơn của bà Chu Thị Nhã (SN 1975), trú tại xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Đơn thư cho biết: Tôi làm đơn này tố cáo hành vi của bà Vũ Thị Xiêm - Giám đốc Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm (Quyết định thành lập số: 1949/QĐ-UBND do UBND huyện Thạch Thất cấp ngày 28/11/2006; địa chỉ: xã Nị Dậu, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) đã có dấu hiệu của hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Tôi nguyên là chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật Thanh Nhã. Tôi có quen biết với bà Vũ Thị Xiêm - Giám đốc Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm và do cả hai đều là những đơn vị bảo trợ và giúp đỡ người khuyết tật nên bà Xiêm có đề nghị hai công ty cùng hợp tác, cùng phát triển với mong muốn được mở rộng và phát triển công ty. 

Sau khi tôi đồng ý chuyển lên Trung tâm dạy nghề Minh Tâm để hoạt động, bà Vũ Thị Xiêm lấy danh nghĩa của trung tâm bảo trợ xã hội, dạy nghề để vay tiền, huy động vốn và thông báo về sự huy động vốn trên nhằm phục vụ cho việc xây dựng Trung tâm thành một đơn vị bảo trợ xã hội, dạy nghề cho người khuyết tật lớn và uy tín nhất cả nước. Việc đó khiến tôi rất an tâm và đồng ý vay tiền các cá nhân, tổ chức để góp vốn cho bà Xiêm. Riêng cá nhân tôi đã cho bà Xiêm vay tổng số tiền là 4.700.000.000 đồng.

Tuy nhiên, sau nhiều lần muốn thu hồi lại khoản tiền trên để trả lãi cho các tổ chức, cá nhân tôi đã vay thì bà Xiêm luôn khất nợ và trốn tránh không trả nợ. Từ năm 2016 đến nay, bà Xiêm luôn dùng lý do xây dựng trung tâm để vay tiền nhưng trên thực tế không có bất cứ một hoạt động xây dựng nào cả. Trong các giấy tờ vay tiền, bà Xiêm luôn sử dụng dấu của trung tâm mà mình là giám đốc để đóng vào văn bản nhằm tạo dựng lòng tin, nhưng tòan bộ khoản tiền bà Xiêm mang danh công ty để đi vay đều được bà Xiêm trực tiếp nhận, không chuyển qua tài khoản của trung tâm cũng như hạch toán vào sổ sách nội bộ”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn thư của bạn đọc đến VKSND TP Hà Nội, Công an TP Hà Nội, Sở LĐTB&XH TP Hà Nội, UBND huyện Thạch Thất, VKSND huyện Thạch Thất, Công an huyện Thạch Thất, Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm kiểm tra, giải quyết, hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Hoàng Hà, trú tại 51C Cửu Long, phường 15, quận 10, Tp. Hồ Chí Minh.

Đơn kêu cứu về việc đã hơn 7 năm Chủ tịch UBND quận 10, Chủ tịch UBND phường 15 chần chừ không thực hiện cưỡng chế tháo dỡ nhà ở xây dựng không  phép tại số F4B Trường Sơn, phường 15, quận 10, Tp. HCM theo Quyết định số 2371/QĐ-KPHQ ngày 17/4/2012 và Quyết định số 5696/QĐ-CC ngày 20/9/2012 của UBND Quận 10.

Đơn có nội dung như sau: “Tôi là chủ sở hữu căn nhà và đất tại số F4B Trường Sơn, Phường 15, Quận 10, Tp. Hồ Chí Minhtheo giấy chứng nhận QSDĐ số H02820/29 do UBND Quận 10 cấp ngày 26/6/2006 (gọi tắt nhà F4B “Trường Sơn”).

Đầu năm 2006, ông Nguyễn Văn Hữu, sinh năm 1962 có xây nhà ở ngay liền kề nhà tôi đã làm lún nhà, sập tường nhà, lún nền nhà không sử dụng được. Ông Hữu có gặp gia đình tôi xin lỗi và thừa nhận về thiệt hại nhà của chúng tôi là không thể ở và sinh sống tiếp tục nên ông Hữu đưa ra yêu cầu thuê nhà ở và xây dựng mới lại nhà ở tại F4B Trường Sơn với Hợp đồng thuê nhà ngày 11/4/2006 (gọi tắt là “Hợp đồng”): thời gian thuê nhà 12 năm (ngày 11/4/2018 hết hạn thuê), ông Hữu có nghĩa vụ xây nhà mới 01 trệt 3 lầu với toàn bộ chi phí tiền của ông (Điều 2 của Hợp đồng), thủ tục xin giấy phép xây nhà, ông Hữu có nghĩa vụ thưc hiện đúng với quy định của pháp luật, hết hợp đồng sẽ bàn giao lại nhà cho tôi và không hoàn tiền đã xây dựng (Điều 4 của Hợp đồng).  

Trong quá trình xây dựng, ông Hữu đã xây dựng nhà là 01 tầng hầm, tầng trệt, 05 lầu không đúng với Hợp đồng đã thỏa thuận ngày 11/4/2006 giữa tôi với ông Hữu, việc xây dựng không có giấy phép của các cơ quan có thẩm quyền.    

Hành vi xây dựng nhà ở trái pháp luật của ông Hữu không trao đổi, bàn bạc, thông tin hay thông báo cho tôi biết và đã bị Ủy ban nhân dân Quận 10 phát hiện hành vi sai trái này, đồng thời UBND quận 10 ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Hiện tại, Hợp đồng thuê nhà giữa tôi và ông Hữu đã kết thúc từ ngày 11/4/2018, tôi không vi phạm bất cứ điều khoản nào trong bản hợp đồng và không có văn bản kéo dài thời gian thuê căn nhà số F4B Trường Sơn.

Nhưng hiện nay căn nhà tôi đã bị UBND Quận 10 và các cơ quan có thẩm quyền khác ngăn chặn không cho giao dịch, mua bán, chuyển nhượng... về nhà và đất vì đã bị UBND Quận 10 ban hành 02 quyết định cưỡng chế tháo dở nhà xây dựng trái phép, nhưng đến ngày hôm nay chưa được Chủ tịch UBND quận 10 và Chủ tịch UBND phường 15, quận 10 triển khai thực hiện cưỡng chế theo quy định.

Báo Dân trí kính chuyển UBND TP.HCM, Sở Xây dựng TP.HCM, UBND quận 10 xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Đỗ Văn Nhận, trú tại Đội 1, xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, thắc mắc về vấn đề làm thủ tục hồ sơ công nhận chế độ chính sách.

Nội dung đơn như sau: “Tháng 6 năm 1970 tôi nhập ngũ, tham gia thanh niên xung phong lên đường bảo vệ tổ quốc, tham gia công tác ở chiến trường Đoàn 559, đơn vị C5d69BT29. Tôi Hoạt động tại Quảng trị và nam Lào, tháng 7 năm 1973, tôi được xuất ngũ trở về địa phương.

Được biết Đảng và nhà nước có chế độ giải quyết chính sách 1 lần cho thanh niên xung phong nên tôi viết đơn tay xin xét duyệt huởng trợ cấp 1 lần vào ngày 14/4/2014, sau đó được uỷ ban nhân dân xã cấp cho 1 tờ đơn đánh máy theo mẫu.

Từ 2014 đến nay tôi cũng ra uỷ ban nhân dân xã làm thêm 1-2 lần xin xét duyệt trợ cấp 1 lần với thanh niên xung phong. Đến nay đã là 2019 rồi mà tôi vẫn chưa đuợc huởng chế độ.”

Báo Dân trí kính chuyển Cục Chính sách- Bộ LĐ TB&XH, UBND tỉnh Nam Định, Sở LĐ TB&XH tỉnh Nam Định, UBND huyện Giao Thủy xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Nguyễn Hoàng Thái Dương, là khách hàng mua căn hộ dự án Charmington quận 4, Tp.HCM do Sabeco HP làm chủ đầu tư và TTC land là đơn vị kinh doanh bán hàng.

Ngày 27/12/2018, dự án này bị UBND TP HCM ký quyết định thu hồi chủ trương đầu tư và đình chỉ giấy phép xây dựng. Tôi đã có 02 công văn liên tiếp gửi ngày 25/01 và 25/02 năm  2019 đến TTC land để yêu cầu hoàn trả số tiền đã đóng cho dự án, nhưng TTC land vẫn không chịu hoàn trả.

Vì vậy, nay tôi kính gửi thông tin này đến quý cơ quan báo chí, để nhờ quý cơ quan hỗ trợ thông tin, tư vấn đòi quyền lợi, và hướng dẫn tôi cách để liên hệ được các khách hàng khác của dự án để chúng tôi cùng nhau liên kết đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

Chúng tôi là những người dân thấp cổ, bé họng, đã dùng vốn liếng tài sản của mình để mua căn hộ trả góp theo tiến độ nhằm ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp, nhưng nay lại rơi vào cái dự án rối ren, không minh bạch, không có pháp lý hiện tại. Do đó, rất kính mong quý cơ quan hãy xem xét, giúp đỡ chúng tôi”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND TP.HCM, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM xem xét giải quyết .

Ngọc Hân (thực hiện)