Khi "xe ôm công nghệ" trở về với giá trị vốn có

PV

(Dân trí) - "Bản chất khi sinh ra các app đặt xe công nghệ là đi chung xe kiếm thêm thu nhập. Khi có quá nhiều người lao vào, coi nó là nghề chính hệ quả sụt giảm thu nhập là tất yếu và đã được báo trước".

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, thời gian qua, nhiều tài xế xe ôm công nghệ tại TPHCM phải bỏ việc để tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Anh N.H. (35 tuổi) có 8 năm lái xe ôm công nghệ, song phải bỏ việc vì thu nhập giảm 50% so với thời điểm mới vào nghề. Anh cho biết hiện tại, mỗi ngày bỏ túi khoảng 250.000 đồng, không đủ để đảm bảo cuộc sống gia đình nên rời bỏ công việc để nộp đơn xin làm bảo vệ.

Trước đây, anh H. từng là nhân viên kỹ thuật máy tính, mức lương trung bình. Do tính chất công việc, anh bỏ việc để chuyển sang làm xe ôm công nghệ do thời điểm đó, công việc có thu nhập cao, thời gian không bị gò bó. Giờ đây, anh không thể quay lại công việc cũ và chỉ có thể xin đi làm bảo vệ.

Tương tự, anh Phan Ngọc (38 tuổi) cũng từ bỏ công việc gắn bó với mình 9 năm qua để chuyển sang bán xôi. Theo tài xế này, chiết khấu giữa công ty và lái xe ngày một tăng (33%), trong khi số cuốc xe giảm do ngày càng nhiều người đăng ký làm tài xế khiến số tiền mỗi người bỏ túi giảm đáng kể. Từ mức thu 700.000-800.000 đồng/ngày, con số giờ chỉ còn khoảng 200.000 đồng/ngày.

Khi xe ôm công nghệ trở về với giá trị vốn có - 1

Độc giả cho rằng, các hãng xe mở ra cạnh tranh, người lao động thất nghiệp đi làm tài xế ngày càng tăng thì đương nhiên thu nhập phải giảm (Ảnh minh họa: Grab).

Thu nhập giảm là điều đương nhiên

Đây là 2 trong số rất nhiều trường hợp tài xế xe ôm công nghệ bị sụt giảm thu nhập vì tổng hòa của nhiều nguyên nhân khác nhau. Phải chăng, đã tới lúc cần có một cái nhìn chính xác hơn về "công việc" này?

Bình luận dưới bài viết của Dân trí, độc giả Huy DT viết: "Đầu tiên, chiết khấu 33% gồm những khoản nào? Nếu bao gồm cả thuế phải nộp thì không thể nói là chiết khấu cho công ty được. Hầu hết công ty hiện nay chiết khấu hoa hồng là 20%, lái xe phải nộp thuế GTGT (VAT) và thuế thu nhập cá nhân là khoảng 11,5% nữa cũng mới là 31,5%.

Nên nhớ thuế là nộp cho Nhà nước, không phải công ty được hưởng. Còn thu nhập giảm là bởi số lượng tài xế đi làm gấp cả chục lần so với 5, 6 năm trước, đông vậy không giảm mới lạ. Cái này không phải lỗi công ty".

"Các hãng xe mở ra cạnh tranh, người lao động thất nghiệp đi làm tài xế ngày càng tăng thì đương nhiên thu nhập phải giảm thôi", anh Thái Hải bình luận.

Còn với độc giả Tiến Vũ, anh cho rằng không thể trách các hãng xe công nghệ vì đây là mối quan hệ hợp tác, việc đi làm là lựa chọn tự nguyện của tài xế. "Mối quan hệ đối tác, không phù hợp thì không hợp tác, dừng hoặc chuyển qua đơn vị khác phù hợp. Tài xế không bị ép buộc, không bị ràng buộc, là quan hệ tự nguyện, do mình lựa chọn thôi", người này viết.

Tương tự, anh Huy Hoàng Nguyễn nêu quan điểm: "Kinh tế thị trường tự cân bằng, cảm thấy chưa được đãi ngộ đúng mức thì cứ thoải mái chuyển qua công việc khác. Nhìn thoáng ra là quan hệ cộng sinh thôi, họ không làm công ích nên khi khó khăn họ sẽ buộc phải tăng chiết khấu, lái xe cảm thấy ổn thì hợp tác còn không thì đổi việc khác, nhẹ nhàng cho cả 2 bên".

"Ngành nghề nào cũng khó khăn chứ không phải mỗi Grab đâu, nên hãy tự cứu mình, đừng chờ người khác cứu", chủ tài khoản Athena Seven bình luận.

Không thể trở thành công việc chính

Từ thời điểm bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, cơ hội việc làm tại các hãng xe công nghệ thu hút sự quan tâm của một lực lượng lớn người lao động, trải dài trên nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau. Thủ tục đăng ký đơn giản; không yêu cầu bằng cấp; thời gian làm việc tự do, không ép buộc, gò bó cùng thu nhập ở mức khá - trung bình khá là những yếu tố khiến nhiều người lao động sẵn sàng từ bỏ công việc chuyên ngành để trở thành tài xế xe công nghệ.

Khi xe ôm công nghệ trở về với giá trị vốn có - 2

Một độc giả Dân trí cho rằng, chạy xe công nghệ là ngành nghề mà ai cũng làm được thì rất khó bền vững và thu nhập cao, chỉ nên coi là công việc phụ (Ảnh minh họa: An Chi).

Thậm chí, nhiều sinh viên bắt đầu chạy xe ôm công nghệ từ thời điểm còn ngồi ghế nhà trường. Vì kế mưu sinh, nhiều bạn trẻ mải mê kiếm tiền từ công việc này mà sao nhãng, bỏ bê, thậm chí ngưng hẳn việc học hành. Cộng với thu nhập ở mức ổn, những sinh viên, tân cử nhân sẵn sàng gác lại công sức nhiều năm đèn sách để đến với công việc này.

Nhiều người vẫn thường nói vui rằng, sinh viên mới ra trường, đi làm văn phòng mà lương còn thua cả người không bằng cấp đi chạy xe ôm công nghệ thì đi làm làm gì. Chính quan điểm, suy nghĩ có phần lệch lạc đó dẫn tới việc khi mọi thứ bão hòa, khi mọi người bắt đầu đổ xô đi làm tài xế công nghệ, công việc này không còn "hái ra tiền", nhiều người bắt đầu trăn trở, loay hoay và rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" vì không còn cứu cánh cho bản thân.

Mức thu nhập của tài xế xe ôm công nghệ vì thế trở lại đúng với giá trị vốn có.

"Bản chất khi sinh ra các app đặt xe công nghệ là đi chung xe, đi nhờ xe kiếm thêm thu nhập. Khi có quá nhiều người lao vào làm và coi nó là nghề chính thì hệ quả này là tất yếu và đã được báo trước. Grab thời gian đầu họ tung khuyến mại nhiều để chiếm thị phần, giờ họ nâng chiết khấu để bù lại thì cũng dễ hiểu", độc giả Nguyễn Thanh Liêm bình luận.

"Tôi vừa làm công nhân vừa chạy xe đây. Nói chung là các bác kiếm 1 công việc ổn định để làm rồi hãy nghĩ đến chạy xe", chủ tài khoản Thuy Xuan viết.

"Xã hội tự điều tiết thôi mà. Lúc lên lúc xuống là bình thường. Chạy chuyên nghiệp thì tháng 10-15 triệu, chạy bán thời gian thì tháng 3-5 triệu là hợp lý. Vừa không cần đào tạo, vừa không chặt chẽ thời gian, muốn việc nhẹ lương cao thì nằm mơ", độc giả cuong thẳng thắn nhìn nhận.

Bình luận bằng giọng ngậm ngùi, chủ tài khoản ketcauthep vietnam viết: "Có làm thì cũng làm tạm thời thời gian ngắn kiểu lấy ngắn nuôi dài, rồi phải học 1 cái nghề có chút chuyên môn thực sự thì cũng có thu nhập để sống tốt hơn chạy Grab. Nghề vất vả và nguy hiểm, tai nạn luôn rình rập. Ra đường thấy chi chít đồng phục sắc xanh Grab mà thấy buồn cho người lao động Việt Nam".

"Ngày trước đã có không ít cảnh báo cho các bạn khi bỏ việc để chạy xe ôm công nghệ rồi. Lúc đó các bạn lý luận rằng, nghề nào cũng là nghề, chạy xe ôm lương gấp đôi việc văn phòng tội gì không làm? Các công ty công nghệ họ nắm đằng chuôi, cái lợi là trước mắt cái hại là lâu dài. Giờ sức khỏe giảm sút, kỹ năng chỉ có lái xe thì kiếm việc gì thu nhập lo được cho gia đình?", độc giả Luu Quyen nêu quan điểm.

"Đây là viễn cảnh đã được dự báo từ lâu", "Hệ quả của việc sinh viên tốt nghiệp muốn tự do, không theo khuôn khổ. Rồi đến lúc xe ôm công nghệ chỉ là nghề kiếm thêm thu nhập thôi", "Ngành nghề mà ai cũng làm được thì rất khó bền vững và thu nhập cao, chỉ nên coi là công việc phụ", "Cái gì cũng phải đến lúc thoái trào, nhất là những thứ gắn liền với yếu tố công nghệ hoặc xu thế"… nhiều độc giả có chung nhận định về nghề "xe ôm công nghệ" tại Việt Nam.

Hoàng Diệu