Bị "vặt" phụ tùng ô tô, có nên ra chợ Trời mua lại?

Thế Hưng

(Dân trí) - Người dân Hà Nội thường có thói quen lên chợ Trời để "chuộc" lại đồ đã mất, nhất là phụ tùng xe. Nhiều người khẳng định cứ ra đây là thấy đồ của mình, giá rẻ hơn mua mới.

"Chát đắng"... khổ chủ mất trộm đồ, phải ra chợ Trời mua lại!

Chợ Trời (hay chợ Giời) có tên thật là chợ Hòa Bình. Chợ Trời nằm ở trung tâm Hà Nội, giáp ranh Đồng Nhân và Phố Huế. Khu chợ này có rất nhiều hàng hóa, nhưng điều làm nên tên tuổi của chợ Trời là những lùm xùm tiêu thụ đồ ăn trộm, ăn cắp.

Vì thế, người dân Hà Nội vẫn thường truyền tai nhau câu nói: "Ai bị mất thứ gì, cần cái gì (đồ ăn cắp) cứ ra chợ Trời Hà Nội hỏi là sẽ "chuộc" lại được".

Câu nói trên không rõ xuất phát từ ai, vào khoảng thời gian nào. Nhưng năm 2009, chị Ngọc Hà đã bị mất biển số xe máy khi dựng xe trước cửa nhà. Khá bất ngờ bởi tình huống... không ngờ này, chị Hà đã hỏi han nhiều người về thủ tục xin cấp lại biển số.

Tuy nhiên, chị Hà lại nhận được câu trả lời rằng, cứ lên chợ Trời mà tìm. Sau khi nhận được lời khuyên, chị lên chợ Trời dò hỏi về tung tích biển số xe. Chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ, chị đã chuộc lại được biển số xe với giá 400.000 đồng.

Dù tìm được đồ, nhưng chị Hà cho biết, bản thân chị sau đó đã cảm thấy việc chuộc lại biển số xe là không nên. Vì khi không có người mua, biển số xe đó sẽ không có giá trị. Kẻ gian sau này sẽ không hướng tới việc đi ăn trộm biển số xe.

Chị cho rằng, hành động của chị dù tiết kiệm được thời gian và công sức nhưng lại vô tình tiếp tay cho các đối tượng xấu tiếp tục ăn trộm và tiêu thụ mặt hàng này. "Hơn nữa, biết đâu một lúc nào đó các đối tượng trên lại tiếp tục ăn trộm biển số xe của tôi vì biết rằng tôi sẽ chuộc lại?", chị Hà nói.

Câu chuyện của chị Hà chỉ là một điển hình rất nhỏ cho những khổ chủ chẳng may mất gương, cần gạt nước, logo, thậm chí cả biển kiểm soát xe... thì sẽ nghĩ ngay tới việc ra chợ Trời, kiểu gì cũng sẽ tìm lại được ngay đúng món đồ mình vừa bị mất, thay vì việc trình báo với cơ quan công an.

Bị vặt phụ tùng ô tô, có nên ra chợ Trời mua lại? - 1

Chợ Trời Hà Nội nổi tiếng vì những lùm xùm tiêu thụ đồ gian (Ảnh minh họa: Toàn Vũ).

Thận trọng vì có thể đối diện hành vi tiêu thụ hàng trộm cắp

Người dân mua bán hàng hóa tại khu chợ này cần hết sức cảnh giác, bởi theo luật sư Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Luật Nam Sơn (Đoàn luật sư TPHCM), hành vi tiêu thụ hàng trộm cắp, nhất là các phụ tùng ô tô là một hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính (phạt tiền lên tới 40 triệu đồng) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (phạt tù lên tới 15 năm).

Cụ thể, luật sư Trung chia sẻ, người mua sẽ bị xử phạt hành chính khi có hành vi mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000-5.000.000 đồng (theo điểm d, khoản 2, Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021).

Hành vi nhận cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000-40.000.000 đồng (theo điểm b, khoản 5, Điều 12, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021).

Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, nếu là người nước ngoài thì sẽ bị trục xuất.

Về trách nhiệm hình sự, luật sư Trung khẳng định, người nào không hứa hẹn trước mà tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có với khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10.000.000-100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, khung hình phạt cao nhất với tội danh này là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000-50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).

Đáng chú ý, nếu người mua có sự hứa hẹn trước về việc tiêu thụ tài sản phạm tội thì người tiêu thụ là đồng phạm tội trộm cắp tài sản. Theo đó, người trộm cắp tài sản bị coi là phạm tội khi tài sản trộm cắp có trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp:

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội sau mà chưa bị xóa án tích: tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản,...

Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

Tài sản là di vật, cổ vật.

Mức phạt thấp nhất với tội danh này theo luật sư Trung là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Mức phạt cao nhất là bị phạt tù từ 12-20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000-50.000.000 đồng (Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).

Cũng theo các luật sư, đa phần người mua hàng tại chợ Trời không nắm rõ được nguồn gốc. Vì thế, nếu người mua hàng không biết thì sẽ không có tội. Tuy nhiên, người dân không nên tiếp tay cho kẻ gian bởi vẫn có người mua sẽ có người tiếp tục đi ăn trộm.