3 phút cùng luật sư: Khi nào vay tiền không trả có thể bị ngồi tù?

(Dân trí) - Mượn tiền không trả là hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí còn có thể ngồi tù nếu có động thái trốn chạy và cố tình không chịu trả.

“Có vay có trả” là quy luật hiển nhiên trong cuộc sống. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp vay mượn tiền của người khác nhưng lại quên hoặc cố tình không trả. Hành động này có vi phạm pháp luật hay không? Chương trình 3 phút cùng Luật sư mời bạn đọc gặp gỡ và trao đổi với Luật gia Tạ Quốc Dũng về vấn đề này.

Mượn nợ trốn chạy không chịu trả sẽ bị xử lý như thế nào?

Thưa luật gia, hành vi vay tiền nhưng không trả có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có thì quy định và khung hình phạt dành cho hành vi này như thế nào?

Luật gia Tạ Quốc Dũng: Đầu tiên cần khẳng định rằng hành vi vay tiền nhưng không trả là hành vi vi phạm pháp luật. Điều này được thể hiện rõ trong Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ cho người vay.

Ngoài ra trong một số trường hợp cụ thể người vay tiền không trả có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy đinh tại Điều 175 BLHS 2015 nếu người đó có các hành vi như: dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó, bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời hạn trả tài sản mặc dù có điều kiện khả năng nhưng cố tình không trả hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Hình phạt cao nhất đối với tội danh này có thể lên đến 20 năm tù.

3 phút cùng luật sư: Khi nào vay tiền không trả có thể bị ngồi tù? - 1

Trong trường hợp cho vay mượn tiền nhưng không có hợp đồng hay giấy tờ, biên nhận chứng minh thì có cách nào để đòi lại tiền hay không thưa luật gia?

Luật gia Tạ Quốc Dũng: Hợp đồng vay, biên nhận tiền là một trong những chứng cứ quan trọng để chứng  minh có hay không việc vay mượn tiền. Nhưng ngoài những văn bản nói trên, có một số tài liệu cũng có thể được xem là chứng cứ để chứng minh giữa các bên có tồn tại giao dịch cho vay tiền.

Cụ thể các thông điệp điện tử như: tin nhắn giao dịch về việc vay tiền, nhận tiền; email trao đổi về việc vay tiền, nhận tiền hoặc các xác nhận từ ngân hàng nếu cho vay thông qua hình thức chuyển khoản… có thể xem là nguồn của chứng cứ theo quy định tại Điều 94 BLTTDS 2015.

Do đó, nếu người cho vay tuy không có hợp đồng hoặc biên nhận nhưng nếu cung cấp được các thông điệp điện tử chứng minh có tồn tại việc vay mượn tiền và các tài liệu khác có liên quan (lời khai của người làm chứng nếu có) thì có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

3 phút cùng luật sư: Khi nào vay tiền không trả có thể bị ngồi tù? - 2

Nếu người mượn tiền trốn sang địa phương khác, có bị truy bắt và cưỡng chế trả nợ hay không thưa luật gia?

Luật gia Tạ Quốc Dũng: Thứ nhất, nếu người mượn tiền có hành vi bỏ trốn khỏi nơi cư trú nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi trên đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 175 BLHS. 

Thứ hai, việc có bị truy bắt hay cưỡng chế trả nợ hay không còn phụ thuộc vào hành vi của người mượn tiến sau khi bị buộc tội. Ví dụ: Sau khi bị buộc tội và phạt cải tạo không giam giữ, người mượn tiền không có hành vi bỏ trốn cũng như tự nguyện trả tiền vay thì lúc này sẽ không truy bắt hay cưỡng chế trả nợ và ngược lại.

Thư Quỳnh - Nguyễn Quang