1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Thanh Hóa: Khởi tố 10 bị can về hành vi mua bán người

Trần Lê

(Dân trí) - Một số đối tượng từ nước ngoài về địa phương buôn bán, thăm thân có dấu hiệu câu kết, móc nối với một số đối tượng khác dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em bán sang nước ngoài.

Mua bán người: Góc nhìn từ nhà quản lý

Cuối năm diễn biến phức tạp

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Thanh Hóa, địa phương này có diện tích rộng, đông dân cư, đời sống và nhận thức của quần chúng nhân dân không đồng đều. Một số xã kinh tế còn nghèo, trình độ dân trí thấp, có nhiều phụ nữ đi làm ăn và lấy chồng sinh sống tại Trung Quốc, Malaysia, Lào, Thái Lan,...

Hàng năm, số người này trở về địa phương buôn bán, thăm thân nhân có dấu hiệu câu kết, móc nối với một số đối tượng khác dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em bán sang nước ngoài. Nạn nhân bị mua bán thường là phụ nữ và trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi, miền biển có hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn, trình độ học vấn thấp.

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, những tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, nhà nghỉ, massage... đã thuê nhân viên.

Tuy nhiên, không có việc làm nên chủ cơ sở kinh doanh "chuyển nhượng" lại nhân viên cho các cơ sở kinh doanh khác. Các cơ sở nhận "chuyển nhượng" nhân viên sau dịch Covid-19, "bắt" nhân viên phải lao động không công để bù lại số tiền chủ cơ sở đã bỏ ra.

Thanh Hóa: Khởi tố 10 bị can về hành vi mua bán người - 1

Các đối tượng liên quan trong đường dây mua bán người bị bắt giữ về hành vi đưa 4 cô gái trẻ từ khu vực sân bay Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân ra khu vực biên giới phía Bắc để tổ chức vượt biên trái phép sang Trung Quốc.

Trong những tháng cuối năm, tình hình mua bán người trên địa bàn Thanh Hóa có những diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 15/12/2020, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá 2 vụ án mua bán người, khởi tố 10 bị can về hành vi mua bán người, giải cứu 8 nạn nhân bị mua bán.

Trong công tác chỉ đạo, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành kế hoạch thực hiện Dự án: "Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người" năm 2020; kế hoạch thực hiện, triển khai các hoạt động hưởng ứng: "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7" năm 2020.

Năm 2020, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức 33 lớp tập huấn, trang bị kiến thức phòng, chống mua bán người, di cư an toàn cho 1.980 người là Bí thư, trưởng các thôn, bản, khu phố; đoàn viên thanh niên, hội viên Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Công nhân làm việc tại các công ty trên địa bàn.

Còn gặp nhiều khó khăn

Về hỗ trợ nạn nhân, theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị, năm 2020 đã có 9 nạn nhân bị mua bán (trong đó 1 nạn nhân từ Trung Quốc tự trở về); các cơ quan đã thực hiện hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo quy định.

Bà Trịnh Thị Minh Hường, Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho biết: "Trong năm 2020, Sở đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Đối với công tác tuyên truyền, vận động, tập trung vào các hoạt động tuyên truyền bằng các hội thi, các buổi nói chuyện chuyên đề đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, tập trung truyền thông cộng đồng cho vùng sâu, vùng xa và vùng dễ có nguy cơ xảy ra tình trạng mua bán người".

Thanh Hóa: Khởi tố 10 bị can về hành vi mua bán người - 2
Bà Trịnh Thị Minh Hường, Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa trao đổi với PV.

Với những nạn nhân bị mua bán trở về, Sở đã hỗ trợ khó khăn ban đầu, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương để làm các thủ tục pháp lý cho nạn nhân; hỗ trợ, tìm hiểu về tình hình, những khó khăn của nạn nhân để tiếp nhận và hỗ trợ lâu dài để nạn nhân ổn định cuộc sống ở địa phương sau khi trở về.

Trong năm 2021, Sở LĐ-TB&XH tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về những thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người, di cư an toàn nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ và nhân dân, trong đó tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên đang tìm kiếm việc làm, phụ nữ và trẻ em gái.

Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố rà soát nạn nhân bị mua bán trở về, lập hồ sơ đề nghị xác minh và hỗ trợ; tổ chức tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về theo đúng quy định của pháp luật, nhất là các chính sách, dịch vụ hỗ trợ ban đầu, tạo điều kiện để nạn nhân ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Tập huấn trang bị kiến thức và kỹ năng công tác cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, kịp thời hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho nạn nhân.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Huy, PGĐ Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, trong năm 2020, Sở LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực phòng chống ma túy, mại dâm, trong đó có chương trình về phòng chống mua bán người, đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa nhiều kế hoạch, giải pháp để ngăn chặn. Đặc biệt là việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cảnh giác cho người dân đối với loại tội phạm này. Vì vậy, đã ngăn chặn, giảm thiểu rất lớn và trong năm qua đạt được những kết quả tích cực.

"Tuy nhiên, vẫn còn một số đối tượng do nhận thức, cũng như nhu cầu mưu sinh di cư trái phép qua biên giới vẫn bị tội phạm này lừa đảo. Đối với các nạn nhân, Sở đều có chính sách thăm hỏi, tìm hiểu khi nạn nhân trở về cộng đồng và hỗ trợ về tư vấn giải quyết việc làm, can thiệp hỗ trợ về vốn để sản xuất, kinh doanh…, giúp cho đối tượng hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất", ông Huy chia sẻ thêm.