1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Nhà nước không "áp đặt", can thiệp trực tiếp việc trả lương trong DN

Nhóm PV Dân trí

(Dân trí) - Đây là một trong những nguyên tắc được thể hiện trong Nghị định số 38 về mức lương tối thiểu mới áp dụng từ 1/7 năm nay. Dù vậy, DN không được xóa bỏ thỏa thuận lương có lợi cho người lao động.

Chiều 17/6, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh và Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng liên đoàn về việc chỉ đạo triển khai Nghị định số 38/2022/NĐ-CP về lương tối thiểu.

Công văn nêu rõ, căn cứ Bộ luật Lao động năm 2019, khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia và đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH, ngày 12/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.

Để triển khai thực hiện Nghị định đúng quy định, bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng LĐLĐ Việt Nam thống nhất đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, các LĐLĐ, tổ chức đại diện người sử dụng lao động tại địa phương và các ban, ngành liên quan nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn triển khai thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP đúng quy định.

Nhà nước không áp đặt, can thiệp trực tiếp việc trả lương trong DN - 1

Quyền lợi của người lao động luôn được đảm bảo tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, công văn trên nhằm giải thích rõ hơn về những thắc mắc, kiến nghị của người lao động, doanh nghiệp về việc tăng lương tối thiểu theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Ông Thanh phân tích, Bộ Luật Lao động (BLLĐ) năm 2012 trước đây quy định, Chính phủ ban hành nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương đối với doanh nghiệp. Căn cứ quy định này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 quy định một số nội dung có tính định lượng, bắt buộc trong nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương (như mức lương thấp nhất của công việc giản đơn nhất, trong điều kiện bình thường không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng; khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%).

Bộ LĐ-TB&XH nhận thấy những nội dung nêu trên không còn phù hợp, đến nay việc quy định này được đánh giá là can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp và không còn phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Vì vậy, triển khai Nghị quyết số 27 năm 2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, với quan điểm nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách trả lương của doanh nghiệp, BLLĐ 2019 đã thể chế hóa, không còn quy định nội dung Chính phủ ban hành các nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương, mà để doanh nghiệp và người lao động thương lượng, quyết định, trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động.

Theo đó, Chính phủ chỉ còn quy định lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động làm công việc giản đơn, đối với các mức lương khác cao hơn (như đối với mức lương của công việc qua học nghề, đào tạo) thì do 2 bên thương lượng, thỏa thuận, trả lương gắn với năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc theo quy định tại điều 95 của BLLĐ năm 2019.

Nghị định số 38 vừa ban hành là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên về việc điều chỉnh lương tối thiểu thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương, BLLĐ năm 2019 nên không "áp đặt" quy định mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng, để đảm bảo nguyên tắc thương lượng, thỏa thuận lương trong doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, để không làm giảm quyền lợi cho người lao động đang hưởng mức lương đối với công việc qua đào tạo, học nghề theo quy định tại Nghị định số 90, tại khoản 3 điều 5 Nghị định 38 quy định:

"Người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động (HĐLĐ), thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong HĐLĐ, TƯLĐTT hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác".

Những ngày vừa qua, có nhiều ý kiến, tranh luận nổi lên về việc Nghị định 38 vừa ban hành không còn quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng cho lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề nói chung; người tốt nghiệp đại học, cao đẳng nói riêng; chỉ bắt buộc người sử dụng lao động trả lương không thấp hơn lương tối thiểu tháng nêu trên.

Đây là điểm khác biệt so với các nghị định về điều chỉnh lương tối thiểu trước đây.

Việc bỏ đi quy định trên khiến công đoàn cơ sở nhiều nhà máy lo ngại người lao động sẽ không được tăng lương từ ngày 1/7, bởi thực tế nhiều doanh nghiệp đang trả lương cao hơn mức tổi thiểu sắp sửa áp dụng vào tháng tới. Các ý kiến suy luận cho rằng, không có quy định này, công đoàn cơ sở không còn hành lang pháp lý để đàm phán tăng lương với giới chủ, trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải cắt giảm chi phí khi xăng dầu tăng, giá nguyên vật liệu cũng tăng theo.

Khi có những thông tin, tranh luận như trên, chiều qua, 17/6, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cùng lãnh đạo Tổng LĐLĐ cùng ký ban hành công văn giải thích rõ, về Điều 5 của Nghị định 38 với nội dung khẳng định những cam kết, thỏa thuận có lợi cho người lao động đã được ký kết, thực hiện tiếp tục được áp dụng, không riêng gì quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng cho lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.