1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Lao động 62 tuổi, đóng BHXH 17 năm làm gì để hưởng lương hưu sớm nhất?

Hoa Lê

(Dân trí) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam tư vấn cho người dân về điều kiện hưởng lương hưu sau thời gian dài tham gia bảo hiểm xã hội.

Tại buổi giao lưu trực tuyến về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, người dân có địa chỉ email nguyenanhtuan0210xxx@gmail.com hỏi: "Tôi năm nay 62 tuổi, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội 17 năm. Tôi muốn được hưởng chế độ hưu trí hằng tháng thì cần làm gì".

Trả lời câu hỏi trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định của chính sách hiện hành, người lao động được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp của ông/bà, năm nay 62 tuổi nhưng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội 17 năm thì chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Nếu ông/bà có nguyện vọng được hưởng hương hưu thì có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu theo quy định.

 Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất như: Đóng hằng tháng; đóng 3 tháng một lần; đóng 6 tháng một lần; đóng 12 tháng một lần.

Có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Như vậy, nếu bạn đọc muốn hưởng lương hưu sớm nhất, có thể đăng ký đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo phương thức đóng một lần cho 3 năm còn thiếu để hưởng lương hưu ngay tại tháng liền kề sau tháng đóng đủ bảo hiểm xã hội.

Lao động 62 tuổi, đóng BHXH 17 năm làm gì để hưởng lương hưu sớm nhất? - 1

Bảo hiểm xã hội Việt Nam tư vấn chính sách cho bạn đọc (Ảnh: BHXH VN).

Bên cạnh đó, bạn đọc có địa chỉ email Xuancuongxxx@gmail.com hỏi: "Tôi sinh năm 1962, đóng bảo hiểm xã hội được 20 năm vậy tôi có đủ tuổi và năm bảo hiểm để hưởng lương hưu theo quy định không?".

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu.

Điều 169, khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ, kể từ ngày 1/1/2021 tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Tại năm 2024 thì tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 61 tuổi, lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng. Trường hợp ông/bà sinh năm 1962 tại năm 2024 đã đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu theo quy định. Trường hợp ông, bà có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội.

Với gần 100 câu hỏi, chương trình Giao lưu trực tuyến về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các tổ chức, cá nhân trong cả nước với các nội dung liên quan đến các quy định như: chốt sổ; quyền lợi hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (chế độ thai sản, trợ cấp thất nghiệp, hưu trí…)...