Đảm bảo tiền lương, đãi ngộ thỏa đáng với cán bộ, nhân viên y tế

Hoa Lê

(Dân trí) - Cần nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng.

Đây là một nội dung được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Nghị quyết nêu rõ, đến ngày 31/12/2022, cả nước đã huy động được khoảng 230.000 tỷ đồng trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh, xã hội.

Kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 đã được sử dụng như sau: hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên 87.000 tỷ đồng; chi chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch (quân đội, công an, y tế ...) 4.487 tỷ đồng.

Đã mua vaccine phòng Covid-19 là 15.134 tỷ đồng; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 là 4,6 tỷ đồng; mua sắm kit xét nghiệm 2.593 tỷ đồng; mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế 5.291 tỷ đồng...

Đảm bảo tiền lương, đãi ngộ thỏa đáng với cán bộ, nhân viên y tế - 1

Nghiên cứu bảo đảm tiền lương, đãi ngộ thỏa đáng với cán bộ, nhân viên y tế.

Quốc hội vinh danh những cá nhân, tập thể đã đóng góp trí tuệ, sức lực, của cải, vật chất cho công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19, đặc biệt là các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tuyến đầu của ngành y tế, lực lượng vũ trang và các lực lượng trực tiếp tại cơ sở trong phòng, chống dịch.

Quốc hội yêu cầu nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Có giải pháp để hoàn thành mục tiêu mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe toàn diện theo lộ trình được xác định tại Nghị quyết số 20; triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động của y tế cơ sở, y tế dự phòng và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân.

Bên cạnh đó, tăng mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và khả năng chi trả của người dân. 

Nghiên cứu mở rộng danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế ở y tế cơ sở do quỹ bảo hiểm y tế chi trả tương ứng với mức tăng bảo hiểm y tế. 

Giải quyết triệt để những vướng mắc trong việc thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.