1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xuân hội nhập

Nếu so sánh với các nền kinh tế khác thì ưu thế của nước ta về sự ổn định chính trị - xã hội, lợi thế về lao động là kết quả của Chính phủ và của toàn dân. Trong khi xét về những tiêu chí riêng của Chính phủ như tình trạng quan liêu, tham nhũng, thủ tục hành chính... thì phần lớn các tiêu chí còn thấp và rất thấp.

TS Lê Đăng Doanh: Chính phủ cạnh tranh

Nếu so sánh một container chỉ cần hai giờ để hoàn tất thủ tục ở Singapore trong khi phải mất bảy ngày ở Việt Nam thì chúng ta thấy vai trò của Chính phủ quan trọng đến mức nào. Vì vậy, tiến bộ so với trước đây là đáng hoan nghênh, song điều quan trọng là phải rút ngắn khoảng cách với các chính phủ khác.

Xuân hội nhập - 1
  

TS Lê Đăng Doanh.

Gần đây, bên cạnh tai nạn giao thông đe dọa đến an toàn tính mạng của người dân, tình trạng tội phạm tăng lên cũng bắt đầu ảnh hưởng đến khách du lịch. Cạnh tranh phải trở thành một động lực để vươn lên, không chỉ đối với doanh nghiệp mà cả đối với Chính phủ.

Cũng như người bệnh không thể tự khám sức khỏe và tự chữa cho mình khỏi bệnh, Chính phủ cũng không thể tiếp tục “vừa đá bóng vừa thổi còi”, tự đánh giá về các tiến bộ của mình, tự khen thưởng, mà phải tổ chức việc đánh giá một cách khách quan và độc lập của người dân, nhất là doanh nghiệp và nhà khoa học về hoạt động của Chính phủ.

Ông Klaus Rohland (giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN 2003 - 2006): Quan liêu khiến chi phí phát triển tăng cao

Mặc dù VN được đánh giá là một quốc gia sử dụng vốn viện trợ phát triển (ODA) hiệu quả, nhiều năm qua chúng tôi vẫn luôn đau đầu vì tốc độ thực hiện các dự án tại VN quá chậm.

Xuân hội nhập - 2
  

Ông Klaus Rohland.

Người tiền nhiệm của tôi đã trao đổi về vấn đề này khi tôi đến VN nhậm chức tháng 9/2002, và buồn thay, sau bốn năm tôi vẫn phải nhắc nhở người kế nhiệm tôi về tình trạng này.

Việc triển khai các dự án chậm, sự quan liêu làm gia tăng chi phí cho quốc gia và cho tất cả mọi người. Tôi lấy ví dụ cùng một số tiền để xây trường học, ở các quốc gia khác chỉ mất ba năm để đưa ngôi trường vào sử dụng, trong khi ở VN mất tới năm năm.

Như vậy, trẻ em VN mất thêm những hai năm để được thụ hưởng các dịch vụ giáo dục tốt như tại các nước. Điều này chỉ càng làm chi phí và giá thành của các dự án phát triển tại VN tăng cao.

Tôi thấy có quá nhiều việc hết sức đơn giản nhưng vẫn phải đệ trình lên Thủ tướng để thông qua. Tôi hi vọng Chính phủ mới của VN sẽ sớm cải thiện tình trạng này để VN trở nên cạnh tranh hơn.

GS Tương Lai: Dám bứt phá để đi tới

Những ai chần chừ tin rằng tương lai là sự tiếp tục đơn thuần của quá khứ sẽ cảm thấy mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi mà có lẽ đã quá muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi.

Xuân hội nhập - 3
  

GS Tương Lai.

Cũng đã quá muộn nếu chúng ta không dám dũng cảm và thẳng thắn nhìn lại mình, khi dân tộc ta đang bước vào vận hội mới của mùa xuân mới vẫn với xuất phát điểm của một nước nghèo, kém phát triển.

Thấy đúng chỗ mạnh cũng quan trọng như thấy hết chỗ yếu đều là bản lĩnh cần có của người biết mình phải làm gì và làm như thế nào để biến thách thức thành vận hội cho đất nước.

Dám lướt trên sóng dữ để đưa thuyền ra khơi xa hay ngủ quên trên “chiếc thuyền câu bé tẻo teo” với sóng “hơi gợn tí” nơi ao làng quen thuộc. Quen với sóng ao làng, đã ra sát mép nước biển Đông rồi lại “ta về ta tắm ao ta, dù trong, dù đục ao nhà đã quen”.

Chính cái “quen” này đã dìm chết bao khát vọng của lớp trẻ muốn bung ra khỏi cái hạn hẹp, bảo thủ, trì trệ của nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, triền miên không có mấy đổi thay về kỹ thuật và công nghệ sản xuất, không sao chuyển nổi sang kinh tế hàng hóa.

Trần Bạch Đằng (nhà nghiên cứu): Thách thức phức tạp nhất trên đường phát triển

Năm 2007, thừa kế thành công từ những năm trước, đặc biệt của năm 2006, Việt Nam hội đủ những điều kiện thuận lợi cơ bản, cả từ nội lực lẫn bối cảnh khách quan. Trong lịch sử xây dựng đất nước, chưa bao giờ chúng ta có trong tay những khả năng tốt như thế. Nó đánh dấu sự trưởng thành của đất nước và cho phép chúng ta phát huy những mặt mạnh để từng bước trở thành một nước đạt mức phát triển trung bình của thế giới hiện đại.

Xuân hội nhập - 4
  

Nhà nghiên cứu Trần
Bạch Đằng
.

Vị thế của Việt Nam trong qui luật toàn cầu hóa đã tỏ rõ mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều có thể nhận thấy rõ ràng, không phải đợi dư luận thế giới đánh giá. Đương nhiên, mặt trái của thuận lợi không phải là nhỏ, thậm chí nếu xử lý không thỏa đáng, những ưu thế có được sẽ thui chột dần và chỗ mạnh thành chỗ yếu cũng không chỉ là chuyện quá lo xa.

Nền độc lập tự chủ là vấn đề đầu tiên, có thể bị tổn thương dần từ nhiều hướng mà hướng đáng lo ngại nhất là cái xác vẫn Việt Nam - đôi khi khá hồng hào, tăng trọng - nhưng cái hồn thì lãng đãng ở đâu đó, dở Tây dở Tàu. Sự thật này cần nhấn mạnh bởi thông thường cái giá của những nước chậm phát triển vươn lên tầng nấc cao hơn phải trả, một thứ giá trả không dễ dàng.

Nhưng, cái đáng lưu ý và canh giữ lại chính là bản thân của chúng ta, ở đây là bản thân chế độ chính trị và cơ quan, tổ chức nòng cốt lãnh đạo đất nước. Sự tha hóa nói chung trong sức ép của kinh tế và văn hóa bên ngoài luôn có mặt trong chuyển biến của đất nước song tai họa đi từ sự tha hóa của bộ phận nòng cốt, tiên phong của dân tộc.

Nước ta có 3 triệu đảng viên cộng sản, số lượng là như thế nhưng chất lượng ra sao, vấn đề trở nên nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Xét cho cùng, những tổ chức chống tham nhũng được thiết lập tuy có nhắm vào toàn bộ cơ chế song chủ yếu vẫn nhắm vào số đảng viên cầm quyền. Đâu có vụ án kinh tế nghiêm trọng nào không dính dáng đến con người đảng viên, thậm chí có trường hợp dính dáng đến cả tổ chức của Đảng.

Trong trường hợp này, chỉnh đốn Đảng đã gần như đồng nghĩa với chỉnh đốn xã hội. Như vậy, mục tiêu chỉnh đốn đã khá rõ, dễ cũng ở đây mà khó cũng ở đây. Dễ vì phát hiện nhanh chóng, thậm chí chính xác. Khó vì sự che chắn của quyền lực, thậm chí liên minh giữa quyền lực tự bảo vệ sai trái, có khi tác động đến cả cơ quan tư pháp.

Năm 2007 đòi hỏi một đổi thay cơ bản và qui mô lớn chất lượng của Đảng lãnh đạo, làm thế nào để tuyển chọn trong 3 triệu đảng viên cộng sản một nửa số tích cực, trong sáng thì cục diện chung sẽ có chuyển biến theo hướng xây dựng lành mạnh. Và đó là tiền đề để thực hiện những nhiệm vụ chiến lược mà Đại hội X đề ra.

Tiềm lực xây dựng xã hội theo tiêu chí cộng sản, tiềm lực ấy là vô tận, nó nằm trong lớp trẻ giác ngộ từ cuộc vật lộn hằng ngày với đời sống, hun đúc hoài bão phấn đấu cho một xã hội công bằng và dân chủ. Chính lực lượng trẻ sẽ nâng trình độ lãnh đạo lên ngang tầm và vượt trình độ chung của nhân dân, xóa bỏ hiện tượng lãnh đạo thấp hơn quần chúng, tri thức của Đảng thấp hơn dân trí.

Thừa nhận một sự thật dù đau lòng đến đâu vẫn mang giá trị phát triển. Năm 2007 sẽ xứng đáng với năm tiền nhiệm của nó trong cuộc đấu tranh vì một nước Việt Nam giàu mạnh và một Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn là tinh hoa, trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh.

Theo Tuổi trẻ