1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ đổ chất thải xuống biển: Ngao nuôi chết không phải do độc tố

(Dân trí) - Sở NN-PTNT đã có báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa về kết quả kiểm tra, phân tích và xác định nguyên nhân khiến ngao nuôi chết tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Theo nhận định của ngành chức năng, không có mối liên quan giữa yếu tố hóa học từ mẫu phân tích với hiện tượng ngao nuôi chết hàng loạt.

Kết quả phân tích tác nhân gây bệnh trên ngao, ngao nuôi chết hàng loạt không phải do dịch bệnh, ngao nuôi rất gầy do mật độ nuôi rất cao; kết quả phân tích chất lượng nước và trầm tích vùng nuôi ngao không phát hiện bất thường của yếu tố môi trường cơ bản, không phát hiện thấy mối liên quan giữa tảo độc hại với hiện tượng ngao chết hàng loạt.

Ngao nuôi chết hàng loạt tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc không phải do yếu tố môi trường
Ngao nuôi chết hàng loạt tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc không phải do yếu tố môi trường

Kết quả phân tích một số độc tố hóa học trong nguồn nước và chất thải: Kết quả phân tích 3 mẫu phụ phẩm thủy sản thu từ các thùng tang vật cho thấy hàm lượng Cd cao hơn giới hạn cho phép 44,4 đến 82,8 lần và NH4 tổng cao hơn giới hạn cho phép 2,25 đến 24,2 lần so với quy chuẩn Việt Nam (QCVN).

Tuy nhiên, kết quả phân tích mẫu nước từ vùng nuôi ngao cho thấy hàm lượng Cd nằm trong giới hạn cho phép, còn NH4 cao hơn 7 lần so với QCVN quy định về chất lượng nước biển. Từ thực tiễn nuôi trồng thủy sản cho thấy, giá trị NH4 tổng khoảng 3,5mg/l không thể gây chết ngao hàng loạt. Từ kết quả phân tích trên, nhận định không phát hiện thấy mối liên quan giữa yếu tố hóa học từ mẫu phân tích với hiện tượng ngao nuôi chết hàng loạt.

Sở NN-PTNT Thanh Hóa nhận định sơ bộ về nguyên nhân ngao chết: Ngao nuôi chết hàng loạt không phải do dịch bệnh; không phát hiện thấy mối liên quan giữa yếu tố môi trường nước nuôi cơ bản, yếu tố độc tố hóa học và tảo độc hại và hiện tượng ngao chết hàng loạt.

Qua khảo sát vùng nuôi ngao cho thấy ngao được nuôi với mật độ rất cao. Hơn nữa, sự biến động lớn về nhiệt độ giữa ngày và đêm, nhiệt độ xuống thấp vào ban đêm lại trùng với thời gian phơi bãi ngao là những yếu tố ảnh hưởng xấu, gây sốc cho ngao nuôi; kết hợp với mật độ ngao nuôi cao (bình quân 1.000 con/m2, cao gấp 2-3 lần so với hướng dẫn kỹ thuật) dẫn đến cạnh tranh nguồn thức ăn và không gian sống là những yếu tố có thể gây chết ngao.

Kết quả phân tích mẫu ngao thương phẩm thu ngày 8/1 về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm của Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 - Cục quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản không phát hiện độc tố sinh học, kim loại nặng, thuốc trừ sâu gốc hữu cơ, trichlorfon.

Từ những kết quả phân tích và nhận định trên của các cơ quan chức năng cho thấy, ngao nuôi ở vùng xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc chết hàng loạt không phải do các yếu tố về môi trường nước, chất đổ thải, dịch bệnh mà do thời tiết và mật độ ngao nuôi.

Duy Tuyên