DMagazine

Văn hóa từ chức và câu chuyện kiểm soát quyền lực

(Dân trí) - Nơi nào thiếu kiểm soát, giám sát quyền lực, nơi đó có thiệt hại... Phải để nhân dân tham gia trực tiếp vào quá trình kiểm soát quyền lực, phát huy sức mạnh báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, diễn ra ngày 5/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, qua 2 tháng thực hiện Thông báo 20 của Bộ Chính trị đã có 3 người thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác hoặc bố trí công tác khác; 2 Thứ trưởng thôi giữ chức vụ, nghỉ hưu trước tuổi; 2 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh thôi giữ các chức vụ công tác hoặc bố trí công tác khác.

Từ thông tin bà Trương Thị Mai nêu, nhiều người đặt vấn đề liệu những trường hợp trên đã mở ra "văn hóa từ chức" cho những cán bộ khác? Nếu tự thấy mình không đủ năng lực hoặc không còn phù hợp với vị trí lãnh đạo, cán bộ nên chủ động xin nghỉ hoặc chuyển công tác?

Văn hóa từ chức và câu chuyện kiểm soát quyền lực - 1

Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội - đánh giá rất cao sự quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đối với công tác cán bộ trong thời gian qua, đặc biệt là việc xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ có sai phạm liên quan tới tham nhũng hoặc năng lực yếu kém.

"Bác Hồ đã dạy chúng ta, cán bộ là gốc của mọi công việc. Nếu người cán bộ có năng lực và có phẩm chất đạo đức tốt thì đó là chìa khóa then chốt cho sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Bên cạnh những đồng chí năng lực chuyên môn tốt, đạo đức chuẩn mực thì cũng có không ít người đã bị phát hiện ra có sai phạm, mà đáng tiếc là có những sai phạm liên quan tới nhiều cán bộ ở nhiều ngành như vụ án Việt Á là một thí dụ điển hình. Tiền của ấy là mồ hôi, công sức của nhân dân bị họ cấu kết để chia nhau là điều vô cùng xót xa, vì vậy tất cả những trường hợp sai phạm đều phải xử lý nghiêm nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ", bà An nêu quan điểm.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết liệt chỉ đạo xử lý đối với những cán bộ có sai phạm nghiêm trọng, chỉ đạo Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương và các cơ quan chuyên môn liên tục thúc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương, đã và đang tạo nên những chuyển biến vô cùng mạnh mẽ trong công tác cán bộ. Việc xử lý nghiêm minh với những cán bộ cố ý vi phạm quy định của Đảng, cố ý vi phạm pháp luật là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người khác, đồng thời cũng mở đường cho những cán bộ tự xét thấy năng lực không còn phù hợp thì xin ra khỏi vị trí lãnh đạo.

Văn hóa từ chức và câu chuyện kiểm soát quyền lực - 3

"Những cán bộ năng lực kém nhưng cứ án ngữ vị trí này, vị trí khác thì còn làm mất đi cơ hội của những người có năng lực, nhìn rộng ra là mất rất nhiều cho đất nước. Tôi cũng từng nói rằng nếu chẳng may người bác sĩ năng lực kém họ có thể gây ra tai họa với một bệnh nhân nào đó và bị xử lý ngay, nhưng cán bộ yếu kém thì nguy hại gấp trăm, gấp nghìn lần. Nhưng thói đời những người kém cỏi thì luôn sợ người giỏi và thường là chỉ quan tâm đến cách lập phe cánh, chỉ dùng những người phục tùng, chứ không trọng người giỏi, điều đó gây ra hệ lụy lâu dài cho đất nước", bà An nói.

Trao đổi với Dân trí, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) nhận định, điểm quan trọng quyết định tương lai của đất nước là phải tiếp tục nỗ lực thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ "Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém".

Ông Tiến nói: "Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ rõ, cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mặt trọng yếu toàn bộ hoạt động của Đảng ta, là nhân tố quyết định sự thành công của cách mạng. Tôi mong rằng chúng ta phải tiếp tục quyết liệt hơn nữa để lựa chọn được những cán bộ vừa có đức vừa có tài để gánh vác những công việc trọng đại, đưa dân tộc ta đến với những thành công rực rỡ hơn. Mỗi cán bộ được trao trọng trách ở những vị trí quan trọng được ví như chìa khóa mở ra những cánh cửa đi tới tương lai, và chìa khóa phải trao cho người đáng tin cậy, còn nếu trao nhầm thì vô cùng tai hại, họ sẽ mở két của nhà nước, phá hoại và đục khoét tất cả".

Nhân sự cốt cán của Đảng phải là người đưa đất nước phát triển trong tương lai đòi hỏi những cá nhân đó phải có năng lực, đủ phẩm chất và bản lĩnh, lòng trung thành, sự trong sạch, tận tụy một lòng phục vụ nhân dân, đất nước. Năng lực là khả năng hoàn thành trọng trách được giao. Bản lĩnh là để đưa cương lĩnh thành hiện thực, tổ chức thực hiện yếu thì bao nhiêu ý định tốt đẹp chỉ trên giấy.

Để chọn được những nhân sự đạt tiêu chuẩn năng lực, đạo đức, bản lĩnh, theo ông Lê Như Tiến cần thiết phải thực hiện các giải pháp sau: "Người giới thiệu phải chịu trách nhiệm về nhân sự họ giới thiệu, không để việc nhân sự được giới thiệu vào vòng lao lý mà cá nhân đề xuất không chịu trách nhiệm. Vì vậy, người giới thiệu nhân sự phải chịu trách nhiệm đến cùng".

Văn hóa từ chức và câu chuyện kiểm soát quyền lực - 5
Văn hóa từ chức và câu chuyện kiểm soát quyền lực - 7

Sau những thành công ấn tượng tại của nhiệm kỳ XII thì trong nhiệm kỳ thứ XIII này, công tác kiểm soát quyền lực cán bộ tiếp tục là một vấn đề được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương tập trung đẩy mạnh, qua đó đã xử lý thêm được nhiều cán bộ sai phạm thuộc diện Trung ương quản lý.

PGS.TS Bùi Thị An đánh giá: "Để xử lý được nhiều cán bộ cấp cao như vậy là sự quyết tâm chính trị rất lớn của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tinh thần quyết tâm của các đồng chí chắc chắn luôn được nhân dân tin tưởng ủng hộ. Mất tiền rồi còn có thể lấy lại được, làm lại được, nhưng mất niềm tin là mất tất cả, vì vậy chọn được cán bộ tốt, nhưng phải kiểm soát quyền lực để họ không bị chệch hướng. Tôi nhớ là Nghị quyết số 26 ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Điều đáng mừng là Đảng ta thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và quyết liệt xử lý để gìn giữ niềm tin của nhân dân, đồng thời qua đó cũng cảnh tỉnh cho những cán bộ khác không bị lầm đường lạc lối".

Bà Bùi Thị An chỉ rõ, có những vấn đề đã nói rất nhiều nhưng thực hiện qua loa, hình thức, đó là kê khai tài sản cán bộ.

Văn hóa từ chức và câu chuyện kiểm soát quyền lực - 9

"Tôi xin nêu lại một ví dụ đã lâu đó là báo cáo từ các địa phương gửi về Cục Chống tham nhũng được công bố ngày 16/3/2017 về việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 thì qua xác minh tài sản, thu nhập của các cơ quan có thẩm quyền, không phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực. Đáng chú ý, có tới 17 tỉnh không xử lý trường hợp tham nhũng nào như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Dương, Tây Ninh, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu… Ở một địa phương lớn TPHCM, trong 37 nghìn bản kê khai thu nhập theo báo cáo năm 2017 không phát hiện trường hợp nào tham nhũng. Lúc đó có đồng chí lãnh đạo của thành phố này đã phải thốt lên rằng, thành phố có gần 10 triệu dân, khiếu nại, tố cáo mỗi năm có đến cả nghìn trường hợp, nhưng báo cáo kết luận là chưa phát hiện tham nhũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chắc chưa đúng, thống kê chưa hết. Đọc mà thấy giật mình! Tôi nêu một ví dụ như vậy để nhìn lại, để thấy rằng có những việc đưa ra quy định thì hướng rất tốt, nhưng thực hiện thì không có kết quả, vì vậy cần phải xem xét đánh giá lại nghiêm túc để tìm các giải pháp phù hợp", bà An phân tích.

Bàn về nạn chạy chức chạy quyền, tạo phe cánh, liên minh liên kết để hợp thức hóa sai phạm nhằm vơ vét cho cá nhân, bà Bùi Thị An chỉ rõ: "Chống chạy chức chạy quyền phụ thuộc rất nhiều vào sự anh minh của những cán bộ đứng đầu các tổ chức Đảng, bộ máy của ngành, địa phương. Không chỉ là các lãnh đạo cấp cao của đất nước, mà ở từng địa phương, từng bộ ngành cũng phải thống nhất tư tưởng ấy. Tôi mong rằng các vị lãnh đạo thật sáng suốt chọn ra được các lớp kế cận thực sự xứng đáng để giao nhiệm vụ gánh vác trọng trách của đất nước, thực sự đủ tầm lãnh đạo nhân dân, vì mỗi quyết định của người lãnh đạo có ảnh hưởng rất sâu rộng tới hệ thống.

Văn hóa từ chức và câu chuyện kiểm soát quyền lực - 11

Bên cạnh việc chọn được cán bộ có tài có đức thì công tác kiểm soát quyền lực phải được coi trọng, có ý nghĩa quan trọng giúp cho cán bộ "không muốn, không dám và không thể" làm trái các quy định của nhà nước, không bị vướng vào vòng lao lý. Kiểm soát quyền lực luôn phải được coi là nhiệm vụ then chốt của Đảng trong cuộc đấu tranh chống suy thoái, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa, đi liền với chống tham nhũng.

Thực tế cho thấy ở nơi nào thiếu kiểm soát, giám sát quyền lực là nơi đó xảy ra thiệt hại lớn cho nhà nước. Tôi cho rằng, trong quá trình này, Quốc hội là cơ quan đại diện cho ý chí và quyền lợi của dân cho nên ngoài lập pháp, xây dựng pháp luật thì đồng thời cũng phải phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, kiểm soát quyền lực lẫn nhau. Đồng thời phải tìm ra mọi biện pháp để nhân dân tham gia trực tiếp vào quá trình kiểm soát quyền lực, phát huy sức mạnh của báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng, chống chạy chức chạy quyền".

Cùng chung quan điểm, ông Lê Như Tiến khẳng định rằng, sự tha hóa quyền lực dẫn tới những hậu quả khó lường, điều đó biểu hiện rất rõ qua nhiều sai phạm, nhiều dự án thua lỗ nghiêm trọng kéo dài, tới khi phát hiện thì không còn khả năng cứu vãn.

Ông Tiến nói: "Nguyên nhân chủ yếu vẫn là cơ chế kiểm soát quyền lực, tức là giao nhiệm vụ, giao quyền lực cho cán bộ, nhưng cơ chế kiểm soát quyền lực chưa chặt chẽ nên dẫn tới lạm quyền, lộng quyền và tự tung tự tác và dẫn đến sai lầm, sai phạm. Cùng lúc có hai thiệt hại là kinh tế và cán bộ, đồng thời mất uy tín của tổ chức. Vì vậy, tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát quyền lực là vô cùng cấp bách.

Văn hóa từ chức và câu chuyện kiểm soát quyền lực - 13

Chúng ta có đầy đủ các cơ quan, thanh tra, chính quyền, đoàn thể từ các bộ, ban, ngành, địa phương. Chúng ta có cơ quan kiểm tra của Đảng, có cơ quan giám sát, tai mắt của nhân dân, thì tại sao vẫn xảy ra những câu chuyện tham nhũng, cố ý làm trái như thế? Đó là vấn đề sử dụng cán bộ và cũng cho thấy vẫn còn những kẽ hở trong chính sách, trong quy trình quản lý.

Tình trạng lộng hành, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, vơ vét, đục khoét, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn không ít. Vấn đề này đã được các đồng chí lãnh đạo nhiều lần đề cập và nhắc nhở các ngành, các cấp phải tiếp tục chấn chỉnh, xử lý.

Theo tôi, muốn lựa chọn được người của dân, do dân, vì dân thì cần phải lắng nghe và thấu hiểu nhân dân. Lấy nhân dân làm gốc để chọn được người đủ tài, đủ đức, có khả năng để làm những cán bộ cốt cán trong bộ máy chính trị, trao quyền cho những người có phẩm chất, đạo đức tốt, đáng tin cậy và là hiền tài của quốc gia. Trừng trị thật nghiêm những kẻ vi phạm quốc pháp, tham nhũng, gây thất thoát tài sản, làm giảm uy tín của Đảng, nhà nước, lòng tin của nhân dân".

Nội dung: Kiến Văn

Thiết kế: Thủy Tiên