DMagazine

Từ "tấm bản đồ lên sởi" tới chiến thắng Điện Biên Phủ: Bí mật được hé lộ

(Dân trí) - Nhìn trên bản đồ với hàng trăm chấm đỏ li ti giữa vùng chiếm đóng màu xanh lam của quân Pháp, tướng Henry Navare, tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã gọi đó là "Tấm bản đồ lên sởi".

Sau Chiến dịch Thượng Lào (13/4/1953-18/5/1953), Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiếm thế chủ động trên chiến trường Bắc Đông Dương, đẩy quân đội Pháp và quân đội tay sai lui về phòng ngự tại Đồng bằng Bắc Bộ.

Tại khu Tây Bắc, thực dân Pháp chỉ còn lại duy nhất cụm cứ điểm Lai Châu nằm trơ trọi giữa núi rừng hiểm trở. Trong khi đó, tại Liên khu 5, cả một dải đồng bằng ven biển từ Quảng Ngãi đến Phú Yên đã thuộc quyền kiểm soát của 4 trung đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Vùng chiến khu D, Mã Đà và Dương Minh Châu tại Đông Nam Bộ được mở rộng, nối liền với khu giải phóng của Mặt trận yêu nước Isarak ở Đông Bắc Campuchia.

Tại Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Nam Bộ, Tây Nguyên và dải đồng bằng ven biển Bình - Trị - Thiên tuy còn nằm trong tay thực dân Pháp nhưng vẫn có vài chục tiểu đoàn bộ đội địa phương và hàng nghìn tổ, đội du kích ta hoạt động.

Nhìn trên bản đồ với hàng trăm chấm đỏ li ti giữa vùng chiếm đóng màu xanh lam của quân Pháp, tướng Henry Navare, tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã phải thốt lên và gọi đó là "Tấm bản đồ lên sởi".

Từ tấm bản đồ lên sởi tới chiến thắng Điện Biên Phủ: Bí mật được hé lộ - 1

Đến tháng 6/1953, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã xây dựng được 7 đại đoàn chính quy (tương đương sư đoàn) với tổng quân số khoảng 230.000 người. Về bộ binh có các đại đoàn 304, 308, 312, 316, 320 và 325.

Về pháo binh - công binh hỗn hợp có đại đoàn 351 gồm 2 trung đoàn pháo mặt đất, 1 trung đoàn pháo cao xạ, 1 trung đoàn công binh và 4 tiểu đoàn vận tải cơ giới. 

Tại mỗi liên khu đều có từ 2 đến 4 trung đoàn bộ binh. Tại mỗi tỉnh đều có từ 2 đại đội đén 1 tiểu đoàn bộ đội địa phương.

Binh lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại chiến trường Nam Bộ là mỏng nhất. Tất cả chỉ có 3 tiểu đoàn chủ lực khu và 7 tiểu đoàn bộ đội địa phương. Bộ đội Pa-thét Lào chỉ có 8 tiểu đoàn chủ lực. Bộ đội Isarak Campuchia còn đang trong quá trình chính quy hóa từ các đại đội du kích nhỏ lẻ.

Mặc dù Quân đội Nhân dân Việt Nam chiếm thế chủ động chiến lược nhưng ưu thế về binh lực vẫn nghiêng về quân Pháp. Tổng số quân chính quy Pháp tại Đông Dương lên tới 445.000 quân gồm 155.000 quân Âu - Phi (đầu năm 1954 được tăng viện thêm 12.000 quân) và khoảng 290.000 quân tay sai.

Từ tấm bản đồ lên sởi tới chiến thắng Điện Biên Phủ: Bí mật được hé lộ - 3

Về hỏa lực, quân Pháp cũng chiếm ưu thế với 33 tiểu đoàn pháo binh, 10 trung đoàn tăng - thiết giáp, 4 trung đoàn không quân đóng tại Gia Lâm, Cát Bi, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất. Hải quân Pháp tại Đông Dương có 212 tàu, xuồng chiến đấu. Đó là những vũ khí hiện đại thời bấy giờ mà Quân đội Nhân dân Việt Nam không có hoặc có rất ít, như pháo binh.

Tuy nhiên, hơn 1 triệu bộ đội địa phương và dân quân du kích Việt Nam mới là lực lượng quan trọng hoạt động ở địch hậu, không chỉ trói chân một phần binh lực của quân Pháp mà còn liên tục tập kích, quấy rối, làm cho quân Pháp và quân tay sai luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi.

Từ tấm bản đồ lên sởi tới chiến thắng Điện Biên Phủ: Bí mật được hé lộ - 4

Theo sử gia Pháp Bernard Fall, tác giả cuốn "Pourquoi Điện Biên Phủ? - Tại sao Điện Biên Phủ?", tính đến tháng 11/1953, tổng số thương vong của quân Pháp tại Đông Dương đã lên tới con số 63.000 người chết, 57.000 người bị thương, 25.000 quân bị bắt làm tù binh. Quân tay sai của chính quyền bù nhìn Bảo Đại cũng chịu tổn thất 120.000 người chết và bị thương.

Tổn thất về vũ khí, khí tài của quân Pháp lên tới hơn 400 xe tăng, xe bọc thép, hơn 9.000 xe ô tô bị phá hủy; hơn 250 khẩu pháo và hơn 110.000 súng bộ binh bị phá hỏng hoặc bị Quân đội Nhân dân Việt Nam thu giữ; khoảng 400 tàu, xuồng chiến đấu, tàu vận tải nhiều cỡ bị đánh hỏng, đánh chìm; hơn 300 máy bay bị bắn rơi hoặc bị phá hủy tại các sân bay.

Tổng số chi phí cho 8 năm chiến tranh Đông Dương (1946-1953) lên tới hơn 800 tỷ Franc. Trong đó, viện trợ chiến tranh của Mỹ cho Pháp cũng tăng dần từ 19% (1950) lên 43% (1953). Nền kinh tế Pháp kiệt quệ vì chiến tranh dẫn tới đa phần người nước này mong muốn chấm dứt chiến tranh.

Điều đó cho thấy xã hội Pháp đang bị chia rẽ nghiêm trọng vì cuộc chiến ở Đông Dương. Sau 8 năm chiến tranh, thực dân Pháp đã phải 6 lần thay đổi nhân sự giữ chức vụ Cao ủy Pháp tại Việt Nam, 7 lần thay thế Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương và còn có tới 20 lần thay đổi thủ tướng và nội các. Trung bình mỗi nội các chỉ tồn tại không quá 7 tháng. Có nội các vừa được lập lên ngày hôm trước thì hôm sau đã sụp đổ. Những điều này chưa từng xảy ra đối với nước Pháp trong bất cứ thời kỳ nào.

Phong trào phản chiến lan rộng trong nước và cả trong đội quân Lê dương của Pháp ở Việt Nam. Chỉ tính riêng trong 5 năm (1949-1953) đã có hơn 1.500 lính Lê dương thuộc các dân tộc Nga, Đức, Ba Lan, Algeria, Morocco, Hy Lạp, Ý… đã bỏ ngũ trốn sang đầu hàng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trong khi đó, sau 8 năm kháng chiến, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn chỉ có duy nhất một Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo và một vị chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam duy nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhằm cứu vãn tình thế và tìm một "lối thoát danh dự" để rút ra khỏi cuộc chiến hao người tốn của ở Đông Dương, Chính phủ Pháp do thủ tướng René Mayer đứng đầu đã cử viên tướng 4 sao Henry Navare sang nhậm chức Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Sau hơn 30 ngày khảo sát, Navare đệ trình Hội đồng quốc phòng Pháp bản kế hoạch mang tên mình gồm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Trong Đông - Xuân 1953-1954, xây dựng khối quân chủ lực mạnh gồm 44 tiểu đoàn ở Bắc Bộ, giữ thế phòng ngự chủ động ở Bắc Đông Dương; bình định các vùng du kích ở Đồng bằng Bắc Bộ, nống lấn một số địa bàn quan trọng như Ninh Bình, Lạng Sơn. Mở Chiến dịch Atlant đánh chiếm vùng duyên hải Liên khu 5.

Từ tấm bản đồ lên sởi tới chiến thắng Điện Biên Phủ: Bí mật được hé lộ - 6

Giai đoạn 2: Hè - Thu 1954, bình định xong Nam Đông Dương; chuyển lực lượng ra chiến trường Bắc Bộ mở cuộc tiến công chiến lược, giành thắng lợi quân sự quyết định để buộc chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đàm phán với những điều kiện có lợi cho Pháp nhằm kết thúc chiến tranh. Nếu phía Việt Nam tiếp tục từ chối đàm phán, quân Pháp sẽ tập trung các lực lượng mạnh nhất để đánh bại chủ lực của Quân đội Nhân Dân Việt Nam.

Tướng Henry Navare hứa trước Hội đồng chiến tranh Pháp rằng ông ta sẽ hoàn thành kế hoạch này trong 18 tháng. Có một bí mật cho đến gần đây mới được tiết lộ là các điệp viên tình báo Liên Xô đã chụp ảnh được toàn bộ bản kế hoạch Navare và chuyển bản sao của nó cho lãnh đạo Việt Nam.

Điều này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp xác nhận trong cuốn hồi ký "Điện Biên Phủ, Điểm hẹn lịch sử" (Dien Bien Phu, Rendez-vous historique) xuất bản bằng cả hai thứ tiếng Việt Nam và Pháp.

Trong nửa cuối năm 1953, Kế hoạch Navare được triển khai với Chiến dịch Atlant ở duyên hải Liên khu 5, Chiến dịch Mouette (Hải Âu) đánh ra vùng tự do ở Rịa, Nho Quan, Ninh Bình và chiến dịch Pélican (Bồ Nông) đánh vào ven biển Thanh Hóa. Tướng Navare cũng cho một đại đội lính dù đổ bộ xuống Lạng Sơn (Cuộc hành quân "Léa"), đánh phá một số kho tàng của ta rồi rút chạy ngay về phía Nam sông Thương.

Ngày 20/11/1953, tướng Navare lệnh cho tướng Jean Gilles, chỉ huy trưởng quân dù Pháp ở Đông Dương mở cuộc hành quân "Castor", đổ bộ 5 tiểu đoàn dù và 1 tiểu đoàn công binh thuộc địa xuống Điện Biên Phủ.

Cuộc hành quân này ban đầu không hề có trong Kế hoạch Navare. Tuy nhiên, khi cơ quan tình báo Pháp SDECER phát hiện Đại đoàn 316 của ta tiến lên Tây Bắc, Navare nhận định rằng một mình cụm cứ điểm Lai Châu không thể đứng vững được nên đã mở cuộc hành quân này, thiết lập cụm cứ điểm Điện Biên Phủ thành một chốt chặn thứ hai đủ mạnh để ngăn chặn Đại đoàn 316, che chở cho Thượng Lào và kinh đô Luang Prabang.

Đến đây, bước ngoặt của cuộc chiến được mở ra. "Con tàu Kế hoạch Navare" bắt đầu đi chệch khỏi "đường ray" được vạch ra trước đó.

Từ tấm bản đồ lên sởi tới chiến thắng Điện Biên Phủ: Bí mật được hé lộ - 7

Tại Hội nghị của Tổng quân ủy cuối tháng 8/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: "Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: "Kế hoạch Navare ra đời trong hoàn cảnh bị động, trong thế thua nên nó chứa đựng đầy mâu thuẫn và nảy sinh mầm mống thất bại ngay từ đầu. Nắm được và khai thác các mâu thuẫn này thì việc quân Pháp thất bại là điều không thể tránh khỏi".

Trên cơ sở tư tưởng chỉ đạo đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam mở 4 hướng tấn công và 1 chiến dịch phòng ngự nhằm phân tán khối chủ lực của quân Pháp.

Hướng thứ nhất: Các đại đoàn 316 và 308 mở cuộc tiến công lên hướng Tây Bắc, tiêu diệt quân Pháp đang chiếm đóng Lai Châu, uy hiếp quân Pháp ở Thượng Lào. Đại đoàn 320 tấn công quân Pháp phá vỡ Phòng tuyến Sông Đáy, luồn sâu vào Nam Đồng bằng Bắc Bộ. Đại đoàn 312 bố trí phòng thủ Chiến khu Việt Bắc. Đại đoàn 304 bố trí phòng thủ Vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh. Gấp rút xây dựng Đại đoàn hỏa lực 351.

Đòn tấn công của ta lên Tây Bắc buộc quân Pháp phải điều 6 tiểu đoàn lên lập Cụm tác chiến Tây Bắc (G.O.N.O.) mà trọng điểm là Điện Biên Phủ; đồng thời tăng viện Binh đoàn cơ động số 9 (9e Groupement Mobilisation - GM9) cho hướng Luang Prabang.

Hướng thứ hai: Đại đoàn 325 (thiếu) phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào chiếm thị xã Thà Khẹt, tấn công cụm cứ điểm Seno ở Trung Lào, buộc tướng Navare phải điều 1 binh đoàn cơ động từ Đồng bằng Bắc Bộ xuống giữ Seno.

Hướng thứ ba: Trung đoàn 95 (Đại đoàn 325) phối hợp với các tiểu đoàn 556, 558 quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pa-thét Lào tấn công các cụm cứ điểm Altopơ Saravan và Pakse ở Hạ Lào, buộc tướng Navare phải điều 1 binh đoàn cơ động tăng cường cho hướng này.

Từ tấm bản đồ lên sởi tới chiến thắng Điện Biên Phủ: Bí mật được hé lộ - 9

Hướng thứ tư: Các trung đoàn 96 và 803 chủ lực Liên khu 5 tấn công lên Tây Nguyên, đánh chiếm Kontum, uy hiếp Pleiku. Đòn tấn công này buộc tướng Navare phải bỏ dở cuộc hành quân Atlant và điều Binh đoàn có động số 100 (GM100) vừa ở chiến trường Triều Tiên về lên giữ Nam Tây Nguyên.

Hướng duyên hải Liên khu 5: Các trung đoàn 108 và 120 chủ lực khu phối hợp với các tiểu đoàn bộ đội địa phương dàn thế trận chống càn, đánh tiêu hao quân Pháp.

Đến cuối tháng 11/1953, về cơ bản, ta đã hoàn thành thiết kế chiến trường Đông Dương theo kế hoạch đã định. Quân Pháp chẳng những không giành lại được thế chủ động mà còn bị buộc phải phân tán khối quân chủ lực cơ động đi 5 hướng khác nhau trên toàn địa bàn Việt Nam, Lào và Đông Bắc Campuchia.

Sau khi nắm được thông tin quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: "Vô luận rồi đây tình hình địch thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Ðiện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta".

Từ tấm bản đồ lên sởi tới chiến thắng Điện Biên Phủ: Bí mật được hé lộ - 10

Đến Hè - Thu 1953, cả Đông Dương đã trở thành một chiến trường thống nhất với Quân đội Nhân dân Việt Nam làm nòng cốt, phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào, bộ đội Isarak Campuchia cùng dân quân du kích thực hành kháng chiến toàn dân, toàn diện. Trong đó, thiết kế hậu cần cho các mặt trận, đặc biệt là mặt trận Điện Biên Phủ đã tạo nên những kỳ tích có một không hai.

Từ tấm bản đồ lên sởi tới chiến thắng Điện Biên Phủ: Bí mật được hé lộ - 12

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị thông qua quyết tâm và kế hoạch tác chiến ở Điện Biên Phủ - trận quyết chiến chiến lược cuối cùng - thời gian chuẩn bị khoảng 45 ngày, sử dụng 3 đại đoàn bộ binh, toàn bộ pháo binh, công binh, lực lượng phòng không,... quân số khoảng 35.000 người.

Theo đó, nhu cầu chiến dịch gồm: 434 tấn đạn, 7.730 tấn gạo, 140 tấn muối, 465 tấn thực phẩm, cứu chữa 5.000 thương binh... Ngày 20/1/1954 phải hoàn thành công tác chuẩn bị.

Tổng quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh đã thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận do Tổng cục Cung cấp phụ trách để chỉ đạo và tổ chức hậu cần cho toàn mặt trận Tây Bắc mà trọng điểm là Điện Biên Phủ.

Theo tính toán ban đầu của Tổng cục Cung cấp, từ ngày 26/1/1954 - ngày ta dự kiến mở cuộc tấn công theo phương án "đánh nhanh, giải quyết nhanh"- đến ngày dự kiến kết thúc 29/1/1954, toàn mặt trận cần tới hơn 4.000 tấn lương thực, thực phẩm các loại, từ gạo, muối, thịt, cá, đến rau xanh và các loại thực phẩm khác.

Nếu tính cả thời gian chuẩn bị trước đó, con số lên tới trên 9.000 tấn. Sau khi ta hoãn tiến công và chuyển sang phương án "đánh chắc, tiến chắc", trong thời gian chuẩn bị lại 44 ngày từ 29/1 đến 13/3/1954, mặt trận cần bổ sung thêm khoảng 5.500 tấn lương thực thực phẩm.

Còn theo tính toán chi li của viên đại tá Christian De Castries khi nhậm chức chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì "Việt Minh" cần đến một khối lượng vật chất khổng lồ cho chiến trường này trong khi việc vận chuyển các thứ đó lên chiến trường chỉ dựa vào đôi vai của những dân công.

Từ tấm bản đồ lên sởi tới chiến thắng Điện Biên Phủ: Bí mật được hé lộ - 14

Ông ta tính rằng trên quãng đường dài từ 450km (từ Việt Bắc) hoặc lên tới 600km (từ Thanh Hóa) lên Điện Biên, dân công phải đêm đi, ngày nghỉ để tránh máy bay tập kích. Trung bình mỗi ngày đêm đi được 25 km đến 30 km thì phải mất trung bình 20 ngày đến 25 ngày mới tới chiến trường.

Mỗi nhân lực dân công cũng cần tới ít nhất 450gr gạo mỗi ngày, chưa tính thực phẩm và trung bình một người gánh được 40kg gạo thì họ sẽ phải tiêu thụ khoảng 11kg gạo mang theo.

Đó là chưa tính khi về, dù đi nhanh hơn vì không tải nhưng cũng sẽ tiêu tốn khoảng 7kg gạo để về đến nơi xuất phát. Vì vậy, hiệu suất vận tải của một dân công chỉ còn 12kg gạo cho mỗi chuyến đi.

Chính vì vậy mà ông ta mới mạnh miệng tuyên bố hùng hồn với nhà báo Pháp Robert Guilin rằng: "Tôi thách thức Việt Minh dám đưa quân lên giao chiên "tête à tête" (đầu đối đầu) với quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ".

Tuy đó là những con số thực sự "biết nói" nhưng điều quan trọng hơn là người Pháp không thể ngờ được tài tổ chức vận tải của người Việt Nam đã vượt lên trên sự tính toán có vẻ như rất khoa học, rất hợp lý của họ.

Từ tấm bản đồ lên sởi tới chiến thắng Điện Biên Phủ: Bí mật được hé lộ - 16

Trước hết, Tổng cục Cung cấp phối hợp với chính quyền các địa phương đã tổ chức vận tải theo chặng, theo cung trên toàn bộ tuyến dài 450-600km, từ hậu phương đến mặt trận.

Không một dân công nào phải đi suốt chặng đường đó, kể cả dân công vận tải bằng xe đạp thồ mà chúng ta sẽ biết đến dưới đây. Trên toàn bộ các tuyến vận tải bộ, hàng trăm kho trung chuyển được thiết lập. Mỗi cung, chặng vận tải chỉ dài từ 40 đến 60km với nhân công chủ yếu được huy động tại chỗ.

Phương pháp tổ chức vận tải theo cung, chặng, kho, trạm này đã giúp tiết kiệm được hàng trăm tấn gạo mỗi ngày. Ngoài ra, nguồn thực phẩm từ các địa phương gần mặt trận như Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Phú Thọ được khai thác nên gánh nặng cung cấp cũng được giảm nhẹ phần nào.

Trong giai đoạn chuẩn bị thứ nhất (1/12/1953 đến 20/1/1954), hệ thống bảo đảm hậu cần cho chiến dịch được chia thành 2 tuyến.

Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp và Hội đồng Cung cấp các Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3 và Liên khu 4 đảm nhiệm. Tuyến chiến dịch do Bộ chỉ huy tiền phương của Tổng cục Cung cấp và Hội đồng Cung cấp Liên khu Tây Bắc đảm nhiệm.

Tuyến hậu cần chiến dịch dài trên 350km, có 4 binh trạm lo bảo đảm cho bộ đội hành quân và dân công vận chuyển vật chất lên phía trước.

Nhưng khó khăn chưa phải đã hết. Ngay cả khi thiết lập các kho, trạm trung chuyển thì tốc độ vận tải vẫn chỉ là tốc độ trung bình 5km/h của người đi bộ. Gánh nặng vẫn dồn lên đôi vai, tấm lưng và đôi chân của người dân công hỏa tuyến lên tới trên 241.263 lượt người.

Trong khi đó thì vận tải cơ giới của ta còn hạn chế, phải ưu tiên sử dụng để kéo pháo, vận chuyển đạn dược và các khí tài nặng, vận chuyển thương bệnh binh về tuyến sau điều trị và thực hiện một số nhiệm vụ khác. Cần có những cải tiến cơ bản. Và thế là xe đạp thồ được sử dụng phổ biến.

Từ tấm bản đồ lên sởi tới chiến thắng Điện Biên Phủ: Bí mật được hé lộ - 17

Trong toàn bộ chiến dịch vận tải khổng lồ phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ, các địa phương đã huy động 20.991 dân công sử dụng xe đạp thồ dùng sức người đẩy xe để vận chuyển hàng hóa ra mặt trận. Trung bình mỗi xe đạp thồ chở được từ 150 đến 250kg hàng hóa, gấp 4 đến 5 lần sức người gồng gánh. Kỷ lục cao nhất thuộc về dân công Mai Văn Thắng khi chiếc xe thồ của ông "cõng" được tới 325kg hàng hóa.

Từ tấm bản đồ lên sởi tới chiến thắng Điện Biên Phủ: Bí mật được hé lộ - 19

Ưu điểm tuyệt đối của xe thồ là trọng lượng chủ yếu đặt trên 2 bánh xe, sức người dùng để đẩy xe đi là chính. Xe đạp thồ còn có thể đi qua được những cung đường hẹp có chiều rộng chỉ vài chục cm mà xe cơ giới hay xe súc vật kéo không thể đi được.

Phần lớn xe thồ được người dân tình nguyện đóng góp. Khung xe, càng trước và càng sau, thậm chí cả vành xe cũng được gia cố bằng tre, nứa cho chắc chắn hơn. Lốp xe tuy cần bơm hơi nhưng lại được lắp 2 đến 3 chiếc lốp cùng cỡ lồng vào nhau, chiếc mới ở ngoài, chiếc cũ bên trong, bảo đảm bền, chắc. Khi có sự cố mà chưa có lốp thay thế,, dây chun cao su và thậm chí là quần áo cũ cũng được sử dụng để sửa chữa tạm thời.

Tóm lại là hàng loạt những sáng tạo, ứng phó mà người Pháp không thể tưởng tượng ra được. Chính 21.000 chiếc xe đạp thồ này cùng với công sức của hơn 261.000 lượt dân công đã được các phóng viên người Pháp công nhận rằng, những đôi bồ và những chiếc xe thồ của Việt Minh đã đánh thắng cả lực lượng vận tải cơ giới lẫn vận tải hàng không của quân đội Pháp.

Từ tấm bản đồ lên sởi tới chiến thắng Điện Biên Phủ: Bí mật được hé lộ - 21

Thời đó, lên Điện Biên bằng đường bộ là cả một vấn đề không nhỏ. Hầu hết các tuyến đường được gọi là quốc lộ đều là đường đất hoặc đường rải đá. Hầu như không có đường nhựa trừ một số nơi ở Tây Việt Bắc trên khu vực tả ngạn sông Hồng, Đông Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái và quốc lộ 6 đến Sơn La. Có tới hơn 2/3 các tuyến đường đó bị tàn phá bởi bom, pháo, mưa lũ… qua nhiều năm không được sửa chữa.

Trong khi đó thì vận tải cơ giới, chủ yếu là kéo pháo, vận chuyển đạn dược, vũ khí, khí tài nặng lại đóng vai trò quyết định trong việc bảo đảm hỏa lực mạnh trong những trận đánh hiệp đồng binh chủng ở Điện Biên Phủ.

Hàng chục vạn dân công và 2 trung đoàn công binh được huy động để tu sửa mở rộng cầu, đường.

Hàng trăm cầu, cống dã chiến lớn nhỏ có khẩu độ từ vài mét đến hàng trăm mét cũng được làm mới bằng gỗ và tre. Ngoài cầu phao Tạ Khoa vượt sông Đà, các bến phà, đò ngang cũng được thiết lập. Lực lượng vận tải trên sông có hơn 1.800 bè mảng tre nứa, 3.130 thuyền gỗ.

Trong giai đoạn chuẩn bị lại, công tác hậu cần càng khẩn trương hơn và có sự điều chỉnh hợp lý hơn. Tuyến hậu phương của Tổng cục Cung cấp và Hội đồng Cung cấp mặt trận của các liên khu chuyển ranh giới lên Sơn La.

Từ tấm bản đồ lên sởi tới chiến thắng Điện Biên Phủ: Bí mật được hé lộ - 23

Cơ quan Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương chuyển lên sát Cò Nòi chỉ đạo việc huy động nhân lực, vật lực của các Liên khu 3, Liên khu 4 và Việt Bắc. Hậu cần chiến dịch được điều chỉnh thành 3 tuyến gồm có:

Tuyến trung chuyển Sơn La - Tuần Giáo do đồng chí Đinh Đức Thiện phụ trách;

Tuyến trung chuyển Tuần Giáo - Lai Châu do đồng chí Vũ Văn Đôn phụ trách;

Tuyến trực tiếp bảo đảm cho chiến đấu do đồng chí Nguyễn Thanh Bình phụ trách.

Các bệnh xá, bệnh viện, đơn vị dân công, vận tải được bố trí theo các tuyến hậu cần. Các trung đoàn, đại đoàn triển khai các bộ phận hậu cần đồng bộ; các kho vật chất phía trước được ngụy trang kín đáo, bảo đảm bí mật, an toàn.

Hậu cần chiến dịch còn tổ chức tuyến vận tải Sơn La - Mường Luân - Nà Sang, phối hợp với các địa phương huy động nhân vật lực bảo đảm cho các đơn vị tác chiến ở Hồng Cúm và khắc phục mọi khó khăn tổ chức tuyến vận tải thủy trên sông Nậm Na (đoạn từ Ba Nậm Cúm về Lai Châu), chuyển 1.700 tấn gạo Trung Quốc giúp để bảo đảm cho các đơn vị.

Kết quả là từ ngày 1/12/1953 đến khi mở màn chiến dịch ngày 13/3/1954, ta đã vận chuyển lên Mặt trận Điện Biên Phủ 25.056 tấn vật chất các loại, trong đó có hơn 21.000 tấn gạo, trên 3.000 tấn đạn dược, hơn 800 tấn xăng dầu, 55 tấn thuốc men và vật tư quân y để bảo đảm cứu chữa cho hơn 8.500 thương bệnh binh.

Sau hơn 1 tháng, công tác chuẩn bị chiến dịch theo phương châm "Đánh chắc, tiến chắc" hoàn thành. Đúng 17 giờ 05 phút ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn bằng các trận đánh tiêu diệt vị trí Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo, mở toang cánh cổng phía Bắc của mặt trận.

Từ tấm bản đồ lên sởi tới chiến thắng Điện Biên Phủ: Bí mật được hé lộ - 25

Nhằm cắt đứt các tuyến chi viện của ta, địch đã tập trung không quân đánh 1.186 trận vào các tuyến giao thông, ngày cao nhất là 250 lần chiếc, có cả máy bay ném bom B-24 và B-26 tham gia.

Các Đèo Lũng Lô, Pha Đin, các đầu mối giao thông Cò Nòi, Tuần Giáo, Bến phà Tạ Khoa... là trọng điểm đánh phá của địch. Để bảo đảm giao thông, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã sử dụng 2 tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm, một số tiểu đoàn súng máy 12,7mm bắn máy bay địch; 4 tiểu đoàn công binh cùng hàng vạn dân công liên tục bám các trục đường khắc phục hậu quả địch đánh phá.

Vì vậy, hầu như không có đoạn đường nào bị đứt quá 24 giờ. Hơn nữa, trong thời gian đường bị cắt đứt, việc vận chuyển vẫn được tiếp tục bằng cách chuyển tải hoặc đi vòng theo đường nhánh.

Bước vào giai đoạn 2, lực lượng hậu cần chiến dịch đã tận dụng tối đa lực lượng vận tải cơ giới, đồng thời tranh thủ mọi phương tiện thô sơ và sức người. Toàn bộ 16 đại đội ô tô vận tải (534 xe) của Tổng cục Cung cấp được sử dụng (tuyến chiến dịch sử dụng tới 446 xe); có thời gian còn được tăng cường thêm 94 xe của các đơn vị binh chủng.

Từ tấm bản đồ lên sởi tới chiến thắng Điện Biên Phủ: Bí mật được hé lộ - 27

Để chỉ huy vận tải, Bộ chỉ huy chiến dịch đã tăng cường phương tiện thông tin; tuyến vận tải chiến dịch đã bố trí 18 trạm điều chỉnh giao thông. Phong trào thi đua "Vượt cung, tăng chuyến, tiết kiệm xăng dầu, giữ gìn xe tốt"... trong các đơn vị vận tải cơ giới phát triển mạnh mẽ.

Nhà báo Giuyn Roa, nguyên đại tá quân đội Pháp viết: "Không phải viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Navare mà chính là những chiếc xe đạp Peugeaut thồ 200-300kg hàng, do những dân công ăn không no, ngủ trên những tấm nilon trải ngay trên mặt đất. Tướng Navare đã bị đánh bại bởi trí thông minh và quyết tâm chiến thắng của đối phương".

Với tinh thần "Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng", quân và dân ta đã vượt mọi khó khăn, bảo đảm cho chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi hoàn toàn.

Nội dung: Đại tá Nguyễn Minh Tâm

Thiết kế: Tuấn Huy