Từ chuyện "bánh mì không phải thực phẩm" nhắc việc luân chuyển cán bộ

Thế Kha

(Dân trí) - Lấy ví dụ việc lãnh đạo phường ở Nha Trang xử lý người dân đi mua bánh mì gây bức xúc dư luận, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân kiến nghị thực hiện chuyên đề giám sát về luân chuyển, điều động cán bộ.

Từ chuyện bánh mì không phải thực phẩm nhắc việc luân chuyển cán bộ - 1

Ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (Ảnh: Quốc hội).

Tờ trình dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 được trình bày sáng 21/7 đưa ra 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, dự kiến giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì tham mưu về nội dung.

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành, dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì tham mưu về nội dung.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021, dự kiến giao Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tham mưu về nội dung.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, dự kiến giao Ủy ban Pháp luật chủ trì tham mưu về nội dung.

"Trong quá trình triển khai xây dựng chương trình giám sát, có một số nội dung được nhiều cơ quan đề xuất nhưng sau khi cân nhắc nhiều mặt, chưa được lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình cụ thể như trong tờ trình đầy đủ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội"- ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

Đề nghị giám sát luân chuyển, điều động cán bộ

Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) kiến nghị giao Chuyên đề 1 cho Ủy ban Tài chính - Ngân sách phụ trách; Chuyên đề 4 cho Ủy ban Pháp luật phụ trách. Ngoài ra, ông Vân còn kiến nghị bổ sung chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về luân chuyển, điều động cán bộ.

Nói về tính cần thiết của chuyên đề này, ông Vân dẫn chứng trường hợp ông Trần Lê Hữu Thọ - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang, Khánh Hòa) trong vụ việc xử lý người dân đi mua bánh mì, gây bức xúc dư luận những ngày qua.

"Vị Phó Chủ tịch phường này được luân chuyển từ một phòng chuyên môn của thành phố xuống UBND phường. Dư luận đặt câu hỏi, một cán bộ như vậy, làm ở một vị trí trụ cột ở phường, là mắt xích cuối cùng kết nối Nhà nước với nhân dân, thì uy tín của Đảng, của Nhà nước sẽ ảnh hưởng như thế nào?"- đại biểu Lê Thanh Vân băn khoăn.

Từ chuyện bánh mì không phải thực phẩm nhắc việc luân chuyển cán bộ - 2

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đặt vấn đề về luân chuyển cán bộ (Ảnh: Quốc hội).

Ngoài ra, ông Vân dẫn chứng vừa qua Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã phải loại ra một trường hợp trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhưng không đủ điều kiện công nhận tư cách đại biểu, do có vi phạm từ nhiều năm trước (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam - PV).

"Điều đó cho thấy công tác triển khai các quy định về công tác nhân sự theo các quy định pháp luật có những lúc còn tùy tiện, thiếu nhất quán và không chọn đúng người. Nếu như chúng ta giám sát chuyên đề này có hiệu quả, sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho Quốc hội, Chính phủ, nâng cao chất lượng bộ máy, thực hiện tốt hơn chiến lược 5 năm tới"- vị đại biểu tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.

Một chuyên đề khác được đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị bổ sung vào chương trình là việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công ở doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Thực tế cho thấy thời gian qua vi phạm rất nhiều ở lĩnh vực này nhưng lại ít được kiểm tra, giám sát.

Đặc biệt, tài sản công trong các đơn vị này được chuyển hóa từ công sang tư bằng nhiều thủ đoạn như thông qua đấu giá trá hình, chuyển đổi mục đích sử dụng.

Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có một đợt giám sát mang tính chất cao trào, bằng hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, để một mặt chỉnh đốn lại hệ thống pháp luật, một mặt chỉnh đốn lại công tác quản lý, sử dụng tài sản công"- ông Vân nói.

Cuối bài phát biểu, ông nhấn mạnh nếu làm tốt hai chuyên đề này, sẽ tạo ra xung lực mới cho Quốc hội, Chính phủ hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Phải tăng cường công tác hu kim

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) bày tỏ lo lắng trước biến chủng Delta đang lây lan rất nhanh, trong đó có cả lây qua đường không khí. Ông đề nghị tất cả Đại biểu Quốc hội phải chấp hành nghiêm túc nguyên tắc 5K và các quy định của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đã ban hành.

Trước việc dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có khả năng gây khó khăn cho các đoàn giám sát trong thời gian tới, ông Ngân đề nghị các đoàn giám sát phải có kịch bản khi giãn cách, đi lại; bố trí nhân sự phải có người từ các địa phương để khi cần sẽ giám sát luôn ở đó.

Vị đại biểu Quốc hội TPHCM đặc biệt lo ngại khi các báo cáo hậu giám sát rất ít, "không biết sau khi giám sát xong rồi, các địa phương, đơn vị đó thực hiện như thế nào?". Vì vậy cần sớm xây dựng cơ chế, quy trình cho đại biểu Quốc hội và tổ đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát của mình.

Đồng tình, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho rằng, khi đưa ra các chương trình, cụ thể từng chuyên đề thường lên kế hoạch rất chặt chẽ về thời gian, nội dung, yêu cầu. Khi thực hiện báo cáo giám sát đều nêu rất cụ thể về kết quả, ưu điểm, tồn tại, khuyết điểm, kiến nghị…

"Nhưng tồn tại từ trước tới nay đó là hậu giám sát. Tôi đề nghị lần này quan tâm khi lập chương trình có việc hậu giám sát được giao cho cơ quan, đơn vị, cá nhân nào thực hiện để theo dõi báo cáo Quốc hội. Tổ chức giám sát rất công phu nhưng sau đó kết quả thế nào để thực hiện các kiến nghị phải lưu ý. Các ngành, Chính phủ cũng phải báo cáo thực hiện như thế nào, nếu các kiến nghị đó không phù hợp cũng phải có tiếng nói, hành động, trả lời cụ thể việc thực hiện hậu giám sát, bởi nếu làm tốt thì hiệu quả mới mang lại"- ông nói.

Báo cáo do ông Bùi Văn Cường trình bày trước Quốc hội cũng nhận định, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội vẫn còn có những hạn chế như: Thời gian dành cho hoạt động chất vấn, đặc biệt là hoạt động "hậu giám sát" còn hạn chế, chưa bảo đảm để tất cả các chất vấn của đại biểu Quốc hội đều được trả lời trực tiếp tại hội trường; chưa tiến hành đánh giá đối với việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn bằng văn bản, một số yêu cầu trong nghị quyết chất vấn còn chưa có định lượng cụ thể.

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát chuyên đề có lúc bị ảnh hưởng do báo cáo của một số cơ quan chịu sự giám sát gửi đến đoàn giám sát còn chậm so với yêu cầu hoặc không bảo đảm về mặt pháp lý hoặc có nội dung chưa thể hiện được vấn đề cần xem xét, đánh giá...

Nguyên nhân là do một số nội dung giám sát có phạm vi rộng, khối lượng công việc lớn, tính chuyên môn sâu, nhiều việc phát sinh, yêu cầu gấp trong khi thời gian cho hoạt động giám sát, nguồn lực để thực hiện giám sát còn hạn chế; còn thiếu quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ đại biểu Quốc hội tự tiến hành giám sát…