1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Vụ tham nhũng tiền cứu trợ lũ quét tại Hà Tĩnh:

Trưởng phòng cảnh sát kinh tế Hà Tĩnh bao che sai phạm?

(Dân trí) - Trong quá trình xác minh lại vụ “xà xẻo” hàng tỉ đồng tiền cứu trợ lũ quét tại huyện Hương Sơn, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện một tài liệu “động trời”: ông Nguyễn Hải Sơn, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15), đã có hành vi sửa nội dung báo cáo xác minh vụ tiêu cực này từ năm 2004.

Đáng chú ý, các nội dung được sửa đều là những vấn đề rất nhạy cảm. Ông Sơn sau khi sửa vẫn giữ nguyên số văn bản, ngày, tháng trong bản báo cáo.

 

Bản báo cáo “2 trong 1”

 

Đó là báo cáo số 78/CAT (PC 15), ngày 7/6/2004, do ông Nguyễn Hải Sơn ký gửi: Giám đốc Công an tỉnh, đồng chí Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát, UBND huyện Hương Sơn.

 

Báo cáo này sau khi nêu rõ các sai phạm trong việc sử dụng nguồn kinh phí khắc phục hậu quả lũ lụt tại huyện Hương Sơn, ông Nguyễn Hải Sơn nêu nhận xét: “Còn có nhiều thiếu sót, phòng Kế hoạch Tài chính quyết toán ngân sách theo số cấp phát, không theo số liệu thực tế chi, cho nên ở một số đơn vị như: Ban A, Ban giải phóng mặt bằng, phòng Tài chính - LĐTBXH còn tồn một số kinh phí chưa sử dụng nhưng đã quyết toán ngân sách, duyệt cấp phát cho một số hạng mục công trình bằng lệnh chi của phòng Kế hoạch Tài chính, trong đó có một số đối tượng không đúng quy định của Luật Ngân sách. Công tác kiểm tra, phê duyệt quyết toán trong các lĩnh vực như: Chi chính sách xã hội, trợ cấp ngân sách cho các xã chưa kịp thời, kinh phí còn tồn dư chưa sử dụng…”.

 

Đáng chú ý, tại văn bản có dấu và chữ ký của ông Sơn ban đầu, phần nhận xét, đề xuất có ghi rõ: “Việc để xảy ra tình trạng sử dụng nguồn vốn ngân sách khắc phục hậu quả lũ lụt sai phạm như đã nêu trên trách nhiệm thuộc về Phòng Kế hoạch Tài chính, Phòng Tổ chức, LĐTBXH, Ban giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý các dự án huyện Hương Sơn”.

 

Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, sau đó ông Sơn ký lại một báo cáo khác cùng số 78/CAT (PC15), cùng ngày 7/6/2004, nhưng với nội dung trái ngược hẳn, huỷ bỏ phần nhận xét về trách nhiệm của các tổ chức nêu trên (!?).

 

Nội dung của báo cáo này ghi rõ: Phòng Kế hoạch Tài chính, Phòng Tài chính - LĐTBXH có hành vi cố ý làm trái số tiền 3,801 tỷ đồng, đặc biệt có tới 2,001 tỷ đồng chi sử dụng nhưng “chứng từ chưa được duyệt chi thanh toán nội bộ”. Hành vi này trái với Luật Ngân sách Nhà nước.

 

Tiếp đó là 474 triệu đồng bị ém nhẹm và 126 triệu đồng chi trái nguồn phân bổ tại Ban quản lý công trình (Ban A). Đồng thời, 1 tỉ đồng cũng bị ghi khống vào việc khắc phục đường Hồ Chí Minh, trong khi nguồn tiền khắc phục con đường này thực tế là do Bộ GTVT chi.

 

Mặc dù các sai phạm đã rõ ràng, nguồn tiền chi sai nguyên tắc đặc biệt lớn, thế nhưng, khi kiến nghị xử lý ông Nguyễn Hải Sơn ghi: “Tiến hành họp các phòng chức năng có liên quan để tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm” (!?) và sau đó đề xuất “cho kết thúc xác minh điều tra vụ việc trên” (!?). Rất gọn gàng và đơn giản!

 

Hành vi sửa kết quả xác minh của ông Nguyễn Hải Sơn với nội dung như trên liệu có ẩn chứa những khuất tất? Câu hỏi này đang được các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh điều tra làm rõ.

 

UBND tỉnh Hà Tĩnh chưa báo cáo Thủ tướng nhiều nội dung quan trọng

 

Ngày 25/8, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 4669/VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh phải có báo cáo về những tiêu cực trong việc sử dụng tiền cứu trợ lũ quét năm 2002 tại huyện Hương Sơn. Thế nhưng, trong bản báo cáo số 177 của UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình về việc này vẫn nặng về... báo cáo giải trình, tôn vinh thành tích. Báo cáo này đã né tránh, không lý giải các vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm, đó là:

 

- Vì sao sai phạm nghiêm trọng, thể hiện hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, hội đủ dấu hiệu vụ án hình sự lại không được khởi tố, điều tra? (Mặc dù sau khi phát hiện hành vi làm trái, thất thoát, kinh phí có thu hồi phần nào nhưng các sai phạm gây hậu quả đặc biệt xấu trong dư luận, xâm phạm khách thể được luật hình sự bảo vệ là nguồn tiền cứu trợ xã hội của Nhà nước).

 

- Vì sao với sai phạm nghiêm trọng như vậy, việc xử lý lại chỉ kỷ luật và phê bình, rút kinh nghiệm? (Hai cá nhân có sai phạm chính là ông Nguyễn Khắc Thứ, nguyên Bí thư Huyện uỷ và ông Phan Cao Oánh, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính chỉ bị kỷ luật khiển trách).

 

- Ngoài tiền cứu trợ từ Ngân sách Nhà nước, tổng số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước viện trợ được tiếp nhận, quản lý và sử dụng ra sao? Năm 2002, có hàng nghìn tổ chức, hàng triệu cá nhân trong nước, kiều bào ở nước ngoài ủng hộ bằng nhiều kênh: gửi tiền, hàng trực tiếp; trích lương, thưởng, chuyển khoản; phát động rầm rộ trong nhiều tháng. Thế nhưng, báo cáo của UBND huyện nêu chỉ nhận được tổng cộng có vẻn vẹn... gần 360 triệu đồng (!?). Bao nhiêu phần trăm số này là đúng, bao nhiêu bị “xà xẻo”, bỏ ngoài sổ sách?

 

- Vì sao ông Nguyễn Hải Sơn, Trưởng phòng PC15, có nghi vấn dính líu đến tiêu cực trong quá trình xác minh vụ này lại không được chính quyền địa phương kiểm tra, làm rõ? Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, lẽ ra để đảm bảo khách quan, Công an tỉnh Hà Tĩnh cần giao cho một đơn vị khác xác minh vụ việc thì đáng ngạc nhiên: ông Sơn một lần nữa được cầm “gậy điều tra” vụ việc trên!

 

Đức Trường