1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủy điện tàn phá môi trường vì thiếu quy hoạch khi cấp phép

(Dân trí) - Thủy điện tràn lan gây những hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Hiện tượng các doanh nghiệp âm thầm đầu độc môi trường vừa qua bắt nguồn từ việc thiếu quy hoạch môi trường… Chiều 25/11, Quốc hội thảo luận về Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cho rằng, vi phạm pháp luật về môi trường đang ngày càng trầm trọng, có nhiều nguyên nhân, một phần do công tác thực thi pháp luật chưa đủ mạnh, chế tài chưa đủ răn đe. Đại biểu nêu ý kiến: “Đề nghị dừng hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động với các cơ sở vi phạm. Đồng thời, phải có cơ chế để tôn vinh những cơ sở, cá nhân có thành tích trong bảo vệ môi trường, bảo đảm thưởng - phạt nghiêm minh, công bằng của pháp luật.

Đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm (Bắc Ninh) đề nghị về đánh giá tác động môi trường của các dự án do Thủ tướng quyết định, dự thảo luật yêu cầu phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn làm dự án tiền đầu tư. Bà Tâm cho rằng đây là yêu cầu cần thiết.

Dẫn thực tế các dự án thủy điện bị loại bỏ vừa qua, bà Tâm phân tích, nếu có đánh giá tác động môi trường sơ bộ ngay trong giai đoạn xây dựng dự án báo cáo tiền khả thi sẽ hạn chế được lãng phí đầu tư cho doanh nghiệp và xã hội. Đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải quy định vấn đề này trong luật.
Đại biểu Trương Văn Vở phát biểu tại Quốc hội.
Đại biểu Trương Văn Vở phát biểu tại Quốc hội.

Đồng quan điểm, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) góp ý thêm, cần thiết phải lập quy hoạch bảo vệ môi trường đồng thời phải gắn kết từ khâu lập quy hoạch, quản lý theo quy hoạch với việc thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐMC) và đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đại biểu đề nghị, luật cần quy định, thể hiện rõ nội dung thẩm quyền, mối quan hệ giữa quy hoạch BVMT với các quy hoạch kinh tế xã hội khác đặc biệt là quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

“Không thể để tái diễn tình trạng quy hoạch thủy điện tràn lan liên quan đến sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn, vườn quốc gia đùn đẩy trách nhiệm giữa Bộ, ngành địa phương như hoạt động giám sát của Quốc hội đã đánh giá vừa qua”, ông Vở nói.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) phân tích, hiện nay tình trạng xây dựng tràn lan các nhà máy, khu công nghiệp, thủy điện… đang gây hệ quả nghiêm trọng cho môi trường. Xung đột môi trường giữa người dân và doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua như vụ chôn hóa chất ở Thanh Hóa, lũ lụt ở miền Trung… đều bắt nguồn từ việc thiếu quy hoạch môi trường và không có các quy định rõ ràng đầy đủ về việc quy hoạch các nhà máy, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Ông Vẻ đề xuất bổ sung các điều khoản quy định rõ các vị trí cấm đặt nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, hóa chất, rác thải…

Đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược, đại biểu đề xuất cần thành lập Hội đồng thẩm định độc lập để đánh giá. Cũng theo ông Vẻ, ngoài các chế tài, biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, cần có các công cụ thuế, phí để điều chỉnh hành vi ứng xử đối với bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

“Biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, cần có Luật riêng chứ không nên gộp vào Luật bảo vệ môi trường”, đại biểu Đỗ Văn Vẻ phát biểu.

Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa-Vũng Tàu) đồng tình, cần có quy hoạch bảo vệ môi trường, trên cơ sở đó các địa phương có quy hoạch phát triển nhưng không được vi phạm quy hoạch bảo vệ môi trường mà Chính phủ đã phê duyệt. Điều này sẽ tránh được tình trạng cát cứ trong đầu tư ở địa phương hiện nay đã xâm phạm nặng nề môi trường các lưu vực sông.

Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) cũng đồng tình hướng quy định vấn đề quy hoạch bảo vệ môi trường, là cơ sở để các địa phương thưc hiện quy hoạch phát triển phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường.

P.Thảo