1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thành lập thêm 3 Cục để quản lý báo chí

(Dân trí) - Bộ Thông tin - Truyền thông nhận định, báo chí Việt Nam đang có tốc độ phát triển “Thánh Gióng”; nhiều loại hình báo chí mới xuất hiện; báo chí đã đi cùng nhịp đập với đời sống kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, còn nhiều bài báo đưa tin sai sự thật, thông tin dung tục, thiếu định hướng...

Đó là một phần nội dung được phát biểu sáng qua, 24/12, tại Hội nghị tổng kết 8 năm thi hành Luật Báo chí (năm 1999).

 

Phát biển tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp nhận định: “Nhiều vấn đề trong Luật Báo chí không còn phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Ví dụ, khi ban hành Luật Báo chí năm 1999, thông tin điện tử còn sơ khai, Internet mới ở giai đoạn đầu, blog chưa có.

 

Nhưng chưa bao giờ báo chí Việt Nam phát triển nhanh và mạnh như hiện nay, cả về số lượng, chất lượng, loại hình, đội ngũ và tính chuyên nghiệp".

 

Thành lập thêm 3 cơ quan quản lý báo chí

 

Theo ông Lê Doãn Hợp, trong thời gian tới sẽ ban hành 4 quy chế (Quy chế trách nhiệm của Tổng biên tập theo hướng đề cao hơn nữa vai trò của TBT; Quy chế quản lý phóng viên thường trú và văn phòng đại diện; Quy chế quản lý cộng tác viên; Quy chế Tài chính).

 

Bộ Thông tin - Truyền thông cũng sẽ lập thêm 3 Cục, bao gồm: Cục Thông tin đối ngoại có trách nhiệm đưa thông tin trong nước đến kiều bào và bạn bè quốc tế; Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử sẽ quản lý và chỉ đạo toàn bộ mảng phát thanh, truyền hình và thông tin trên mạng; Cục An toàn thông tin để đảm bảo mọi thông tin đưa ra chính xác và cơ chế xử lý những thông tin sai lệch.

 

Như vậy, trong thời gian tới sẽ có 4 Cục cùng quản lý báo chí là Cục Báo chí, Cục Thông tin đối ngoại, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Cục An toàn thông tin.

 

Phương hướng để quản lý báo chí trong thời gian tới, Bộ Thông tin Truyền thông đề cập đến tăng cường hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước về báo chí thông qua việc sớm đề xuất ban hành các văn bản pháp luật về báo chí như các quy chế: cấp giấy phép hoạt động báo chí; xác định nguồn tin trên báo chí; Bổ sung các quy định xử phạt hành chính theo hướng tăng chế tài xử phạt vi phạm ở mức cao hơn...

 

Báo chí đang phát triển theo tốc độ “Thánh Gióng”

 

Sau hơn 8 năm thi hành Luật Báo chí, đến nay, toàn quốc đã có 702 cơ quan báo chí (634 cơ quan báo in; 67 đài phát thanh, truyền hình).

 

Loại hình báo điện tử mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam sau năm 1997. Đến nay VN đã có 10 báo điện tử, 130 trang tin điện tử và hàng ngàn trang web. Một số báo, trang tin điện tử có số lượng truy cập mỗi ngày lên tới hàng triệu lượt như Dân trí, VnExpress...

 

Số lượng nhà báo được cấp thẻ đã tăng từ 8.000 (năm 1999) lên 15.000 hiện nay.

 

Ưu điểm thứ hai được tổng kết bằng cụm từ “Toàn diện, tích cực, kịp thời”. Các cơ quan báo chí đã có cùng nhịp đập với đời sống kinh tế-xã hội; phản ánh kịp thời, toàn diện các lĩnh vực thiết yếu của đất nước và cuộc sống dân sinh. Báo chí đã tích cực giới thiệu những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, đấu tranh phê phán các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, phê phán quan điểm sai trái, thù địch... 

 

Tuy nhiên, báo chí của ta còn nhược điểm là đăng tải nhiều thông tin sai sự thật, thể hiện chủ yếu ở mảng bài viết về các vụ án; thông tin xâm phạm bí mật đời tư công dân, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị; thông tin dung tục, chạy theo thị hiếu của một bộ phận nhân dân, làm giảm tính định hướng, tính giáo dục và tính thẩm mỹ của báo chí…  

 

Báo chí cần cạnh tranh lành mạnh

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra 4 vấn đề cơ bản cần nghiên cứu trong việc bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí. Đó là:

 

1. Nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên và người quản lý.

 

2. Nâng cao chất lượng tờ báo, sản phẩm báo chí để mỗi cơ quan báo chí có nét riêng, cạnh tranh lành mạnh.

 

3. Vai trò hướng dẫn dư luận xã hội của báo chí.

 

4. Các loại hình báo chí, đặc biệt là sự ra đời và phát triển của loại hình báo chí mới.

 

Đoàn Trần - Lan Hương