1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Sống chung với 70.000 ngôi mộ

(Dân trí) - Lò thiêu, nghĩa trang, bãi rác, kênh nước đen… Đó là những ấn tượng sâu đậm khi nhắc đến phường Bình Hưng Hoà A, quận Tân Bình, TPHCM. Vậy mà, khoảng 80.000 người dân vẫn sống trong môi trường sặc mùi ô nhiễm như vậy từ hàng chục năm nay.

Nghĩa trang, rác và nước thải

“Ấn tượng” đầu tiên khi tới phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân là một nghĩa trang rộng lớn với hơn 70.000 ngôi mộ. Chính điều này đã làm cho nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân vì hầu hết các hộ dân ở đây đều dùng nước giếng khoan.

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã bị đóng cửa nhưng có lẽ vấn đề 80.000 người dân phải sống chung với 70.000 ngôi mộ vẫn là vấn đề “nhức nhối” không chỉ với riêng phường Bình Hưng Hòa A mà còn là mối quan tâm lớn của TPHCM trong nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, người dân sống tại phường Bình Hưng Hoà A còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bãi rác Gò Cát kế cận. Dù bãi rác này đã ngưng tiếp nhận rác từ tháng 7/2007. Tuy nhiên, theo số liệu của Chi cục Bảo vệ Môi trường thì nguồn nước ngầm khu vực xung quanh bãi rác, một số chỉ tiêu chất lượng vượt tiêu chuẩn.

Ngoài ra, bức xúc nhất vẫn là vấn đề các hộ sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm nghiêm trọng. Phường Bình Hưng Hoà A hiện có hơn 140 doanh nghiệp, gần 1.000 cơ sở sản xuất và hơn 2.500 hộ hoạt động thương mại - dịch vụ. Trong đó có hơn 150 cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường.

Sống chung với 70.000 ngôi mộ - 1
  

Rác bẩn ngập lối đi. (Ảnh: Đoàn Quý)

Ngày 24/10, chúng tôi theo chân đoàn cưỡng chế đến các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa A, nơi có đến 41 cơ sở (chuyên nhuộm vải) chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không vận hành. Cơ quan chức năng xử phạt nhiều lần nhưng đâu lại vào đó. Con hẻm 254 chưa được 100m mà có tới 9 cơ sở kinh doanh nhuộm vải.

Người dân vẫn đang phải sống trong ô nhiễm!

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A cho biết: “Các đơn vị bị cưỡng chế đều đã bị xử phạt hành chính nhiều lần nhưng vẫn không chấp hành. Sau đợt cưỡng chế này, chúng tôi sẽ vận động họ chuyển ngành nghề hoặc chuyển đi nơi khác. Định hướng phát triển đô thị thì các ngành nghề này không thể tồn tại trong thời gian dài”.

Ông Sơn khẳng định: “Người dân đang phải sống trong ô nhiễm, khói bụi, mùi hôi… từ các cơ sở này thải ra và nó ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Tuy nhiên, nếu đơn vị nào thực hiện đúng tiêu chuẩn về môi trường thì có thể cho tồn tại trong thời gian ngắn”.

Trước đó, trong lần đi thực tế tại phường Bình Hưng Hòa A, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng: “Để ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm như vậy là chưa làm tốt, làm tròn trách nhiệm với nhân dân.

Yêu cầu chính quyền quận Bình Tân tập hợp các vấn đề gây ô nhiễm môi trường, gây hại cho sức khỏe nhân dân đem ra tuyên truyền, xử lý dứt điểm”.

Theo kế hoach từ ngày 16/10 đến ngày 11/11, cơ quan liên ngành quận Bình Tân sẽ tiến hành cưỡng chế 41 cơ sở nhuộm, hấp, sấy… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa A. Cụ thể, cơ quan liên ngành đã cắt điện các công đoạn sản xuất, niêm phong máy móc, trang thiết bị sản xuất…

Được biết đến ngày 24/10, cơ quan chức năng đã tiến hành cưỡng chế được 19 đơn vị.

Đoàn Quý