1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Siết chặt đối tượng lao động nước ngoài chất lượng thấp

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa khẳng định: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 về quản lý lao động nước ngoài là nhằm siết chặt nhóm lao động ngoại chất lượng thấp, cởi mở với nguồn nhân công chất lượng cao.

Theo thống chưa đầy đủ, hiện số lượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã lên tới hơn 74.000 người, đến từ hơn 60 quốc gia, trong đó, khoảng 58% đến từ châu Á.

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định (NĐ) 46, sửa đổi bổ sung một số điều khoản của Nghị định 34 về Quản lý lao động nước ngoài, nhằm siết lại chuyện cấp phép, quản lý lao động nước ngoài vốn bị xem là quá lỏng lẻo hiện nay.
 
Những điểm mới nhất trong NĐ 46 đặc biệt chú ý đến người nước ngoài vào VN để thực hiện các gói thầu hoặc dự án của nhà thầu nước ngoài đã trúng thầu tại VN. Cụ thể, trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, chủ đầu tư phải quy định nội dung về việc sử dụng người lao động (NLĐ) VN và người nước ngoài theo quy định của pháp luật, trong đó phải ưu tiên sử dụng NLĐ VN thực hiện các công việc mà NLĐ VN có khả năng thực hiện.
 
Trong thời hạn tối đa 60 ngày đối với đề nghị tuyển từ 500 NLĐ VN trở lên và 30 ngày đối với đề nghị tuyển dưới 500 NLĐ, nếu không giới thiệu hoặc cung ứng NLĐ VN cho nhà thầu nước ngoài theo đề nghị nêu trên thì Chủ tịch UBND, tỉnh thành phố trực thuộc TƯ xem xét, quyết định việc cho phép nhà thầu nước ngoài được tuyển người nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được NLĐ VN. Cùng đó, sau 6 tháng, kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành, nếu người nước ngoài làm việc tại VN mà không có giấy phép lao động hoặc chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp phép lao động theo quy định thì Sở LĐ-TB-XH đề nghị cơ quan công an buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật...
Siết chặt đối tượng lao động nước ngoài chất lượng thấp - 1

Trên 74.000 người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Cơ quan chức năng cũng không cấp thị thực đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi chưa được cấp giấy phép lao động hoặc giấy phép lao động hết hiệu lực.

Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa thừa nhận, công tác quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, ví dụ như quy định người nước ngoài làm việc có thời hạn dưới 3 tháng không cần phải xin cấp giấy phép lao động đã tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp, các nhà thầu lợi dụng để đưa lao động phổ thông vào. Trong khi đó lại xảy ra nghịch lý, các DN Việt Nam đang rất khó khăn tìm đường xuất khẩu lao động cho một lực lượng không nhỏ lao động phổ thông nội địa.

“NĐ bổ sung sẽ siết chặt đối với nhóm lao động ngoại chất lượng thấp, nhưng cởi mở với nguồn nhân công chất lượng cao. Do đó nhận được sự đồng thuận cao của các doanh nghiệp sử dụng nguồn lao động kỹ thuật, chuyên gia nước ngoài số lượng nhiều”- ông Hòa cho biết.

Trên thực tế, khi được hỏi ý kiến, những địa phương đang quản lý nhiều lao động nước ngoài cũng cho rằng, quy định mới bắt buộc các nhà thầu phải đăng ký số lao động nước ngoài sẽ giúp cơ sở quản lý tốt hơn.

Trước ý kiến cho rằng đang có sự bất công trong quy định khi người nước ngoài bị trục xuất vì bị phát hiện không có giấy phép nhưng cơ sở tuyển dụng chỉ bị phạt ở mức quá nhẹ nhàng, ông Hòa ghi nhận và cho biết, đây là vấn đề Bộ đang cân nhắc và sẽ bổ sung theo hướng phạt nặng đối với DN cố tình không thực hiện quy định khai báo và xin cấp phép cho NLĐ. Ông Hòa nhấn mạnh, quy định bổ sung về việc cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài sẽ theo nguyên tắc nhanh, gọn. Cụ thể, trong thời hạn 10 ngày (tính theo ngày làm việc), kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động hợp lệ, Sở LĐ-TB&XH địa phương phải cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Cùng quan tâm, một số người lao động nước ngoài bày tỏ băn khoăn khi đã kết hôn với người VN những vẫn bị yêu cầu phải đăng ký giấy phép lao động. Về vấn đề này, chuyên gia Cục Lao động - Việc làm cho biết, theo NĐ, người nước ngoài là phu nhân, phu quân của những người được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự làm việc cho các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam phải có sự thỏa thuận của giữa Việt Nam với nước liên quan và giấy phép lao động, trừ trường hợp Việt Nam ký hiệp định hoặc thỏa thuận có quy định khác.

Cũng theo NĐ bổ sung, người nước ngoài là học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài đến Việt Nam thực tập trong các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thì doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có học sinh, sinh viên thực tập cũng phải báo cáo theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH.

P. Thanh