1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Quảng Trị: “Khóc” lúa ngày hạn!

(Dân trí) - Vào những ngày này, đến các xã Gio Việt, Gio Thành, Gio Mai… (huyện Gio Linh) chỉ thấy trên gương mặt những người nông dân sự lo âu bởi hàng trăm ha lúa non đã và đang cháy rụi dưới ruộng đồng vì “khát” nước.

Những thửa ruộng xanh mơn mởn của những mùa vụ trước giờ chỉ là mơ ước của người nông dân vì thay vào đó hiện là những gam màu cháy xém, vàng úa của lúa sau hơn nửa tháng trời “khát” nước. Lịch cúp nước đã đến hẹn 15 ngày, song vẫn chưa thấy tăm hơi.

Anh Nguyễn Đăng Bách, Trưởng thôn Hoàng Hà, kiêm cán bộ khuyến nông xã Gio Việt, dẫn chúng tôi đi xem những mảnh ruộng khô cằn: “Chỉ cần dăm ba ngày nắng là bao nhiêu công sức của người nông dân đổ sông đổ biển!”.

Hơn 25 ha lúa non của bà con, sự sống chỉ còn đếm từng ngày. Mân mê cây lúa vàng đọt trên tay, anh Bách chua xót: “Chưa bao giờ hạn dữ như năm nay. Nông dân điêu đứng vì lúa thiếu nước. Chỉ vài ngày nữa thôi nếu không có nước về xem như mất trắng!”.

“Không phải chúng tôi không muốn xả nước về cho bà con. Mấy tháng nắng hạn, hồ Trúc Kinh của Xí nghiệp thuỷ lợi Gio Cam Hà - đơn vị cấp thoát nước cho hàng trăm ha lúa của những hộ nông dân thuộc 3 huyện Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà - đã dần cạn. Còn việc dẫn nước từ hồ Hà Thượng (thôn Hà Thượng, Gio Châu) về rất khó khăn.

 

Hiện tại Xí nghiệp chỉ tưới nước cầm chừng và tập trung cứu kịp thời cho những khoảnh ruộng hạn nặng. Nếu nắng nóng kéo dài, hồ Trúc Kinh không còn đủ nước thì chúng tôi cũng đành chịu”. (Ông Trần Diệp, Tổ trưởng khu tưới xã Gio Mai cho biết).

Theo anh Bách, xã Gio Việt là địa bàn nằm cuối cùng so với đập nước Trúc Kinh (thuộc Xí nghiệp Gio Cam Hà) nên nguồn nước tưới dẫn về đây rất khó khăn. Mặt khác, đây là vùng đất nằm khá gần biển nên bị nhiễm mặn nặng, sức chống chịu của cây lúa vốn đã yếu nay gặp mùa hạn nặng càng thê thảm hơn.

Ông Nguyễn Lựu, một lão nông trong xã lo lắng: “Cả 3 ha lúa của tui đều thiếu nước nghiêm trọng. Cứ bình quân 1 ha tui đầu tư từ 5 - 7 triệu đồng, với cái nắng như thế này sẽ không chịu đựng được bao lâu. Năm nay cầm chắc cái đói rồi”.

Không chỉ ở xã Gio Việt, các thôn Lâm Xuân, Tân Bình (Gio Mai), Nhĩ Trung, Nhĩ Thượng, Nhĩ Hạ (Gio Thành) với gần 300 ha lúa cũng đang bị nạn hạn hán đe doạ nghiêm trọng. Nạn thiếu nước cũng khiến nhiều diện tích lạc, đậu xanh của bà con rũ lá.

Mặc dù đây là những địa phương có đất bị nhiễm mặn mức độ nhẹ hơn xã Gio Việt, song với tình trạng khát nước kéo dài nhiều ha lúa cũng bắt đầu cháy ngọn. Lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị trỉa dặm (làm đòng), bón phân không có nước nên bắt đầu vàng lá.

Anh Nguyễn Thành Trung, một hộ dân trồng lúa thôn Nhĩ Trung, nói như tiếc rẻ: “Ruộng làm 2 vụ/năm nên nắng như thế này thì tiêu hết. Bao nhiêu công sức, tiền của đều đổ xuống đây nên cả chục ngày ni 2 vợ chồng tui đi “vét” hết nước của các ao hồ trong làng mà vẫn không đủ tráng cho một khoảnh ruộng”.

Theo bà Nguyễn Thị Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Thành, trong gần 300 ha lúa ở 3 xã, đang thiếu nước thì riêng ở xã Gio Thành gần 10 ha bị hạn nghiêm trọng, có khả năng không cứu được nữa.

Thống kê ban đầu có khoảng 30 - 40% diện tích lúa của xã Gio Thành, Gio Mai, Gio Việt đang có nguy cơ mất trắng. Nhiều gia đình trong xã kinh tế vốn đã khó khăn nay cây lúa thiếu nước càng khốn đốn hơn. Cái đói đang treo lơ lửng trước ngõ từng nhà.

Hạn hán nặng từ đầu tháng 6 đến nay khiến nhiều hộ nông dân chỉ còn cách “bó gối” ngồi nhìn lúa chết. Để chống hạn nhiều bà con nông dân đã tận dụng hết nước trong các ao hồ nhỏ, hố bom nhưng tại những nơi này hiện nước cũng đã cạn kiệt.

“Được chừng nào hay chừng đó, chứ nắng mãi thế này đến khi có nước về cũng đã muộn. Dùng bơm hút nước ở hồ Hà Thượng thì chi phí quá cao bà con không kham nỗi. Cứ một tuần bơm một lần cũng tốn cả chục triệu đồng” - ông Hoàng Minh Lệ, Chủ tịch Hội nông dân xã Gio Việt, cho hay.

"Thôi thì chỉ còn cách mong trời cho mưa xuống để cứu lúa, cứu dân!" - những người nông dân Gio Linh nói khi chia tay phóng viên.

Nguyễn Khánh - Quách Đình Long