1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020:

Phấn đấu đạt trên 95% nữ lãnh đạo chủ chốt ở Bộ

(Dân trí) - Phấn đấu đạt trên 95% nữ lãnh đạo chủ chốt ở Bộ, cơ quan ngang Bộ; 100% nữ lãnh đạo ở cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; 35% trở lên nữ làm chủ doanh nghiệp… vào năm 2020.

Đó là một số chỉ tiêu cơ bản được đưa ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong 10 năm tới.

 

Những con số trên cũng được đưa ra bàn luận tại Hội nghị “Tổng kết chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010 và triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020” tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 21/4. Đến dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân và lãnh đạo các tỉnh, thành trên cả nước.
 

Phấn đấu đạt trên 95% nữ lãnh đạo chủ chốt ở Bộ - 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Phụ nữ Việt Nam đã làm tốt vai trò nồng cốt xây dựng gia đình hạnh phúc…”

 

Báo cáo tổng kết Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2001-2010, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa- Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch UBQG vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, cho biết giai đoạn này triển khai 5 mục tiêu với 20 chỉ tiêu khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có 7/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chiếm 35%); có 2 chỉ tiêu không có số liệu để thống kê và có 11 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra.

 

Theo bà  Hòa, các chỉ tiêu không đạt bao gồm các vấn đề tạo việc làm cho nữ (năm 2010 chỉ có 47,7%, trong khi kế hoạch là 50%); phấn đấu xóa mù chữ ở độ tuổi dưới 40 vào năm 2010 sẽ là 100% nhưng chỉ đạt 92%; phấn đấu tăng tỷ lệ nữ lên trên 35% tổng số người được đào tạo trên đại học vào năm 2010 nhưng chỉ đạt dưới 30%; phấn đấu đạt tỷ lệ 15% trở lên nữ tham gia các cấp ủy Đảng thuộc nhiệm kỳ Đại hội X nhưng nhìn chung chỉ đạt được từ 10%-14,7%; phấn đấu đạt tỷ lệ 50% nữ tham gia lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước vào năm 2010 nhưng chỉ đạt khoảng 33% (cấp Bộ và cơ quan Mặt trận)…

 

Trong khi đó, theo báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam ngày 1/9/2009 thì cơ cấu lực lượng lao động nữ chỉ có 48,6%; mức độ tham gia lực lượng lao động nữ ở vùng Đông Nam Bộ là  thấp nhất (63,9%) và cao nhất là vùng Trung du-miền núi phía Bắc (82,9%); số nữ nông thôn qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật chỉ có 8,7% và tốt nghiệp đại học trở lên chỉ 1,7%; chỉ có 0,4% nữ là nhà lãnh đạo và nghề giản đơn chiếm cao nhất với 42,9%; tỷ lệ nữ nông thôn thất nghiệp chiếm đến 49,2%...
 
Phấn đấu đạt trên 95% nữ lãnh đạo chủ chốt ở Bộ - 2
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đại diện các tập thể và cá nhân làm tốt công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa nhận định, những nguyên nhân không đạt được các chỉ tiêu chủ yếu do một số cấp ủy Đảng, lãnh đạo các cấp chưa quán triệt và lãnh đạo thực hiện đầy đủ quan điểm bình đẳng giới trong nhiệm vụ chính trị và các công tác chuyên môn khác. Ngoài ra, vấn đề định kiến giới còn tồn tại khá nặng nề, nhận thức vì sự tiến bộ của phụ nữ chưa đầy đủ và đúng mức.

 

“Trong 5 mục tiêu đều có chỉ tiêu không đạt kế hoạch do các bộ ngành thiếu giải pháp đồng bộ và một số tỉnh, thành đặt mục tiêu quá cao, vượt khả năng thực hiện nhưng chưa có giải pháp thỏa đáng”- bà Hòa nhấn mạnh.

 

Còn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân, thẳng thắn nhìn nhận dù có nhiều chỉ tiêu không đạt nhưng không vì thế mà phủ nhận những thành tích khác của các tập thể và cá nhân đã có nỗ lực trong thời gian qua.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe lãnh đạo Bộ  LĐ-TB&XH nêu ra Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. 

 

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa- Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐ-TB&XH, nhấn mạnh mục tiêu chủ yếu của chiến lược này là đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

 

Ông Hòa đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu trong chiến lược giai đoạn 10 năm tới là phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2011-2016 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016-2020 trên 35%; phấn đấu đạt trên 80% vào năm 2015 và trên 95% vào năm 2020 tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ…; phấn đấu đạt 70% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020 tỷ lệ lãnh đạo chủ chốt là nữ ở cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội;

 

Tỷ lệ  nữ làm chủ doanh nghiệp đạt trên 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020; tỷ  lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được  đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật  đạt 25% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020; tỷ lệ  nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi đạt 100% vào năm 2020; tỷ lệ nữ Thạc sĩ đạt 50% và Tiến sĩ đạt 25% vào năm 2020…

 

Đến năm 2020 đạt 50% số nạn nhân bạo lực gia đình được phát hiện tư vấn về pháp lý, trợ giúp sức khỏe; 100% số nạn nhân bị buôn bán trở về thông qua trao đổi, được giải cứu, trở về được hưởng các dịch vụ hỗ trợ…

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân, cho biết để thực hiện các chỉ tiêu trên, Bộ sẽ đề nghị các ban ngành đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ, viên chức người lao động và nhân dân. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho công tác bình đẳng giới, ưu tiên nguồn lực cho những ngành, vùng, khu vực có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ cao về bất bình đẳng giới…

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, đánh giá những năm qua Đảng và Nhà nước đã có những chính sách tạo điều kiện cho giới phụ nữ làm được những điều mình mong muốn để góp phần xây dựng đất nước. Phụ nữ Việt Nam đã làm tốt vai trò nồng cốt xây dựng gia đình hạnh phúc.

 

“Tuy nhiên, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo ở các cấp vẫn còn hạn chế cũng như chưa nắm chặt việc triển khai chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Ngoài ra, các cấp lãnh đạo còn thiếu quan tâm đến chiến lược này dẫn đến các chỉ tiêu chưa đạt là khó tránh khỏi”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Để các chỉ tiêu trong chiến lược ở giai đoạn tới có hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành cần tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục, trong đó tập trung khai thác triệt để đề án dạy nghề nông thôn để giúp phụ nữ có công ăn việc làm và tiếp cận các mục tiêu khác.

 

Cũng trong Hội nghị, 26 tập thể và 38 cá nhân vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 98 tập thể và 202 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH vì đã có nhiều thành tích trong thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ từ năm 2001-2010.

 

Huỳnh Hải