DMagazine

Ông Lê Kiên Thành: "Nguyễn Chí Vịnh như tôi biết"

(Dân trí) - "Một trong những điều trăn trở của Nguyễn Chí Vịnh mà tôi biết là quá trình đấu tranh để đưa hài cốt 64 chiến sĩ ở Gạc Ma về nhà vẫn chưa đạt được", ông Lê Kiên Thành kể.

Hôm 14/9, sau khi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từ trần tại nhà riêng, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Lê Kiên Thành để lắng nghe những chia sẻ của ông về người bạn thân thiết "còn bao điều muốn nói với đời, với người".

Trong cuộc trò chuyện, nhiều khi ông Thành xúc động im lặng hồi lâu, như đang tự mình thả trôi vào những ký ức rất riêng tư với người bạn vừa qua đời lúc nửa đêm.

Khi nhắc đến Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, ông nhớ nhất điều gì?

- Tôi không biết Chí Vịnh hồi còn nhỏ, mãi sau này khi Vịnh đã là cán bộ quân đội thì tôi mới tiếp xúc và trở nên thân thiết.

Mặc dù hai gia đình chúng tôi sống gần nhau, có hai ông bố cũng thân thiết, nhưng bởi vì chênh nhau 4 tuổi (Chí Vịnh ít tuổi hơn) cho nên tuổi thơ chúng tôi không có điều kiện chơi chung. Trẻ con thì phải đồng trang lứa mới thân nhau được.

Chúng tôi tình cờ gặp nhau, trao đổi với nhau khi Chí Vịnh đã là cán bộ cao cấp của quân đội, còn tôi là doanh nhân. Qua những lần tiếp xúc, trò chuyện, chúng tôi mới hiểu sâu về nhau.

Ông Lê Kiên Thành: Nguyễn Chí Vịnh như tôi biết - 1

Từ trái qua: Ông Phan Minh Hoàn (con Thủ tướng Phan Văn Khải), ông Lê Kiên Thành và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Nếu nói về Chí Vịnh, chỉ bằng một vài từ thì không thể nào lột tả hết được con người cậu ấy.

Ở đây, tôi chỉ nói về Chí Vịnh trên góc độ một con người. Dù vậy, cũng phải đề cập trên nhiều phương diện, nhiều đặc điểm. Nguyễn Chí Vịnh rất thông minh, cương quyết, một con người mưu trí, một con người tình cảm và là một con người nhân hậu.

Thủa ban đầu mới chơi thân với nhau, đâu là câu chuyện ông ấn tượng nhất về Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh?

- Trong một lần gặp nhau, Chí Vịnh kể tôi nghe về một kỷ niệm đáng nhớ. Nghe xong chuyện đó, tôi rất ấn tượng.

Giữa một cuộc chiến đang diễn ra rất quyết liệt, Chí Vịnh đi bằng đường bộ - lúc đó đây là tuyến đường rất nguy hiểm vì bom rơi, đạn nổ, đến hầm chỉ huy của một nhà lãnh đạo từng giữ vị trí rất cao ở vùng lãnh thổ này. 

Chí Vịnh đến đó làm gì? Cậu ấy nói mục đích để nghiên cứu xem một cuộc chiến tranh hiện đại sẽ xảy ra thế nào, dùng vũ khí gì, các bước tiến hành chiến tranh ra sao…

Đây là thời điểm Chí Vịnh đã trở về từ chiến trường Campuchia và đang có một cuộc sống yên bình, nhưng bạn vẫn sẵn sàng đi vào nơi bom rơi, đạn nổ để tìm hiểu và nghiên cứu thực tiễn, nhằm rút ra một bài học nào đó, rồi tiếp tục về phụng sự Tổ quốc.

Chí Vịnh kể, khi đang ở trong hầm, nhà lãnh đạo hỏi: "Tôi nghe nói anh hút thuốc nhiều lắm nhưng tại sao ở đây tôi không thấy anh hút?". Chí Vịnh trả lời: "Để đảm bảo sức khỏe cho ngài, tôi sẽ không bao giờ hút thuốc trước mặt ngài cả". Nhà lãnh đạo sau đó lấy một điếu thuốc ra mời Chí Vịnh và ông cũng hút, rồi bảo: "Anh cứ hút đi, nếu thấy thích thuốc này thì hàng tháng tôi xin gửi tặng anh 2 tút thuốc, kể cả sau này tôi không còn nữa thì anh cũng sẽ nhận được 2 tút thuốc này".

Ông Lê Kiên Thành: Nguyễn Chí Vịnh như tôi biết - 3

Và quả thực, sau này khi chiến tranh kết thúc, kể cả khi nhà lãnh đạo nói trên bị giam giữ khi thời thế thay đổi, trong suốt thời gian dài, Chí Vịnh vẫn nhận được 2 tút thuốc mà ông đã hứa.

Bạn có thấy một phần tính cách con người Nguyễn Chí Vịnh trong câu chuyện đó không?

Một người dũng cảm trong công việc, ứng xử tinh tế và rất tôn trọng người khác?

- Đúng là như thế đấy!

Như ông đề cập, do khoảng cách tuổi tác nên thuở nhỏ hai người ít tiếp xúc và phải tới khi đã trưởng thành mới trở nên thân thiết. Vậy tình bạn giữa một người là doanh nhân và một người là tướng lĩnh hình thành như thế nào?

- Mỗi khi gặp nhau, chuyện mà chúng tôi thường tâm sự, chia sẻ nhiều nhất là chuyện về ông bố của mình. Và điều may mắn của chúng tôi là có những người bố cùng chí hướng, chung lý tưởng, sát vai nhau trong quãng đời hoạt động cách mạng, bởi vậy nên giữa hai chúng tôi có nhiều sự đồng cảm.

Chí Vịnh có nói với tôi rằng, bố cậu ấy coi bố của tôi là một người thầy dìu dắt trong thời kỳ hoạt động cách mạng ở Huế.

Những năm tháng sau này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hoạt động ở miền Trung, còn bố tôi hoạt động ở miền Nam, ý chí của họ hòa quyện và thống nhất, cùng một mục tiêu giải phóng bằng được miền Nam thân yêu, thống nhất đất nước. Lúc đó đây là vấn đề có ý kiến khác nhau, nhưng khi những người chủ chốt hiểu nhau và thống nhất thì đã quyết định giải phóng miền Nam bằng bạo lực cách mạng. Giữa hai ông bố của chúng tôi gặp nhau ở điểm đó.

Như vậy, tình bạn giữa ông và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được đặt nền tảng từ tình bạn của những người bố?

- Chính là như vậy! Tôi nghĩ rằng sự đồng cảm giữa hai con người là tình cờ, là tự nhiên. Hoàn cảnh gia đình cũng có thể là một lý do. Đồng cảm về mặt lý tưởng cũng là một lý do. Sự tương đồng về tính cách cũng là một lý do.

Khi người ta gần nhau, thân thiết với nhau thì có nhiều điều kiện. Có thể cùng lý tưởng nhưng nếu tính tình khác nhau thì cũng khó hòa hợp. Đồng điệu một yếu tố không có nghĩa là mọi thứ đều đồng điệu.

Ông Lê Kiên Thành: Nguyễn Chí Vịnh như tôi biết - 6

Tôi với Vịnh tình cờ có nhiều thứ đồng cảm với nhau, có những điều có thể chia sẻ, có thể nói hết với nhau được mà không sợ người kia giận, mất lòng.

Bên cạnh sự đồng cảm thì giữa ông và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từng tranh luận với nhau về vấn đề gì không?

- Cũng có tranh luận đấy chứ không phải không có đâu. Khi nhìn nhận một vấn đề, có người nhấn vào điểm này, có người lại nhấn vào điểm khác. Nhưng suy cho cùng thì có lẽ điểm chung giữa chúng tôi vẫn nhiều hơn.

Cuộc tranh luận cụ thể nào mà đến giờ ông vẫn còn nhớ chi tiết?

- Tôi nhớ một lần đã chia sẻ với Chí Vịnh về suy nghĩ của bố tôi, rằng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông không bao giờ e ngại ai cao hơn mình, cũng không giờ thấy ai thấp hơn mình cả.

Khi ra ngoài gặp nguyên thủ của các cường quốc, ông cũng thấy bình thường, sẵn sàng tranh luận và không chấp nhận sự áp đặt. Nhưng ngược lại, với những người xung quanh ông, từ những người giúp việc cho đến những đứa trẻ, ông không bao giờ coi thường họ, dành cho họ cái nhìn đối với người có vị thế thấp hơn.

Có một câu chuyện được kể lại, sau thống nhất đất nước, bố tôi về một ngôi trường ở An Giang. Tại đây, ông gặp và trò chuyện với các em học sinh. Điều gây bất ngờ cho người khác thời điểm đó (bao gồm các lãnh đạo tỉnh và giáo viên của trường) là bố tôi to tiếng, nói rất găng với một cậu bé. Ông giải thích với cậu bé đó rằng: "Bác găng với cháu vì bác coi cháu như đồng chí của bác. Chúng ta là hai người đồng chí đang cùng tranh luận một vấn đề". Ông không coi đó chỉ là một đứa trẻ để rồi xoa đầu và nói "cháu chưa hiểu gì đâu", ông không làm như vậy, đó là một thái độ coi thường! Ở đây sự tranh luận thể hiện cái nhìn bình đẳng.

Ông Lê Kiên Thành: Nguyễn Chí Vịnh như tôi biết - 7

Những người bạn từ trái qua: Trần Việt Trung (con Thiếu tướng Trần Tử Bình), Nguyễn Chí Vịnh, Lê Kiên Thành, Trần Hữu Việt (con nhà văn Trần Hữu Mai).

Một lần, tôi nghe bố tôi kể với mẹ tôi rằng, hồi bố tôi còn nhỏ được ông nội dẫn đi học cùng với các anh chị em, ông nội dặn dò: "Cố học hành để sau này không phải bưng nước cho người ta". Lúc đó, bố tôi đáp lại: "Cậu (cách gọi bố của người miền Trung) nói kỳ thế, học để làm việc gì chứ chỉ để không bưng nước thì học làm gì!". Ngay thủa nhỏ bố tôi đã thế, sẵn sàng tranh luận lại với cha mình chứ không phải chỉ cúi đầu nghe lời.

Khi tôi kể câu chuyện này với Chí Vịnh và nhắc lại quan điểm của bố tôi thì có vẻ Vịnh không đồng ý. Cậu ấy bảo: "Thế chẳng nhẽ, bác Lê Duẩn không thấy bố của mình là cao hơn à?".

Tôi nghĩ, có lẽ Chí Vịnh hiểu nhầm về câu chuyện của bố tôi. Cao - thấp ở đây không phải về bậc thứ, tuổi tác, không phải là không kính trọng. Rồi tôi băn khoăn "Vì sao chuyện đó mình cảm thấy hay mà Chí Vịnh lại không thấy hay nhỉ?".

Có bao giờ ông và người bạn thân Nguyễn Chí Vịnh trò chuyện về những thuận lợi, khó khăn trong cuộc sống cũng như sự nghiệp, từ góc độ truyền thống gia đình?

- Thực ra mà nói, thế hệ con em của các lãnh đạo thời bố tôi hay bố của Chí Vịnh thì nhiều lắm, nhưng số người thành công không nhiều. Chí Vịnh thành công còn tôi thì không.

Không phải cùng hoàn cảnh thì mọi thứ giống nhau. Không riêng tôi, mà tôi có thể điểm ra rất nhiều người khác là con của các nhà lãnh đạo từng giữ vị trí quan trọng của đất nước cũng không đạt được thành công như Nguyễn Chí Vịnh.

Rất nhiều người cùng thế hệ lãnh đạo với bố tôi có con cái đều chỉ làm những công việc bình thường.

Có thể hoàn cảnh, xuất phát điểm như nhau nhưng mức độ thành công của mỗi người là không hề giống nhau! Nhưng chúng tôi thường không nói về vấn đề này.

Ông Lê Kiên Thành: Nguyễn Chí Vịnh như tôi biết - 10

Trong một cuộc phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trước đây, chúng tôi từng được nghe Thượng tướng chia sẻ về những thuận lợi và áp lực khi là "con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh". Còn ông thì sao?

- Khi còn đi học, vì tôi là con của bố tôi nên áp lực rất lớn. Tôi không có quyền học dốt. Tôi có nhiều điều kiện hơn để học tập trong khi nhiều người bạn khác đồng trang lứa ở nông thôn thì phải đi chăn trâu, cắt cỏ, làm lụng phụ giúp gia đình; ở thành phố thì nấu cơm, trông em, đi chợ thay bố mẹ… vậy chẳng nhẽ lại học không tốt?

Áp lực là dữ lắm!

Tất nhiên, muốn thật giỏi thì đòi hỏi phải thông minh, nhưng để lên lớp thuộc bài, không bị điểm kém thì chỉ cần chăm chỉ. Tôi không là số một của lớp thì cũng phải số 2, số 3, số 4.

Cho đến lao động, kể cả khi người ta không biết mình là con ai, gia đình thế nào thì bản thân cũng phải cố gắng, nỗ lực, việc gì cũng làm được, gánh đất, đào đất cũng phải làm cho tốt. Làm thế nào để sau này lỡ người ta biết mình là con ai, họ không chê cười: "Con ông ấy mà đến cái cuốc không biết cầm, cái gánh không biết gánh". Đấy là một áp lực thực sự!

Còn sau này đi làm thì tôi lại chưa từng gây áp lực cho mình rằng phải trở thành quan chức, phải giữ trọng trách lớn. Áp lực lớn nhất mà tôi đặt ra là đừng làm điều gì ảnh hưởng đến uy tín của gia đình.

Tôi nghĩ, Chí Vịnh cũng như tôi vậy. Chúng tôi sẽ cố gắng, nỗ lực hết sức để phụng sự trong khả năng của bản thân, chứ không bao giờ đặt ra cho mình thứ áp lực kiểu như, là con lãnh đạo thì mình phải làm được chức này chức nọ mới xứng đáng - không bao giờ có suy nghĩ đó!

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được biết đến là nhà quân sự có tầm nhìn chiến lược, có nhiều đóng góp nổi bật trong lĩnh vực tình báo và đối ngoại quốc phòng, và đặc biệt là rất cởi mở, sẵn sàng đối thoại với báo chí. Theo ông, đâu là những nền tảng hình thành nên phẩm chất đó ở Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh?

- Tôi nghĩ nền tảng đó bắt đầu và xuyên suốt kể từ khi Chí Vịnh đi sâu vào nghiệp quân sự ở chiến trường Campuchia.

Những năm tháng đó là những năm tháng gay go. Khó khăn của chúng ta ở Campuchia lúc đó khác với khó khăn của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, chúng ta được chiến đấu trên đất mình. Còn ở Campuchia dù trong tâm thế giúp bạn, nhưng vẫn là chiến đấu trên đất người khác.

Ông Lê Kiên Thành: Nguyễn Chí Vịnh như tôi biết - 11

Khi chiến đấu trên đất chúng ta, hầu như ta được cả thế giới ủng hộ; nhưng khi ta giúp bạn trên đất bạn, dù là để phục vụ chính nghĩa nhưng ta vấp phải rất nhiều trở ngại, đối mặt với những hiểu nhầm, mà vẫn phải hoàn thành bằng được sứ mệnh chính nghĩa đó. Giúp bạn cũng chính là tự cứu mình.

Bây giờ rất khó hình dung ra được tất cả khó khăn thời ấy, nhất là với một sĩ quan trẻ. Từ chiến trường ra đến cuộc đời, Chí Vịnh cũng trải qua những thử thách, thậm chí là nghịch lý. Nhưng chính từ trong hoàn cảnh, dần dần cũng thấm vào con người Chí Vịnh, tôi luyện và trui rèn nên bản lĩnh của Chí Vịnh.

Theo tôi, những tố chất của một người lính, người chỉ huy, người tình báo… trong Chí Vịnh bắt đầu hình thành từ những năm tháng khó khăn đặc biệt ấy trên chiến trường Campuchia. Phải nhiều năm sau, thế giới mới hiểu về chúng ta.

Ngoài những câu chuyện truyền thống gia đình, cuộc sống, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ với ông về công việc không?

- Chí Vịnh làm công việc có tính chất tương đối đặc thù (tướng tình báo) nên ngay cả khi gặp khó khăn, vất vả thì cậu ấy cũng không có quyền chia sẻ với tôi.

Tất nhiên, cũng có những tình huống nhất định mà bản thân cậu ấy trải qua, cậu ấy có kể lại với tôi.

Ví như lần Chí Vịnh nhận quân hàm cấp Tướng, làm đến chức Tổng cục trưởng Tổng cục II (Bộ Quốc phòng), mới chuyển từ miền Nam ra miền Bắc thì có một vài lời khuyên với cậu ấy rằng, hãy mặc quân phục, đưa vợ con đến chào người nọ người kia sẽ tốt hơn cho con đường sự nghiệp về sau.

Chí Vịnh nói với tôi: "Nếu không có lời khuyên đó, thì bản thân em là hậu bối em cũng sẽ tới chào các bậc tiền bối, ra mắt người này người nọ… Nhưng lời gợi ý để em hiểu sang một khía cạnh khác, một mục đích khác không còn trong sáng nữa thì dứt khoát em không làm chuyện đó. Vô tư thì khác, còn để nhằm đạt mục đích gì đó thì em không làm!".

Ông Lê Kiên Thành: Nguyễn Chí Vịnh như tôi biết - 13

Hai người bạn Nguyễn Chí Vịnh và Lê Kiên Thành.

Con người Chí Vịnh khẳng khái như vậy! Đó chỉ là một câu chuyện nhỏ mà Chí Vịnh mở lòng chia sẻ với tôi, đủ để tôi hiểu hơn về con người cậu ấy: Cương trực, thẳng thắn, không vì danh vọng mà cầu cạnh bất kỳ ai. Tôi tin là cậu ấy còn nhiều câu chuyện khác nữa phải trải qua.

Chí Vịnh coi tôi như một người anh, một người bạn thân thiết, nhưng tôi không phải là một đồng đội từng lăn lộn trên chiến trường Campuchia hay trên những mặt trận thầm lặng cùng với cậu ấy. Đồng đội là người cùng cậu ấy trải qua, va chạm trong rất nhiều biến cố, cùng lăn lộn chiến đấu trong tình thế hiểm nguy; còn người anh như tôi chỉ có thể thương yêu và quý trọng mà thôi.

Tôi là bạn thân, nhưng dù gì tôi cũng người hoạt động ở bên ngoài, cậu ấy không thể nói về những câu chuyện nội bộ.

Như ông chia sẻ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh còn "bao dự định dang dở, còn bao điều muốn nói với đời, với người". Đâu là những dự định của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh mà ông biết?

- Nhiều! Chí Vịnh còn nhiều dự định và nuối tiếc trước khi rời cuộc đời này lắm…

Một trong những điều rất trăn trở, day dứt của Chí Vịnh mà tôi biết là quá trình đấu tranh để đưa hài cốt 64 chiến sĩ ở Gạc Ma về nhà vẫn chưa đạt được. "Đối với chúng tôi, nghĩa tử là nghĩa tận", Chí Vịnh từng nói như vậy.

Ông Lê Kiên Thành: Nguyễn Chí Vịnh như tôi biết - 15

Với công việc của mình và với vị trí của mình, Chí Vịnh còn rất nhiều dữ liệu, thông tin. Ví như, tại sao mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, có những câu chuyện gì, có thể từ đó rút ra những bài học gì? Trên con đường chúng ta đang đi, cần tránh điều gì?

Vừa rồi nếu xem bộ phim "Mùa đông năm 1991", chúng ta sẽ thấy một phần rất nhỏ những điều mà Chí Vịnh và nhóm thực hiện bộ phim này đã làm.

Ngay thời điểm mới nghe tin Vịnh ốm thì trên internet đã xuất hiện những thông tin không đúng về Chí Vịnh mà cậu ấy chưa nói lại. Chí Vịnh định rằng từ từ sẽ nói ra sự thật, bao gồm nhiều tài liệu, luận chứng, luận cứ đầy đủ, chứ không phải chỉ là những lời "nghe nói" ở trên mạng.

Chí Vịnh có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều tài liệu, dữ liệu của cả trong nội bộ lẫn từ các đối tượng, đối tác. Tôi nghĩ, nếu có thời gian thì Chí Vịnh sẽ công bố dần các thông tin (thuộc diện có thể công khai) mà cậu ấy nắm được để làm sáng tỏ nhiều điều, nhưng… không kịp nữa.

Lần cuối cùng tôi với Trần Hữu Bình (tức Bình Ca - tác giả cuốn sách "Quân khu Nam Đồng") gặp Chí Vịnh trong Bệnh viện 108. Trước khi chúng tôi đi, Vịnh bắt tay Bình Ca và nói: "Bây giờ còn 2 cuốn sách, ông giúp tôi nhé!".

Cuốn "Người thầy - viết về Thiếu tướng Ðặng Trần Ðức, Anh hùng Lực lượng vũ trang" vừa rồi xuất bản chỉ là một phần rất nhỏ trong những điều Chí Vịnh muốn kể lại.

Chặng đường hoạt động của Chí Vịnh phong phú như thế, có biết bao nhiêu câu chuyện. Rất tiếc là cuộc sống không chiều lòng người. Chí Vịnh còn ấp ủ nhiều điều lắm. Tôi hy vọng rằng những chiến hữu của Vịnh sẽ tiếp tục làm, viết tiếp hoài bão của cậu ấy.

Sau tất cả, ông sẽ nhớ đến người bạn thân thiết của mình như thế nào?

- Để nói về một con người, để nhận xét một cách đầy đủ thì thật khó. Tôi là người anh, người bạn thân thiết của Chí Vịnh, nhưng không cùng cậu ấy trải qua những vấn đề trong công việc. Do vậy, tôi không nên là người đưa ra lời tổng kết. Ít ra cũng phải là những người anh em chiến hữu đồng cam cộng khổ với Chí Vịnh, cùng Chí Vịnh trải qua các thử thách trong công việc. Họ mới có tư cách để nói lên nhận xét về cậu ấy.

Những gì mà tôi biết về Chí Vịnh là trên tư cách một con người, không phải một vị tướng. Mà đã là con người thì sẽ có cái được với người này nhưng không được với người khác.

Ông Lê Kiên Thành: Nguyễn Chí Vịnh như tôi biết - 17

Về Nguyễn Chí Vịnh, tôi xin để những người đồng chí, đồng đội, có thể là cấp trên, cấp dưới của cậu ấy đánh giá.

Hôm nay, tôi chia sẻ những câu chuyện của tôi, những suy nghĩ của tôi về Chí Vịnh là để những người khác thấy được một khía cạnh khác, một góc con người khác của cậu ấy, rằng: "Nguyễn Chí Vịnh trong mắt Lê Kiên Thành là như vậy!".

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sinh ngày 15/5/1957; quê quán xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; từ trần ngày 14/9/2023 do lâm bệnh nặng.

Quá trình công tác, ông từng tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Campuchia; được cử đi đào tạo nghiệp vụ tại Học viện Tình báo Liên Xô… Từ tháng 11/1999 đến tháng 2/2009, ông là Phó tổng cục trưởng, Tổng cục trưởng, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng. Tháng 3/2009, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tại Đại hội Đảng lần thứ XI, tháng 1/2011, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và là Ủy viên Quân ủy Trung ương. Tháng 1/2016, tại Đại hội XII, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tham gia Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương.

Tháng 10/2021, ông nghỉ chế độ.

Lễ viếng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được tổ chức từ 7 giờ đến 12 giờ 30 phút ngày 18/9/2023; Lễ truy điệu hồi 12 giờ 30 phút, Lễ đưa tang hồi 13 giờ 5 phút, Lễ an táng hồi 17 giờ 15 phút cùng ngày tại Công viên Thiên Đức (Xã Bảo Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ). 

Nội dung: Bích Diệp, Võ Thành

Ảnh: Mạnh Quân

Thiết kế: Tuấn Huy