1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Quảng Ngãi:

Noi gương Bác, quyết vươn khơi bám biển quê hương

(Dân trí) - Mặc dù gặp nhiều khó khăn, hiểm nguy trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết một lòng bám biển quê hương, theo lời dặn dò của Bác: “Các vua hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước…”.

Hoàng Sa, Trường Sa là nhà

 

Từ ngàn xưa đến nay, ngư trường ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa được ngư dân Quảng Ngãi vươn buồm ra khơi đánh bắt thủy sản. Đời trước nối tiếp đời sau, họ coi Hoàng Sa và Trường Sa chính là nhà, bầu trời Tổ quốc là mái nhà che chở ngư dân mưu sinh.

 

Với ngư dân Lê Khuân (ngụ xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) - hiện là Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh, ông tham gia đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa suốt cả cuộc đời. Ông nghỉ đi biển từ năm 2012 nhưng vẫn tiếp tục cần mẫn kết nối thông tin từ Lý Sơn ra Hoàng Sa và Trường Sa với tình thần “không thù lao”.
 
Ngư dân trẻ Bùi Văn Phải (giữa) gắn liền với hình ảnh lá cờ Tổ quốc trên biển.

Ngư dân trẻ Bùi Văn Phải (giữa) gắn liền với hình ảnh lá cờ Tổ quốc trên biển.

 

Ông Lê Khuân tâm sự: “Cả cuộc đời bám biển quê hương, tôi hiểu tất cả những khó khăn mà thế hệ con cháu vướng phải mỗi lần ra khơi. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng tôi vẫn ra sức trực canh đài I-COM hàng ngày, kịp thời chuyển thông tin về tình hình thời tiết, những rủi ro phát sinh hay truyền đạt kinh nghiệm khi con cháu ở Hoàng Sa, Trường Sa cần hỗ trợ. Đối với tôi thì chẳng bao giờ sợ điều gì từ phía Trung Quốc, ta ở trên biển trời ta thì ta cứ ung dung mưu sinh”.

 

Trước hành động Trung Quốc đưa 32 tàu cá ra đánh bắt trái phép ở Trường Sa của Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hành động và rút toàn bộ tàu thuyền ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

 

Nói về hành động ngang ngược này của những tàu cá Trung Quốc, lão ngư Nguyễn Long (ngụ huyện Bình Sơn) quả quyết: “Không thể nào cấm được lòng yêu nước trên chủ quyền biển đảo của quê hương mình”.

 

Trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 17/5, ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, Lý Sơn - nói: “Hành động 32 tàu cá xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đồng thời phía Trung Quốc ra lệnh cấm là hết sức vô lý. Làm sao ngư dân mình bỏ biển, bỏ nhà ở Hoàng Sa và Trường Sa được chứ”.

 

Noi gương Bác

 

Hình ảnh ngư dân Bùi Văn Phải (ngụ xã An Hải, Lý Sơn - thuyền trưởng tàu cá QNg 96382-TS) bảo vệ lá cờ Tổ quốc khi bị phía Trung Quốc bắn cháy cabin, đã và đang là hình ảnh sống động, thôi thúc thế hệ trẻ yêu quý biển, đảo ở khắp mọi miền đất nước Việt Nam.
 
Ngư dân trẻ Bùi Văn Phải (giữa) gắn liền với hình ảnh lá cờ Tổ quốc trên biển.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (trái) trò chuyện và động viên ông Nguyễn Quốc Chinh tiếp tục hỗ trợ ngư dân

 

Ngư dân trẻ Bùi Văn Phải hồ hởi khoe: “Tôi vừa được lãnh đạo tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi và anh em trên tàu rất vui. Đây là nguồn động viên lớn lao, giúp những ngư dân tiếp theo lòng nhiệt huyết, tinh thần dân tộc, ý chí quyết tâm ra khơi bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam”.

 

Điển hình thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở tỉnh Quảng Ngãi trên biển, ngư dân Lê Đủ (ngụ xã An Hải, Lý Sơn) được tuyên dương và nhận Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền trên biển. Đặc biệt, ngư dân Lê Đủ đã cứu hộ tàu cá cùng nhiều lao động trên tàu ông Nguyễn Hạnh (ngụ thôn Tây, xã An Vĩnh, Lý Sơn) khi bị chết máy ở quần đảo Trường Sa về đến đảo Lý Sơn an toàn.

 

Ngư dân Lê Đủ tâm sự: “Bác Hồ dạy mỗi con người đều phải có tinh thần đoàn kết, gắn bó và tương trợ lẫn nhau. Với hành trình mưu sinh đặc thù trên biển, nếu thiếu tinh thần như Bác dạy bảo thì quá thấp hèn!”.

 

Trong đợt sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Ngãi đã tuyên dương và tặng Bằng khen 44 tập thể và 73 cá nhân, trong đó có 2 tập thể tàu cá (QNg 96554-TS của ngư dân Lê Đủ và QNg 96382-TS của ngư dân Bùi Văn Phải) và 4 cá nhân trên (ngư dân Bùi Văn Phải, ngư dân Lê Đủ, ông Nguyễn Quốc Chinh và ông Lê Khuân).

 

Các ngư dân chân chất, mộc mạc mà dũng cảm, ngày ngày noi theo tấm gương của Bác trong từng hành động nhỏ, từ đó làm nên ý thức lớn của dân tộc.

 

Hồng Long