Những con số đáng báo động về nạn săn bắn và buôn lậu tê giác

Lưu Minh

(Dân trí) - Những lời đồn thổi không có căn cứ khoa học về tác dụng chữa bệnh và khả năng tăng cường "bản lĩnh đàn ông" của sừng tê giác khiến mặt hàng này ngày càng hấp dẫn và đắt giá.

Những con số đáng báo động về nạn săn bắn và buôn lậu tê giác - 1

Theo thống kê có 2,5 cá thể tê giác bị giết mỗi ngày

Sừng tê giác luôn bị săn lùng

Theo khảo sát của chuyên gia của tổ chức TRAFFIC - Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã - thì dường như nhu cầu sử dụng sừng tê giác chỉ có tại các quốc gia Châu Á, trong đó Trung Quốc và Việt Nam là hai thị trường tiêu thụ lớn nhất.

Những lời đồn thổi không có căn cứ khoa học về tác dụng chữa bệnh và khả năng tăng cường "bản lĩnh đàn ông" của sừng tê giác khiến mặt hàng này ngày càng hấp dẫn và đắt giá.

Bên cạnh đó, nền kinh tế tại các quốc gia khu vực Châu Á đã có những bước tiến đáng kể từ vài thập kỷ nay tạo ra một tầng lớp người giàu muốn hưởng thụ cuộc sống, và cũng từ đó nhu cầu mua, săn lùng hàng quý hiếm tăng mạnh hơn.

Sự gia tăng nhu cầu sử dụng, sở hữu sừng tê giác tại Việt Nam nói riêng và một số quốc gia Châu Á nói chung là nguyên nhân chính gây nên thực trạng săn bắn trộm và giết hại tê giác để lấy sừng tại Châu Phi, cụ thể hơn nữa là Nam Phi - ngôi nhà của khoảng 80% tê giác Châu Phi.

Cuộc khủng hoảng này bắt đầu từ năm 2008 và lên tới đỉnh điểm trong giai đoạn 2013 - 2017 với hơn 1.000 cá thể tê giác giết mỗi năm, cao nhất là 1,349 cá thể bị giết năm 2015. May mắn là kể từ năm 2018, số lượng tê giác bị giết đã bắt đầu có dấu hiệu giảm với 892 cá thể bị giết trong năm. Tuy đã giảm song số lượng này vẫn đồng nghĩa với việc có 2,5 cá thể tê giác bị giết mỗi ngày

Số lượng tê giác bị giết trên toàn cầu do nạn săn bắn trộm năm 2019 vẫn chưa được công bố, tuy nhiên theo số liệu do Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Thủy sản Nam Phi thì tính riêng tại quốc gia này năm 2019, có 594 cá thể tê giác bị giết, giảm 175 cá thể so với năm 2018 (769 cá thể).

Những con số đáng báo động về nạn săn bắn và buôn lậu tê giác - 2

Biểu đồ Biểu đồ số lượng tê giác bị giết tại Châu Phi từ năm 2008 - 2018 (Nguồn rhinos.org)

Tổng số lượng tê giác toàn cầu hiện nay chỉ còn chưa tới 28.000 cá thể

Theo số liệu thống kê được công bố bởi tổ chức Save the Rhino International tính đến hết năm 2019, tê giác trắng (loài phổ biến và có số lượng lớn nhất trong số năm loài tê giác trên thế giới, là một trong hai loài tê giác tại Châu Phi) chỉ còn lại khoảng 18.000 cá thể.

Tê giác đen, một loài tê giác nữa của Châu Phi có dấu hiệu tăng nhẹ với khoảng 5.630 cá thể so với 4.500 cá thể năm 2009. Tuy nhiên đây mới chỉ là con số rất nhỏ so với tổn thất nặng nề đối với tê giác đen.

Vào những năm 1970, quần thể tê giác đen có tới 65.000 cá thể nhưng đến năm 1993 chỉ còn lại 2.300. Và mặc dù đến nay đã có dấu hiệu tăng song tê giác đen vẫn được xếp trong danh sách cực kỳ nguy cấp.

Hiện chỉ còn lại chưa đến 80 cá thể tê giác Sumatra tại Indonesia, đây là loài động vật có vú lớn có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới và cũng vì thế chúng được xếp vào danh sách cực kỳ nguy cấp.

Trước đây, tê giác Sumatra được tìm thấy sinh sống tại một số quốc gia Châu Á tuy nhiên với cái chết của cá thể Sumatra cuối cùng ở Malaysia vào cuối năm 2019, hiện nay tê giác Sumatra chỉ còn lại ở Indonesia. Chính phủ Indonesia đã thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp để bảo vệ loài tê giác này kể từ năm 2017 bao gồm việc mở rộng môi trường sống tự nhiên cho tê giác, nghiên cứu khả nâng nhân giống bán tự nhiên.

Một loài tê giác khác của Indonesia là tê giác Java, đã tăng lên 74 cá thể so với 72 cá thể năm 2018. Kể từ cái chết của cá thể tê giác Java cuối cùng của Việt Nam năm 2011, tê giác Java hiện nay chỉ được thấy tại Vườn quốc gia Ujung Kulon, Indonesia, nơi chúng được bảo vệ nghiêm ngặt và chưa có một vụ săn trộm nào trong hơn 20 năm qua.

Tê giác một sừng hay còn gọi là tê giác Ấn Độ là loài tê giác cuối cùng trong số 5 loài tê giác trên thế giới, Ước tính hiện nay quần thể này có khoảng 3.600 cá thể, chúng sống chủ yếu ở miền bắc Ấn Độ và Nepal.

Như vậy, tổng số lượng tê giác toàn cầu hiện nay chỉ còn chưa tới 28.000 cá thể. Và nếu nạn săn bắn trộm không giảm, nếu chính phủ các quốc gia đặc biệt là Việt Nam không có giải pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn để giảm nhu cầu sử dụng tê giác thì với trung bình gần 800 cá thể tê giác bị giết mỗi năm (tính theo số liệu năm 2019) thì chỉ trong vòng 3 thập niên tới, loài tê giác sẽ tuyệt chủng.

Những con số đáng báo động về nạn săn bắn và buôn lậu tê giác - 3

Số lượng tê giác trên thế giới tính đến hết năm 2019. Nguồn rhino.org

Buôn bán trái phép động vật hoang dã sẽ bị án tù giam đến 15 năm và phạt tiền đến 15 tỉ đồng

Từ năm 1994, Việt Nam đã ký Công ước CITES và trở thành thành viên thứ 121 tham gia Công ước này. Nghị định số 82/2006/NĐ-CP cũng đã cụ thể hóa việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, nuôi sinh sản, nuôi cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm bao gồm các quy định về buôn bán quốc tế đối với các loài động vật, thực vật nguy cấp hoặc bị đe dọa được liệt kê trong Công ước CITES.

Việc bị kết tội theo luật này có thể dẫn đến mức phạt lên tới 500 triệu đồng (khoảng 29.000 USD), cải tạo không giam giữ tới 3 năm, và/hoặc từ 6 tháng đến 7 năm tù giam.

Bên cạnh đó, năm 2018 đánh dấu một khởi đầu mới trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã của chính phủ Việt Nam với việc sửa đổi bộ luật hình sự, theo đó áp dụng án tù giam đến 15 năm và phạt tiền đến 15 tỉ đồng cho các hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Hy vọng rằng các cơ quan quản lý, các tổ chức/quỹ trong và ngoài nước sẽ có cái nhìn toàn diện hơn và tích cực hơn trong công tác thực thi pháp luật, trong hoạt động tuyên truyền, các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức để bảo vệ buôn bán trái phép động vật hoang dã nói chung và tê giác nói riêng.