“Nhắc” Bộ GTVT huỷ quy định trái luật về đổi giấy phép lái xe

(Dân trí) - Theo nguồn tin riêng của PV Dân trí, Bộ Tư pháp vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để “nhắc nhở” về việc huỷ bỏ quy định bắt buộc đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân. Quy định này đã bị tuýt còi cách đây hơn 3 tháng nhưng đến giờ vẫn… y nguyên.


Dù bị Bộ Tư pháp tuýt còi hơn 3 tháng trước nhưng Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa chịu sửa đổi quy định trái luật về đổi giấy phép lái xe.

Dù bị Bộ Tư pháp tuýt còi hơn 3 tháng trước nhưng Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa chịu sửa đổi quy định trái luật về đổi giấy phép lái xe.

Thực hiện thẩm quyền được giao, Bộ Tư pháp đã kiểm tra Thông tư số 58/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và phát hiện có một số nội dung trái pháp luật.

Đến ngày 29/11/2016 Bộ Tư pháp đã có Kết luận số 79/KL-KTrVB đối với Thông tư 58/2015 do Bộ Giao thông vận tải ban hành.

Sau khi có kết luận, Bộ Tư pháp và các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ Giao thông vận tải đã tích cực phối hợp trong việc xem xét, xử lý nội dung trái pháp luật của Thông tư số 58/2015.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng có chỉ đạo, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Bộ Tư pháp, quyết định việc cấp chuyển đổi Giấy phép lái xe theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; bảo đảm phù hợp với thực tiễn trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế (Công văn số 92/VPCP-CN ngày 6/1/2017).

Tuy nhiên đến ngày hôm nay (23/3/2017), Bộ Tư pháp vẫn chưa nhận được kết quả xử lý đối với nội dung trái pháp luật, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân tại Thông tư 58/2015 do Bộ Giao thông vận tải ban hành.

“Để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản và kỷ luật, kỷ cương trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản, Bộ Tư pháp kiến nghị Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xem xét, xử lý nội dung chưa phù hợp với quy định pháp luật tại Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT đã nêu tại Kết luận số 79/KL-KTrVB. Đồng thời, rà soát kỹ lưỡng toàn bộ nội dung của Thông tư số 58/2015 đảm bảo thống nhất, phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Công ước Viên về giao thông đường bộ năm 1968”- Bộ Tư pháp nhấn mạnh trong văn bản gửi tới Bộ Giao thông vận tải.

Như Dân trí đã liên tục phản ánh, Kết luận số 79/KL-KTrVB của Bộ Tư pháp đã tuýt còi Điều 57 của Thông tư 58 quy định về lộ trình chuyển đổi giấy phép lái xe sang vật liệu PET đã từng gặp phải phản ứng trong dư luận suốt thời gian qua.

Điều 57 quy định giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET theo lộ trình như sau: Giấy phép lái xe ô tô và giấy phép lái xe hạng A4 trước ngày 31/12/2016; Giấy phép lái xe không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) phải trước ngày 31/12/2020. Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi này mà người có giấy phép lái xe bằng giấy bìa không chuyển đổi sẽ phải sát hạch lại lý thuyết để được cấp lại giấy phép lái xe.

Điều này đã gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng, dẫn đến tình trạng dân đổ dồn đi xin cấp đổi giấy phép lái xe thẻ PET ở nhiều địa phương.

Quy định trái luật của Bộ Giao thông vận tải đã khiến người dân đổ xô đi đổi giấy phép lái xe thẻ PET.
Quy định trái luật của Bộ Giao thông vận tải đã khiến người dân đổ xô đi đổi giấy phép lái xe thẻ PET.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) khẳng định quy định trên của Bộ Giao thông vận tải không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp.

Theo phân tích của Bộ Tư pháp, nội dung Điều 57 Thông tư số 58/2015 dẫn đến cách hiểu: Việc chuyển đổi giấy phép lái xe, kể cả trường hợp giấy phép lái xe không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng, từ giấy bìa sang vật liệu PET là bắt buộc; giấy phép lái xe không thời hạn hoặc còn thời hạn bằng vật liệu giấy bìa không chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET theo lộ trình quy định sẽ không còn giá trị sử dụng và người có giấy phép không chuyển đổi sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi, nếu muốn được cấp lại giấy phép lái xe sẽ phải sát hạch lại lý thuyết.

“Việc giấy phép lái xe không thời hạn hoặc đang còn thời hạn sử dụng bằng giấy bìa bị bắt buộc phải chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET là không có cơ sở pháp lý, làm phát sinh thủ tục hành chính, chi phí. Cụ thể, theo quy định của Bộ Tài chính, mức lệ phí cấp giấy phép lái xe cơ giới công nghệ mới (bao gồm cả cấp mới và cấp lại) là 135.000 đồng/lần. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”- Kết luận của Bộ Tư pháp nêu rõ.

Đối với quy định buộc sát hạch lại lý thuyết đối với những người không chịu đi đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET theo lộ trình, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng khẳng định “không bảo đảm tính hợp pháp và tính thống nhất”.

Đơn vị này dẫn chứng: Khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định điều kiện của người lái xe tham gia giao thông bao gồm: độ tuổi, sức khỏe và giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp. Trong thời gian có giá trị của giấy phép lái xe, quyền sở hữu, sử dụng giấy phép của người có giấy phép lái xe được pháp luật bảo đảm. Việc Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT quy định giấy phép lái xe không thời hạn hoặc đang còn thời hạn sử dụng bằng giấy bìa bắt buộc phải chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET là không có cơ sở pháp lý.

“Chính vì vậy, không có căn cứ để xác định hành vi không chuyển đổi giấy phép bằng vật liệu giấy bìa (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng) sang vật liệu PET là vi phạm, cũng như không bảo đảm tính hợp pháp nếu đặt ra các chế tài hay bắt buộc “phải sát hạch lại lý thuyết” để cấp lại giấy phép”.

Bên cạnh đó, quy định tại Điều 57 Thông tư 58/2015 cũng mâu thuẫn, không bảo đảm tính thống nhất với quy định tại chính thông tư này. Cụ thể, Điều 48 Thông tư số 58/2015 quy định việc cấp lại giấy phép lái xe được áp dụng đối với 2 trường hợp là giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng hoặc mất giấy phép lái xe; không có trường hợp cấp lại giấy phép lái xe do không thực hiện chuyển đổi theo lộ trình.

Từ cuối năm 2016, Bộ Tư pháp đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải tổ chức xem xét, xử lý bãi bỏ ngay nội dung quy định trái pháp luật tại Điều 57 Thông tư số 58/2015 và rà soát quá trình thực hiện quy định này để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật gây ra (nếu có). Đồng thời Bộ Giao thông vận tải cần xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu xây dựng, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật và thông báo kết quả xử lý văn bản cho Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo này.

Tuy nhiên sau hơn 3 tháng bị Bộ Tư pháp tuýt còi, đến nay Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa thực hiện các yêu cầu trên.

Thế Kha