1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người tiêu dùng Việt Nam chịu quá nhiều thiệt thòi

Đó chính là lý do khiến ông Hank Baker, đại diện Dự án Star Việt Nam, thẳng thắn thừa nhận: “Tôi không thích là người tiêu dùng Việt Nam!”.

Chia sẻ tại Hội thảo “Thực trạng thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng và định hướng xây dựng Luật Bảo vệ quyền người tiêu dùng” do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Hank Baker khẳng định, người tiêu dùng Việt Nam chưa được đảm bảo quyền lợi khi sử dụng các hàng hóa, dịch vụ. Đa số vẫn trông chờ vào “lòng tốt” của người bán hàng khi mua các sản phẩm trên thị trường.

 

“Khi gặp một sản phẩm không ưng ý, chúng ta vẫn hy vọng mình sẽ may mắn lấy lại được tiền. Trong khi đó, trên thị trường lại có quá nhiều người bán hàng không có tâm với hàng hóa mình bán ra. Hậu quả cuối cùng là người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi”, ông Baker nói.

 

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tại Việt Nam chưa được thực thi một cách hiệu quả. Theo bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng Ban Bảo vệ người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh), hiện chỉ có hai văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này là Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (năm 1999) và Nghị định 55/2008/NĐ- CP ngày 24/4/2008 quy định chi tiết thi hành pháp lệnh này.

 

Tuy nhiên, bà Nga cho biết, các quy định của pháp lệnh lại chưa phát huy được hiệu lực trên thực tế. Quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng đang được quy định rất chung chung. Các quy định mới chỉ được “gọi tên” mà chưa đi sâu phân tích bản chất cụ thế của các quyền và trách nhiệm đó. Ví dụ, điều 8 của Pháp lệnh ghi rằng, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe và môi trường khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ... “Quyền này được thể hiện như thế nào trên thực tế? Người tiêu dùng phải làm gì để được đảm bảo an toàn?”, bà Nga băn khoăn.

 

Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho rằng, những quy định về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vẫn còn mang tính chất “nghị quyết”, chưa thực sự đảm bảo cơ chế cho việc thực thi các quyền này.

 

Ngoài ra, còn tồn tại những bất cập trong quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Theo bà Nga, đang thiếu các chế tài để xử lý hành vi vi phạm của tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như cân, đong sai, thông tin về dịch vụ hàng hóa thiếu trung thực...

 

“Điều 16 của Pháp lệnh quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải giải quyết kịp thời mọi khiếu nại của người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ của mình khi chúng không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, giá cả đã công bố hoặc hợp đồng đã giao kết. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục ra sao, hậu quả pháp lý mà cá nhân tổ chức phải gánh chịu khi không thực hiện yêu cầu này như thế nào lại không được nói tới”, bà Nga phân tích.

 

Theo đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, những hạn chế trong các văn bản quy phạm pháp luật đã khiến cho người tiêu dùng Việt Nam chưa được bảo vệ tốt nhất về quyền lợi.

 

Ông Bạch Văn Mừng, Cục trường Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, cần xây dựng luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Xuất phát từ đòi hỏi trên, việc soạn thảo dự luật này đang được khởi động và sẽ được tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

 

Tuy nhiên, ông Hank Baker tỏ ý quan ngại rằng, nếu dự luật vẫn được thiết kế theo cách cũ là tập trung xử phạt hành vi vi phạm, thì hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng không cao. Theo ông Hank Baker, yêu cầu đặt ra lúc này đối với thực tế ở Việt Nam là cần có luật về hội để tăng cường vai trò của các hội trong công tác bảo vệ người tiêu dùng.

 

Theo Duy Đông
Báo Đầu Tư