1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

“Người tí hon” giàu nghị lực

(Dân trí) - Đã bước vào tuổi gần 60 nhưng thân hình ông Hoàng Văn Hóa (thôn Mỹ Lệ, xã Gio Mỹ, Gio Linh, Quảng Trị) chỉ như một đứa trẻ với chiều cao rất khiêm tốn: 90cm. Hình thể bé nhỏ nhưng ông đã làm được nhiều điều mà người bình thường cũng thấy khó khăn.

Năm 1952, một cậu bé được sinh ra khác hẳn với những đứa trẻ bình thường khác. Cơ thể tròn ngắn, phát triển rất chậm, đến tuổi trưởng thành vẫn chỉ cao vài chục cm.

 

Bằng giọng nói trầm buồn, ông Hóa cho biết: “Mẹ tôi sinh được 5 người con, tôi và đứa em trai kế tiếp là Hoàng Văn Tạo bị mắc căn bệnh cơ thể nhỏ bẩm sinh, còn 3 người em gái sinh sau đều phát triển bình thường. Đến tuổi trưởng thành, thanh niên trong làng không ai dám tìm hiểu để kết duyên trăm năm. Phận hai anh em trai bị khiếm khuyết đành chịu, nhưng các em gái tôi cũng phải rất vất vả mới có được tổ ấm riêng”.

 

Người dân nơi đây kể rằng, bề ngoài tuy “tí hon” nhưng bù lại ngay từ nhỏ, hai anh em ông Hóa đã tỏ ra rất thông minh. Hai anh em thương yêu đùm bọc, nương tựa vào nhau để sống. Khi còn theo học ở trường làng, cậu bé Hoàng Văn Hóa vẫn thường là người bày ra các trò chơi đố chữ, câu đố để vui chơi cùng các bạn.

 

Lên bậc THCS, cậu bé Hóa lại phải vượt hơn 20km từ Gio Mai (Gio Linh) vào tận Trường Bồ Đề thuộc thị xã Quảng Trị để học. Đây là ngôi trường có danh tiếng thời bấy giờ.

 

Năm 1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng, ông Hóa trở về sinh sống tại quê nhà. Vào thời điểm này, đa số người dân không biết chữ quốc ngữ, ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội và được cử làm phát thanh viên của xã.

 

Hằng ngày ông đi nhận báo, mang về chọn những bài có nhiều thông tin hay để phát trên đài phát thanh. Nhiều hôm ông lên huyện lấy báo, do chiều cao khiêm tốn, bước chân ngắn, đường sá lại khó khăn nên về tới nơi thì trời đã tối mịt. Nhưng mọi người vẫn tụ tập đông đủ tại trung tâm xã để nghe ông đọc tin tức.

 

Ông Hoàng Văn Hóa còn tham gia đứng lớp dạy học bổ túc văn hóa cho những người mù chữ tại địa phương. Do có nhiều người đi học nên lớp phải chia làm nhiều ca. Với chiều cao chưa đến 1m, trong khi bảng viết quá cao, ông phải kê bục lên gần bằng người để đứng.

 

Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, các em gái của ông đã yên bề gia thất, còn lại ông cùng người em trai đồng cảnh ngộ không tìm được hạnh phúc cho riêng mình, đã tìm đến công việc làm vui.

 

Hai anh em ông quyết khai hoang lập trang trại trồng rừng phát triển kinh tế. Nhiều người biết chuyện cứ bán tín bán nghi cho rằng không bao giờ “hai người lùn” lại có thể làm nổi những công việc nặng học ấy.

 

Nhưng với quyết tâm cao, ông Hóa và ông Tạo đã trồng được một vườn cây bạch đàn gần 5ha. Từ nguồn thu nhập này, hai anh em đã tích cóp đủ tiền xây nhà.

 

Cách đây một năm, ông Hoàng Văn Tạo bị bệnh qua đời, để lại một mình ông Hóa trong ngôi nhà nhỏ. Do tuổi cao sức yếu, ông Hóa giờ chỉ biết dựa vào nghề hàng mã và đan lát mây tre để có thu nhập sinh sống.

 

Hiện ông Hóa đang mắc căn bệnh gai đôi cột sống do làm việc quá sức, vì thế thu nhập của ông cũng không được thuận lợi, đều đặn. Thương người anh thiệt thòi, bà Hoàng Thị Khá, em ruột của ông Hóa, đã cố gắng sắp xếp mọi công việc để có điều kiện chăm sóc, giúp đỡ ông trong những tháng năm còn lại của cuộc đời.

 

Cuộc đời con người “tí hon” ấy có nhiều thiệt thòi, lỡ dở, nhưng điều đáng quý ở ông là một tinh thần lao động nghiêm túc, sự lạc quan sống, yêu đời và yêu người.

 

Hoài Lương - Thanh Tuấn