1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Làng bán máu ven sông Đáy

(Dân trí) - Làng chài ấy nằm ven bờ sông Đáy thuộc địa phận thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Ngôi làng nghèo, trẻ em không giấy khai sinh, không được đến trường. Người lớn kiếm tiền bằng nghề đánh bắt cá trên sông và… bán máu.

Gần 40 năm bán máu sinh nhai

 

Tạnh mưa, chị Sen chạy đôn chạy đáo đi vay tiền để mua vài lá cót về cho ông Ngọc, bố chồng chị, che lại mái thuyền đã mục nát từ lâu. Vừa che mái thuyền, ông Ngọc vừa kể về cuộc đời sông nước của mình và đặc biệt là kỷ niệm của những lần đi bán máu ở hàng chục bệnh viện để lấy tiền sinh nhai. Năm nay, ông Ngọc gần sáu mươi tuổi, dân chài ven sông Đáy thường gọi ông là “cây đại thụ trong nghề bán máu”.

 

Ông Nguyễn Văn Ngọc sinh ra ở Nam Định, lớn lên cưới vợ, cuộc sống của ông tưởng thế là đã yên ổn. Ai ngờ nghề rèn của quê hương không níu kéo được hạnh phúc gia đình. Người vợ trẻ ra đi tìm cuộc sống mới để lại cho ông bốn đứa con nhỏ dại. Cảnh “gà trống nuôi con” khiến cuộc sống của ông vô cùng khó khăn.

 

Ông bươn chải đủ nghề, buôn bán nhỏ, đạp xích lô, cửu vạn... để lấy tiền nuôi các con, nhưng cuộc sống vẫn không khá lên được. Không còn cách nào khác, ông đành đưa các con lên thuyền, sống đời sông nước lênh đênh. Đói vẫn hoàn đói.

 

Thương con, ông Ngọc nghĩ ra kế bán máu lấy tiền. Ban đầu chỉ định bán “tạm” một lần, giải quyết cái đói trước mắt. Ai ngờ, “nghề bán máu” gắn chặt với ông gần 40 năm nay. Ông còn khoe: “Nhờ có việc đi bán máu mà tôi tìm được mẹ mới cho các con tôi đấy”.

 

Không riêng gì ông Ngọc, rất nhiều gia đình khác ở cái làng chài này đều sống nhờ vào việc bán máu. Đám trẻ lớn lên, được dựng vợ gả chồng, lại sống trên thuyền và lại đi bán máu.

 

Mưu sinh trên chính cơ thể mình

 

 

Làng bán máu ven sông Đáy - 1
 

Ông Ngọc kể lại những kỷ niệm 

của gần 40 năm bán máu.

 

Vợ sau của ông Ngọc, bà Vọng, cũng thường đi bán máu từ trước khi gặp ông. Bà lấy cho tôi xem những tấm thẻ bán máu ở khá nhiều bệnh viện như bệnh viện Bạch Mai, viện Nhi Thụy Điển, bệnh viện 103, bệnh viện Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hoá…

 

Vợ chồng bà thuộc vanh vách những quy định về việc bán máu của ngành y tế và từng bệnh viện. Sau mỗi lần bán máu, trừ chi phí đi, ông bà cũng còn lại được 300.000 đồng. Có tháng ông bà đi bán tới 4 lần cho bốn bệnh viện khác nhau. Bà cho tôi xem tấm thẻ ghi ngày bán máu gần nhất là 6/6/2006.

 

Ông Nguyễn Văn Phú cũng từng được mệnh danh là “cây đại thụ nghề bán máu”. Nhưng giờ đây đã 90 tuổi, ông không còn đủ sức để làm công việc đó. Không người thân thích, ông đành lủi thủi ai cho gì ăn nấy. Ngày còn khoẻ mạnh, không ai có thể bán máu nhiều và nhanh như ông.

 

Còn rất nhiều gia đình khác ở làng chài này cùng đi bán máu. Như anh Thành chị Phương quê Hải Phòng, mẹ con bà Hoa goá chồng quê Thanh Hoá, vợ chồng ông Trung… Tất cả đều sống dựa vào việc bán những giọt máu trong cơ thể mình. Phần lớn trong số họ đều từ cùng đường mà phải lấy nghiệp bán máu làm kế sinh nhai.

 

Nhưng họ vẫn mong một ngày nào đó được lên bờ, dựng một ngôi nhà nhỏ, để bọn trẻ có giấy khai sinh, để giấc mơ đến trường của chúng thành sự thật, để cuộc đời bớt nhọc nhằn, để họ không còn phải đánh đổi từng giọt máu quý giá lấy tiền lấy gạo…

 

Huy Thủy