1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hai quyết sách của tân Bộ trưởng GD&ĐT:

Không kiên quyết sẽ “đánh trống bỏ dùi”!

(Dân trí) - "Nói không với tiêu cực trong thi cử" và "Tuyên chiến với bệnh thành tích trong giáo dục", hai quyết sách của Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân được đông đảo dư luận đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, nói và làm (NVL) như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề ra cần phải có "những việc cần làm ngay".

Vậy, những việc cần làm ngay trong ngành Giáo dục hiện nay là gì? KH&DT xin giới thiệu ý kiến của giới trí thức và bạn đọc xung quanh nội dung trên.

Không kiên quyết sẽ “đánh trống bỏ dùi”! - 1
  

GS Nguyễn Đình Hương - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên Nhi đồng của QH: Phát động phong trào phải có mục tiêu cụ thể!

Tôi rất hoan nghênh Bộ trưởng cũng như ngành GD&ĐT đã đưa ra việc chấn chỉnh và chấn hưng giáo dục. Tuy nhiên, khi phát động phong trào thì phải nói đến những mục tiêu, việc làm cụ thể. Theo tôi khi phát động phong trào này thì phải đặt cho nó một cái tên cho đúng, cho chuẩn mực, cho phù hợp.

Cái tên chống tiêu cực hay chống bệnh thành tích nghe chung chung, thiếu tự nhiên. Phải đặt tên cho phong trào này theo tiêu chí, chỉ tiêu, yêu cầu. Nên tìm ra cái gì nhức nhối nhất hiện nay trong ngành giáo dục và đặt cho nó một cái tên.

"Nói không" với tiêu cực đâu phải là vấn đề riêng trong ngành giáo dục mà là vấn đề của cả các nhà quản lý, lãnh đạo địa phương, lãnh đạo quản lý và các ngành khác trong xã hội.

Vấn đề tiêu cực trong giáo dục cần phải được mổ xẻ kỹ lưỡng. Biểu hiện nặng nề nhất là gian dối trong thi cử, từ lớp 1 cho đến  bậc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đều có gian dối. Một nền giáo dục trung thực và đất nước phát triển thành đạt thì khoa học mới phát triển.

Do đó, phải tìm hiểu nguyên nhân trong dạy và học không trung thực là gì? Điều này có ý nghĩa sâu xa hơn là việc phát động phong trào "nói không".

Không kiên quyết sẽ “đánh trống bỏ dùi”! - 2
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình: Cảnh giác với "bệnh" mới

Việc Bộ trưởng GD&ĐT đề ra chủ trương "Nói không với tiêu cực trong thi cử" và "Tuyên chiến với bệnh thành tích trong giáo dục", tôi cho rằng có chung bản chất, tuy 2 mà là 1, vì tôn thờ hình thức mới đẩy đến tiêu cực.

Đây là những bức xúc của xã hội đã lên đến đỉnh điểm mà vụ tố cáo tiêu cực của thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã thể hiện "giọt nước tràn ly". Không cứ Bộ trưởng mà bất cứ một nhà giáo dục nào khi đặt vào vị trí này đều không thể không làm.

Cần phải nhìn nhận một sự thật là trong những năm qua, chúng ta đã thổi phồng quá mức những thành tựu trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Công bằng, chúng ta cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định nhưng đã ngủ quên trong chiến thắng đó. Biết đó là "bệnh", nhưng cái nguy hại hiện nay là cả xã hội đều thừa nhận và chung sống với căn bệnh đó.

Tôi không hạ thấp những cố gắng của những nhà quản lý mới nhưng phải nói rằng, tuy đây là một hành động mang tính quy luật, đã đến lúc chúng ta phải làm điều đó dù sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Bây giờ, nghệ thuật của người quản lý là làm sao phải phát huy được sự đồng thuận trong toàn bộ đội ngũ, phải lựa chọn kịch bản, xây dựng lộ trình. Bởi để thực hiện có hiệu quả chủ trương của Bộ trưởng còn liên quan đến hàng loạt vấn đề như đổi mới đội ngũ giáo viên, quản lý, chính sách...

Tôi còn nhớ, nhiều năm trước, ngành Giáo dục đề ra đổi mới đội ngũ cán bộ giáo dục, loại những cán bộ không đạt chuẩn ra khỏi biên chế là vấn đề cấp bách nhưng đến bây giờ vẫn chưa làm được bao nhiêu. Vậy với đội ngũ cán bộ hiện nay được cho rằng là có nhiều hạn chế đã sẵn sàng thực hiện chủ trương của Bộ trưởng hay chưa?.

Và như vậy, nếu đội ngũ cộng sự của ông Bộ trưởng lại tính toán các chiêu thức trong thời gian nào đó để đưa ra những con số nói rằng chúng ta đã đạt được những bước tiến đáng kể trong quá trình thực hiện chủ trương của Bộ trưởng. Như vậy, tức là lại mắc thêm một bệnh hình thức mới chống lại bệnh hình thức cũ.

Không kiên quyết sẽ “đánh trống bỏ dùi”! - 3
  

 

GS.TS Phạm Xanh: Phải đồng bộ và có sự tham gia của toàn xã hội

"Tiêu cực trong thi cử" và "Bệnh thành tích trong giáo dục" thực chất đó là khuynh hướng chạy theo chủ nghĩa thành tích. Và có thể nói, không riêng ngành giáo dục mà các ngành khác đều mắc.

Tuy nhiên đối với giáo dục, hậu quả để lại đáng sợ hơn cả, bởi rồi đây sẽ đào tạo ra cả một thế hệ có tư tưởng như vậy. Đây đã được xem là căn bệnh, là một khối ung nhọt phải cắt bỏ dù phải chịu rất nhiều đau đớn.

Giáo dục là vấn đề nhạy cảm, đụng đến toàn xã hội, từng gia đình. Ai lại không mong muốn con cháu mình học giỏi, học tốt? Bây giờ, "nói không với tiêu cực trong thi cử" có nghĩa là phải chấp nhận chỉ có khoảng 40-50% học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học và kéo theo hàng loạt vấn đề xã hội khác.

Nhiều người sẽ đặt ra vấn đề khó khăn như vậy liệu có làm được không và phải làm như thế nào, mất bao lâu? Rõ ràng không dễ tìm ra câu trả lời ngay. Tôi có so sánh và nghe có vẻ hơi khập khiễng là, nếu nói ngành Giáo dục hiện nay đang gặp nhiều khó khăn nhưng so với những năm 1945 - 1946, chúng ta còn khó khăn gấp bội nhưng chúng ta đã vượt qua được để diệt giặc đói, giặc dốt.

Như vậy, tôi cho rằng chúng ta phải thực sự quyết tâm, phải chấp nhận đau đớn, nếu không lại rơi vào tình trạng "đánh trống bỏ dùi" như nhiều quyết sách khác đã đề ra trước đây.

Để chống lại chủ nghĩa thành tích, ngoài những chủ trương Bộ trưởng đề ra, cần phải xem xét cả những việc không đề ra như chỉ tiêu từng lớp, từng cấp học. Phải tiến hành đồng bộ và có sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, của toàn xã hội.

Mai Minh - Thái Sơn (thực hiện)