1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Không có chỗ cho công bộc vô cảm

Năm 2007, dư luận bức xúc trước hàng loạt các vụ việc nổi cộm trong đời sống xã hội. Một cháu bé 3 tuổi phải nhập viện vì cô bảo mẫu dán băng keo vào miệng, một chủ doanh nghiệp tình nguyện viết đơn xin... đi tù vì những bức xúc trong hoạt động kinh doanh.

Ngay giữa lòng Thủ đô, em Bình 13 năm trời bị chủ quán phở hành hạ với hàng chục vết bầm tím trên người. Các vụ việc trên đây đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở - những công bộc của dân.

 

Đạo đức của cán bộ công chức đang là vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm khắc hơn. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật gia Nguyễn Xuân Bình - Chánh Văn phòng, người phát ngôn chính thức của Bộ Nội Vụ - về vấn đề này.

 

Thưa ông, bên cạnh những công chức tận tụy, công tâm, hết lòng phục vụ nhân dân, đáng tiếc còn một số người "vô cảm" trước những vấn đề mà người dân bức xúc. Thái độ của cá nhân ông và của Bộ Nội Vụ về vấn đề này thế nào?

 

Một vấn đề cực kỳ hệ trọng của nền hành chính nhà nước, đó là mối quan hệ giữa Nhà nước (cơ quan công quyền), công chức nhà nước và công dân. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa khi Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do vậy, mọi thành viên trong hệ thống chính trị, trong bộ máy nhà nước phải thực sự là "công bộc" của dân. Bộ máy công quyền và đội ngũ công chức khi thực thi công vụ là sử dụng quyền lực mà nhân dân uỷ thác cho mình. Tôi muốn nhấn mạnh điều này để khẳng định rằng: Xét về bản chất không có chỗ cho những người vô cảm trong bộ máy nhà nước của chúng ta.

 

Vậy nhưng, điều đáng tiếc là bên cạnh những công chức hết lòng phục vụ nhân dân, vẫn còn khá nhiều người ăn lương do dân đóng thuế, nhưng lại vô cảm trước những vấn đề của người dân. Họ không nhận ra rằng, quyền lực mà họ có được xuất phát từ nhân dân và do nhân dân tạo nên. Chúng ta không chấp nhận sự vô cảm, thậm chí phải coi đó là tội ác, khi nó xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

 

Vậy từ thái độ đến việc làm, chúng ta đã làm gì và sẽ còn phải làm gì?

 

Chúng ta đã làm, đang làm và còn nhiều việc phải làm để đấu tranh nhằm giảm dần, tiến tới hạn chế đến mức tối đa "nạn" vô cảm trước dân. Công cuộc cải cách hành chính đang diễn ra ở các phương diện: Cải cách thể chế, cải cách bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức... điều đó đã thể hiện rõ những hành động cụ thể mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đang tiến hành, nhằm xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, một nền công vụ gần dân và phục vụ nhân dân. Đây chính là sự thể hiện quyết tâm chính trị và hành động cụ thể của chúng ta.

 

Vừa qua, dư luận xã hội rất bất bình trước những vụ việc xâm hại danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ của trẻ em và người làm công, bởi chính một số cô giáo, người sử dụng lao động ngay tại các thành phố lớn. Những vụ việc này mặc dù diễn ra trong thời gian dài, nhưng hầu như không gặp bất cứ một phản ứng nào từ phía chính quyền cơ sở. Đến khi bị phát hiện, công luận lại bức xúc vì việc xử lý chưa thực sự nghiêm khắc. "Văn hoá từ chức" dường như chưa được hình thành trong bộ máy công chức chúng ta? Ý kiến của ông về việc này?

 

Tôi phải nói ngay rằng, những vụ việc trên đây là không thể chấp nhận. Điều này là một sự thách thức lương tri, công luận và pháp luật. Những kẻ vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đối với việc xử lý, tôi cho rằng, vấn đề ở chỗ, không phải là xử lý nặng hay nhẹ mà là phải xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ sót những người có trách nhiệm.

 

Qua các vụ việc cụ thể này, điều phải nói đó là sự yếu kém của đội ngũ cán bộ và chính quyền cơ sở. Dường như, sự quan liêu, tắc trách rất gần với "bệnh" vô cảm trước dân. Điều này không thể biện minh được. Chúng ta cần làm rõ trách nhiệm quản lý của từng cấp chính quyền, từng cán bộ, công chức và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cơ sở.

 

Mặt khác, cần thật sự dựa vào dân, thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của chính quyền. Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn là cần phấn đấu nâng cao đạo đức công vụ và lương tâm nghề nghiệp, đặc biệt của những người đang nhận sự uỷ thác quyền lực của nhân dân để thực thi công vụ.

 

Do vậy, với những người này, khi vô cảm với dân, một mặt họ phải bị xử lý bởi các cơ quan có thẩm quyền, mặt khác họ cần cảm thấy sự thôi thúc lương tâm mà tự rời bỏ chức vụ, vị trí công tác của mình. Tất nhiên, ở đây cần có sự thống nhất giữa trách nhiệm pháp lý và bổn phận đạo đức của người cán bộ, công chức.

 

Bộ Nội Vụ đang được giao xây dựng dự luật Công vụ, ông có thể cho biết đôi điều về dự luật này?

 

Đúng là Bộ Nội Vụ đang được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo Luật Công vụ. Tuy nhiên, Luật này đang trong quá trình xây dựng, còn quá sớm để bình luận về nó. Nhưng với tư cách một luật gia, tôi có thể khẳng định, khi Luật Công vụ được ban hành chắc chắn sẽ có tác động sâu sắc và trực tiếp đến toàn bộ hoạt động công vụ và nền hành chính của chúng ta.

 

Một môi trường pháp lý - hành chính chuẩn mực, lành mạnh được hình thành và phát triển chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của nền công vụ, của cả bộ máy nhà nước và của cả đội ngũ cán bộ, công chức.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Chí Long

Gia đình & Xã hội