1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Kết luận nguyên nhân ngao chết hàng loạt tại Thanh Hóa

(Dân trí) - Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc đã có báo cáo kết quả quan trắc đột xuất ngao nuôi và kết luận về nguyên nhân ngao chết hàng loạt tại Hậu Lộc, Thanh Hóa.

Theo đó đoàn công tác đã khảo sát và thu 9 mẫu mẫu nước, 9 mẫu đất và 21 mẫu ngao tại vùng nuôi ngao xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc.

Kết luận nguyên nhân ngao chết hàng loạt tại Thanh Hóa - 1

Ngao chết hàng loạt tại một số địa phương của huyện Hậu Lộc.

Qúa trình khảo sát cho thấy, ngao bị chết gồm cả ngao giống và ngao thịt; các cơ sở nuôi ngao đã và đang tích cực dọn xác ngao chết, tuy nhiên do số lượng ngao chết nhiều nên vẫn còn nhiều xác ngao chết trong bãi ngao; khi bới cát những chỗ có ngao chết, cát có màu đen sẫm do xác ngao phân hủy.

Mật độ ngao nuôi ở những bãi ngao đã được các cơ sở nuôi thu dọn xác ngao 2 lần cho thấy: Ngao giống cỡ 1.000 - 2.000 con/kg là 2.500 - 3.575 con/m2, ngao thương phẩm cỡ 200 con/kg là 1.250 con/m2.

Riêng bãi ngao giống chưa dọn xác ngao có mật độ 5.250con/m2. Trong khi đó, mật độ thả giống phù hợp là 500 con/m2 với cỡ 400-500 con/kg hoặc 400-450con/m2 với cỡ 300-400con/kg và 250-300con/m2 với cỡ 300con/kg.

Qua trao đổi với cán bộ phụ trách vùng nuôi và một số hộ nuôi tại xã Hải Lộc cho thấy, những bãi ngao nuôi ở khu vực mép sông Hoằng Trường chết trước, sau đó đến các bãi ngao dọc theo lạch nước và những bãi cao có ngao chết sau. Trước khi ngao chết có xuất hiện váng nước màu đỏ.

Kết quả phân tích điều kiện thời tiết từ ngày 15/3 đến ngày 2/4 có sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm từ 6 - 11 độ C từ ngày 19 - 23/3, đặc biệt ngày 23/3 có sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn nhất 11 độ C, kết hợp với thời gian phơi bãi vào ban đêm và kéo dài 8h/ngày đã làm ngao nuôi bị sốc nhiệt, yếu và giảm sức đề kháng.

Kết quả đo và phân tích các chỉ tiêu nhiệt độ, pH, độ mặn, độ kiềm, N-NH4+, NH3, N-NO2-, P-PO43- và COD trong 9 mẫu nước thu tại vùng nuôi ngao xã Hải Lộc đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép. Không ghi nhận sự có mặt của các loài  tảo độc hại.

Mật độ thực vật phù du trong 9 mẫu thu được rất thấp, dao động từ 73 - 325 tb/l, thể hiện môi trường nghèo dinh dưỡng, không đủ thức ăn cho ngao phát triển, ngao sinh trưởng chậm, gầy yếu, giảm sức đề kháng.

Mặt khác, giải phẫu mẫu ngao thu được cho thấy có 21/21 ngao gầy, như vậy mật độ thực vật phù du thấp là một trong những nguyên nhân chính gây ngao gầy, giảm sức đề kháng khi gặp môi trường bất lợi...

Kết quả phân tích tác nhân gây bệnh do vi khuẩn trên 21 mẫu ngao đã xác định được 3 loài vi khuẩn không phải là tác nhân gây bệnh ở ngao mà chỉ là tác nhân cơ hội khi ngao yếu, giảm sức đề kháng.

Kết luận nguyên nhân ngao chết hàng loạt tại Thanh Hóa - 2

Cần tiếp tục thu gom xác ngao và chôn lấp theo quy định một cách triệt để; cải tạo bãi nuôi ngao theo đúng quy trình và thả nuôi mật độ phù hợp.

Theo kết luận của Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc, các yếu tố nhiệt độ, pH, độ mặn, độ kiềm, N-NH4+, NH3, N-NO2-, P-PO43-, H2S, COD, tảo độc hại, Vibrio tổng số, Zn, Pb, Cr, Cd, Hg và Ni trong nước; các thông số pH, tổng Cacbon hữu hiệu, tổng Nitơ hữu hiệu và tổng Photpho hữu hiệu trong trầm tích; vi rút Herpes, ký sinh trùng Perkinsus và vi khuẩn không phải là nguyên nhân gây chết ngao.

Mật độ nuôi dày dẫn đến cạnh tranh thức ăn và nơi trú ẩn, điều kiện môi trường biến động đột ngột (xuất hiện váng đỏ), nhiệt độ chênh lệch ngày đêm cao (6-11 độ C) là nguyên nhân chính.

Các nguyên nhân khác như: Thời gian phơi bãi về đêm lúc nhiệt độ giảm thấp, môi trường nghèo dinh dưỡng, ngao gầy, giảm sức đề kháng là nguyên nhân gây ngao chết.

Theo khuyến cáo, ngao đạt kích cỡ thương phẩm nên thu hoạch để làm giảm mật độ và tránh thất thu do bị chết tiếp; san thưa mật độ để giảm sự cạnh tranh thức ăn và không gian sống; không nên thả giống mới ở thời điểm hiện tại do bãi ngao vẫn còn ngao bị chết chưa thu gom hết, khu vực nuôi còn bị ô nhiễm.

Đồng thời, ngao chết đã ảnh hưởng đến môi trường nước, làm tăng hàm lượng H2S. Cần tiếp tục thu gom xác ngao và chôn lấp theo quy định một cách triệt để; cải tạo bãi nuôi ngao theo đúng quy trình và thả nuôi mật độ phù hợp.

Duy Tuyên

.