1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Hơn 7 năm sống chung với nguồn nước bị ô nhiễm

(Dân trí) - Hơn 7 năm qua, gần 100 hộ dân ở một số thôn của các xã Quảng Lưu, Quảng Hải, Quảng Thái, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá) phải đi hàng km chở nước về sinh hoạt vì nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nặng do nước thải từ các hồ nuôi tôm trên cát.

Hàng ngày, những hộ dân ở thôn 1 xã Quảng Lưu phải dùng xe đạp mang theo can, thùng đi hàng km để thồ nước sạch về sinh hoạt. Trong khi đó những chiếc giếng khoan phải bỏ phí vì nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề từ các hồ nuôi tôm trên cát.

Hơn 7 năm sống chung với nguồn nước bị ô nhiễm  - 1
Người dân đang trình bày những bức xúc của mình

Chị Trịnh Thị Sành, thôn 1 xã Quảng Lưu cho biết: “Trước đây người dân chúng tôi không phải đi xa chở nước vất vả như bây giờ, đã mấy năm nay nguồn nước bị ô nhiễm nặng không thể sử dụng được. Hàng ngày trong gia đình tôi phải phân công một người chuyên đi chở nước nhưng cũng chỉ đủ để ăn uống, còn tắm rửa thì vẫn phải dùng nguồn nước bị ô nhiễm”. 

Vì hàng ngày phải tắm rửa bằng nguồn nước bị ô nhiễm nên nhiều người trong thôn, nhất là trẻ con có hiện tượng bị ngứa, nổi mẩn, có người còn bị mọc u lạ sau gáy. Nhiều người dân đi khám tại các cơ sở y tế nhưng các bác sỹ không chuẩn đoán được bệnh gì nên hiện tại người dân rất hoang mang. 

Không riêng gì người dân thôn 1 xã Quảng Lưu mà hàng chục hộ dân khác ở thôn 1 xã Quảng Thái và thôn 8 Quảng Hải cũng phải sống chung với nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng nề. 

Nguồn nước bị ô nhiễm còn khiến cho hàng chục ha đất sản xuất của bà con xung quanh khu vực nuôi tôm bị ảnh hưởng. Nhiều diện tích lúa và hoa màu sau khi gieo cấy đã bị chết do nguồn nước bi nhiễm mặn.  

Để khắc phục tình trạng trên, năm 2004, UBND xã Quảng Lưu phối hợp với các đơn vị và doanh nghiệp có dự án nuôi tôm tiến hành khoan thăm dò xuống độ sâu 50 m nhưng nguồn nước ngầm ở đây vẫn bị nhiễm mặn nặng. 

Đến năm 2006, tiến hành xây dựng đường ống dẫn nước sạch từ khu vực cách xa nơi nguồn nước bị ô nhiễm về cho người dân, tổng kinh phí đầu tư cho công trình này lên đến hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng được hơn 1 tháng thì xuất hiện một số bất cập và ngừng hoạt động. Cho đến nay thì người dân vẫn phải đi xa hơn 1km để lấy nước về sinh hoạt. 

Thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nên người dân nơi đây đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương nhưng chưa được trả lời.  

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Công Sinh, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu cho biết: Đầu năm 2002, thực hiện chủ trương của cấp trên, xã đã chuyển giao 22 ha đất bãi biển sang cho các đơn vị, doanh nghiệp như: trại giam Thanh Lâm (thuộc cục V26 Bộ Công an), Công ty Trang Sơn, Công ty Tuấn Hiền (hiện đã ngừng sản xuất nhưng vẫn không chịu trả lại đất cho địa phương) để thực hiện dự án nuôi tôm trên cát. Tuy nhiên, do quy trình thiết kế kỹ thuật các hồ nuôi không đảm bảo quy định nên nước mặn từ các hồ nuôi tôm ngấm vào nguồn nước ngầm gây ra sự nhiễm mặn đến các khu vực xung quanh. 

Hơn 7 năm sống chung với nguồn nước bị ô nhiễm  - 2
Hệ thống dẫn nước có cũng như không

Ông Sinh còn cho biết thêm, xã cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, nhưng để khắc phục được vấn đề này thì cần một nguồn kinh phí lên đến hàng tỷ đồng, mà ngân sách địa phương có hạn, nên hiện tại chưa có cách giải quyết.

Trần Lê