1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội thông qua mức học phí và khoản thu trong lĩnh vực giáo dục

Hà Mỹ

(Dân trí) - Mức thu học phí tại các trường công lập ở Hà Nội trong năm học 2023-2024 bằng với năm học 2021-2022. Đồng thời, thành phố thông qua mức thu các khoản dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục.

Tại kỳ họp chuyên đề HĐND TP Hà Nội ngày 29/3, các đại biểu đã thống nhất thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn từ năm học 2023-2024, thay thế Nghị quyết số 03 ban hành tháng 7/2023. 

Theo đó, mức thu học phí đối với hình thức học trực tiếp từ năm học 2023-2024 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022.

Hà Nội thông qua mức học phí và khoản thu trong lĩnh vực giáo dục - 1

Các đại biểu HĐND TP Hà Nội bấm nút thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn từ năm học 2023-2024 (Ảnh: Thanh Hải).

Với nhà trẻ, mẫu giáo, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp THPT, học sinh theo học ở địa bàn thành thị sẽ đóng học phí 217.000 đồng/tháng, nông thôn 75.000 đồng/tháng và các xã miền núi 24.000 đồng/tháng. 

Ở cấp học mầm non 5 tuổi, tiểu học, THCS, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp THCS, mức học phí theo tháng ở thành thị là 155.000 đồng, nông thôn 75.000 đồng và các xã miền núi 19.000 đồng. 

Mức thu học phí với hình thức học online bằng 75% hình thức học trực tiếp nêu trên. 

Báo cáo thẩm tra nội dung trên, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình cho biết Ban thống nhất với mức thu học phí trên.

Ước tính, tổng số thu học phí giảm khoảng 1,279 tỷ đồng so với tổng thu so với học phí quy định ở Nghị quyết cũ. Ngân sách sẽ bù vào số tiền trên để đảm bảo kinh phí hoạt động cho các cơ sở giáo dục khi thực hiện điều chỉnh mức thu học phí.

Hà Nội thông qua mức học phí và khoản thu trong lĩnh vực giáo dục - 2

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh trình bày tờ trình về điều chỉnh tổng biên chế sự nghiệp TP Hà Nội (Ảnh: Thanh Hải).

Cùng lĩnh vực giáo dục, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết Quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập (không bao gồm các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao). 

Mức thu các khoản dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP Hà Nội (tính trên mỗi học sinh)

Danh mục dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục  Mức trần
 Tiền ăn của học sinh

Bữa sáng: 20.000 đồng/ngày

Bữa trưa: 35.000 đồng/ngày 

 Chăm sóc bán trú 235.000 đồng/tháng
 Trang thiết bị phục vụ bán trú

 Mầm non: 200.000 đồng/năm học

Tiểu học, THCS: 133.000 đồng/năm học

 Dịch vụ học 2 buổi/ngày, với cấp THCS 235.000 đồng/tháng
 Nước uống cho học sinh 16/000 đồng/tháng
 Chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ (trước và sau giờ học chính khóa) 12.000 đồng/giờ
 Chăm sóc nuôi dưỡng ngoài giờ trong ngày nghỉ 96.000 đồng/ngày
 Hoạt động giáo dục kỹ năng sống 15.000 đồng/giờ
 Hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, bồi dưỡng bổ sung kiến thức các môn văn hóa 15.000 đồng/giờ
Dịch vụ đưa đón trẻ, học sinh10.000 đồng/km
Tiền ở của học sinh nội trú, không bao gồm Trường Phổ thông dân tộc Nội trú400.000 đồng/tháng

Cũng tại kỳ họp, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh tổng biên chế sự nghiệp thành phố năm 2024 và giao bổ sung biên chế viên chức giáo dục từ năm học 2023-2024.

Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết căn cứ quy hoạch mạng lưới trường học, thành phố có 33 trường mầm non, phổ thông công lập được thành lập mới và đưa vào hoạt động tại các quận, huyện, thị xã. Tổng quy mô bổ sung 554 lớp học và 19.350 học sinh.

Do đó, Hà Nội cần số biên chế sự nghiệp giáo dục theo định mức do Bộ GD&ĐT quy định là 114.367 người. Hiện, thực tế thành phố thiếu 16.004 người.

Vì vậy trong năm học 2023-2024, Hà Nội đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục. Đến ngày 6/12/2023, Ban Tổ chức Trung ương đã có Quyết định bổ sung 2.648 biên chế viên chức giáo dục cho thành phố. 

Tại Nghị quyết HĐND TP vừa thông qua, trong số 2.648 biên chế viên chức giáo dục được giao thêm có 447 biên chế viên chức cho các trường THPT; 1.033 biên chế THCS; 977 biên chế trường tiểu học và 191 biên chế viên chức các trường mầm non.