1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Giao địa phương thí điểm đóng tàu vỏ thép cho ngư dân

(Dân trí) – Chiều 13/6, tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị bàn về dự thảo nghị định một số chính sách phát triển thủy sản.

Theo dự thảo nghị định về chính sách hỗ trợ ngư dân, đối tượng được vay vốn với lãi suất ưu đãi trong chương trình là những tổ chức, cá nhân đóng mới, gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới cho tàu có tổng công suất máy chính từ 380CV trở lên để khai thác hải sản xa bờ và cung cấp dịch vụ hậu cầu khai thác hải sản xa bờ.

Đối với tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ, trường hợp tàu vỏ thép đóng mới, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 5%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân hàng Nhà nước cấp bù cho ngân hàng thương mại 4%. Trường hợp tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay tối đa 85% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 5%/năm (trong đó chủ tàu trả 2%/năm).

Đối với tàu khai thác hải sản xa bờ, trường hợp tàu vỏ thép đóng mới, chủ tàu được vay tối đa 90% vốn đầu tư, lãi suất trả 2%, ngân sách cấp bù cho ngân hàng thương mại 3%. Riêng tàu trên 800CV trở lên, chủ tàu được vay tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 5%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm.

Trường hợp tàu gỗ có gia cố bọc vỏ thép, chủ tàu được vay tối đa 85%, lãi suất 2%/năm. Riêng tàu gỗ đóng mới, chủ tàu được vay tối đa 70%.

Thời hạn cho vay được ấn định là 11 năm, ân hạn 1 năm. Ngư dân có thể thế chấp bằng chính con tàu của mình để vay tiền.

Dự thảo nghị định cũng đề xuất cơ chế xử lý rủi ro, trường hợp thiệt hại khiến tàu không thể sử dụng, ngân hàng xử lý nợ theo hợp đồng bảo hiểm, khoản dự phòng trích lập trong chi phí để bù đắp, phát mại tài sản đảm bảo. Nếu giải pháp này vẫn chưa thể thu hồi đủ nợ gốc, ngân hàng trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý.

Ngoài ra, chủ tàu cá, tàu hậu cần có thể vay vốn lưu động tối đa 70% phí tổn chuyến biển hoặc giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần, với lãi suất 7%/năm.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại hội nghị
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại hội nghị

Đối với chính sách bảo hiểm, tàu cá ngư dân trên 90CV sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên; hỗ trợ 70-90% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và ngư lưới cụ; 100% chi phí đào tạo hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép; hỗ trợ kinh phí vận chuyển; 2% giá trị hàng hóa mà tàu dịch vụ hậu cần vận chuyển ra cho các tàu khai thác hải sản xa bờ.

Theo ông Phạm Trường Thọ, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, dự thảo đã tháo gỡ được những khó khăn, trăn trở của ngư dân và địa phương. Tuy nhiên, ông Thọ cũng đưa ra một số đề xuất mở rộng nhóm được hưởng chính sách tín dụng là các chủ tàu vỏ gỗ đã có, muốn nâng công suất lên. Về tài sản thế chấp, đối với những người đã có tàu vỏ gỗ và đã thế chấp ở ngân hàng, ông Thọ băn khoăn, giờ muốn đóng tàu vỏ thép, chủ tàu đó phải thế chấp như thế nào.

Ngoài ra, ông Thọ cũng đề nghị bổ sung thêm đối tượng là tổ chức, cá nhân khi sửa chữa tàu được vay vốn lưu động. Ông Thọ cũng đề xuất thêm đối tượng đóng tàu dịch vụ hậu cần được vay là doanh nghiệp vì hiện ở Lý Sơn có doanh nghiệp đóng tàu dịch vụ hậu cần.

Đại diện UBND tỉnh Bình Định, Phó Chủ tịch Trần Thị Thu Hà đề xuất, khi ngư dân vay đóng tàu, họ sẽ là người được quyết định sẽ đóng tàu ở đâu và đóng như thế nào. Về chính sách đầu tư, bà Hà cho rằng Chính phủ cần có một chương trình đầu tư rõ ràng, phải đầu tư vào những người có kinh nghiệm, làm ăn được chứ không đầu tư tràn lan.

Nói về chính sách tín dụng cho trường hợp tàu gỗ gia cố bọc vỏ thép, bà Hà băn khoăn về khái niệm tàu gỗ gia cố bọc vỏ thép. Bà Hà cho rằng cần thay từ "gia cố bọc vỏ thép" bằng từ "cải hoán, nâng cấp tàu". Bà Hà cũng cho rằng, để đóng tàu vỏ thép có hiệu quả thì cần phải có quy hoạch, chương trình cụ thể.

Đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi - Phó Chủ tịch Phạm Trường Thọ đề xuất ý kiến tại hội nghị
Đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi - Phó Chủ tịch Phạm Trường Thọ đề xuất ý kiến tại hội nghị

Đồng quan điểm với bà Trần Thị Thu Hà về chính sách đầu tư, ông Nguyễn Đình Xứng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, cần phải lựa chọn đối tượng để đầu tư. Đó là những đối tượng có kinh nghiệm, có năng lực. Đối với việc đóng tàu vỏ thép, ông Xứng đề nghị bổ sung thêm việc hỗ trợ cho việc bảo trì vì khi đóng tàu vỏ thép hàng năm đều phải bảo trì. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần thiết kể mẫu tàu cho ngư dân nhưng Nhà nước không can thiệp vào việc đóng tàu ở đâu và giá như thế nào.

Đại diện cho Hội nghề cá Việt Nam, ông Lê Ngọc Phước – phó chủ tịch Hội cho biết, cần xác định nghề gì thì đóng tàu gì cho phù hợp. Vì vậy cần coi trọng công tác nghiên cứu, đối với nghề này đóng tàu vỏ thép thì phù hợp nhưng nghề kia lại không phù hợp.

Ông Phước cho rằng khâu thiết kế là hết sức quan trọng. Khi có mẫu tàu đưa cho ngư dân sử dụng xem có phù hợp không rồi mới đóng hàng loạt.

Đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi - Phó Chủ tịch Phạm Trường Thọ đề xuất ý kiến tại hội nghị
Theo bà Trần Thị Thu Hà -  Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định, ngư dân là người quyết định đóng tàu như thế nào

Đại diện cho ngư dân tỉnh Bình Định, ngư dân Bùi Thanh Ninh cho rằng, các ngư dân chưa biết tàu vỏ thép như thế nào, vì thế, khi đóng tàu phải đạt chất lượng và ngư dân là người quyết định việc đóng tàu như thế nào.

Trong khi đó, ngư dân Phạm Tày (Quảng Ngãi) lại cho rằng khi ngư dân cùng đóng tàu vỏ thép, cả nước sẽ có một đội tàu hùng hậu, lớn mạnh. Ông Tày lo lắng việc hiện tại, Quảng Ngãi có 4 lạch nhưng chỉ 1 lạch hoạt động được. Khi đội tàu vỏ thép được đóng mới, ông Tày băn khoăn, những con tàu này sẽ đi về đâu.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, mục đích của chính sách này là hỗ trợ ngư dân bám biển, đánh bắt xa bờ đảm bảo cuộc sống đồng thời cũng bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đối với sản xuất, nhà nước khuyến khích đánh bắt xa bờ. Mà muốn đánh bắt xa bờ thì phải có tàu lớn.

“Về câu hỏi phạm vi của chính sách này đến đâu, lúc đầu, chúng tôi định đưa vào nhiều chính sách nhưng sau khi rà soát lại thì nó đã có ở những chính sách khác rồi”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý với một số đề xuất của các đại biểu để bàn bạc, xem xét lại nhưng nhiều vấn đề khác cần giữ như trong dự thảo.

“Việc đóng tàu vỏ thép, giao cho địa phương trong năm nay và sang năm nữa lựa chọn làm thí điểm. Nếu bây giờ chúng ta làm thí điểm rồi mới rút ra chính sách thì sẽ lâu lắm. Nhà nước giao cho tỉnh trước mắt làm thí điểm, nếu hiệu quả sẽ lựa chọn quyết định nhân rộng ra” - Phó Thủ tướng kết luận.

Khánh Hồng