1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  3. TPHCM vào mùa mưa

Nỗi kinh hoàng dưới chân núi Hồng Lam (kỳ cuối)

Đường đến bình yên quá xa!

(Dân trí) - Nhiều lãnh đạo địa phương đã lên tiếng sau khi <i>Dân trí</i> phản ánh thực trạng khai thác đá kinh hoàng ở dưới chân núi Hồng Lam. Tuy nhiên, giải pháp cao nhất mà các vị lãnh đạo xã đưa ra là… trông chờ cấp trên.

“Chỉ biết… chờ cấp trên”

 

Đường đến bình yên quá xa! - 1
Ông Nguyễn Quang Thịnh: "Thông thường đến tháng an toàn lao động họ mới về kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp...".  
Nghe nhắc đến chuyện người dân phải đối mặt với bao hiểm nguy, sống một cuộc sống bất ổn vì bụi đá, mìn nổ, ông Nguyễn Quang Thịnh - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Xuân Lĩnh (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) buồn bã kể thêm nhiều trường hợp bị tử vong, mù loà, bệnh tật, trong đó có người con rể của ông phải cưa mất một chân, vì đá.

 

Nhưng điều làm ông lo lắng nhất là cuộc sống khốn khổ đủ đường của rất nhiều hộ dân cạnh kề mỏ đá. Ông cho biết, không chỉ người dân xóm 6 mà xấp xỉ trăm hộ dân ở xóm 4 của Xuân Lĩnh cũng đang phải chịu đựng quá nhiều hiểm nguy do các mỏ đá gây nên.

 

“Cứ đến giờ nổ mìn là y như rằng người dân phải đối mặt với đủ nỗi khiếp sợ, từ tiếng mìn, bụi đá đến nỗi lo về sự an toàn cho tính mạng” - ông Thịnh nói.

 

Cùng chung nỗi niềm với ông Thịnh là ông Nguyễn Văn Ất - Phó Chủ tịch UBND xã Đậu Liêu. Ông Ất không bất ngờ khi xem những tấm ảnh ghi lại cảnh người dân “giáp lá cà” với mìn nổ mà chúng tôi cung cấp.

 

Ông Ất cũng khẳng định, cảnh này bắt đầu có từ khi UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý cho thị xã Hồng Lĩnh di dời các mỏ đá từ phía tây (giáp quốc lộ 1A) sang phía đông (vị trí những mỏ đá hiện tại).

 

“Chủ trương di dời là đúng, nhưng có điều từ khi được quy hoạch trên địa bàn chúng tôi, một số mỏ đá hoạt động không như cam kết, một số được quy hoạch quá gần nhà dân khiến người dân luôn sống trong cảnh tai hoạ rình rập”, ông Ất nói.

 

Ngoài ra, ông Thịnh và ông Ất cũng nói đến sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng như Sở LĐ-TB&XH, Sở Công thương, Sở TN-MT, lực lượng an ninh địa phương, khi để cho việc khai thác đá ở Hồng Lĩnh tự do hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm.

 

“Thông thường chỉ đến tháng an toàn lao động họ (các đoàn thanh tra- PV) mới về kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp, còn lại gần như vắng bóng, mặc cho doanh nghiệp, cơ sở khai thác đá gây ra nhiều sai phạm”, ông Thịnh bức xúc.

 

Một trong những sai phạm của các doanh nghiệp khai thác đá mà những vị cán bộ xã này chỉ ra là thường xuyên tăng số lượng mìn cao hơn mức cho phép. Đó cũng là nguyên nhân khiến người dân luôn sống trong cảnh phải bỏ ăn, chạy bữa vì mìn nổ sát vách nhà. 

 

Khi được hỏi giải pháp, hai ông cũng chỉ biết lắc đầu vì có quá nhiều khó khăn, nan giải. Cả ông Thịnh và ông Ất đều cho biết, chính quyền xã không thể ngăn cản các mỏ đá hoạt động vì không đủ thẩm quyền. Còn di dời dân ra xa các mỏ đá thì lại không đủ kinh phí. Doanh nghiệp khai thác đá cũng không mặn mà với việc đền bù, hỗ trợ cho dân. “Tất cả chúng tôi chỉ chờ mong ở cấp trên”, ông Ất khẳng định. 

 

“Sẽ xử lý, nhưng chưa làm được ngay!”

 

Trả lời Dân trí, ông Đinh Quốc Thị - Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh - cho rằng, vấn đề báo phản ánh là một thực trạng khiến lãnh đạo thị xã đau đầu, rõ ràng cần phải được xử lý để giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài.

 

Ông Thị đưa ra hai giải pháp “dài hơi” gồm quy hoạch lại khu khai thác đá và đổi mới công nghệ khai thác, vừa để đảm bảo an toàn cho người dân và công nhân, đồng thời giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, chính ông Thị cũng thừa nhận không phải ngày một ngày hai những giải pháp trên sẽ làm được ngay.
 
Đường đến bình yên quá xa! - 2
Với những gì cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh trả lời, xem ra đường đến với cuộc sống bình yên còn quá mịt mù (Ảnh: Văn Dũng)

 

Việc quy hoạch lại khu khai thác sẽ không đơn giản, bởi hầu hết các mỏ đá đã được cấp tỉnh phê duyệt từ trước. Việc giải bài toán lao động, ổn định cuộc sống cho người dân tại vùng quy hoạch cũng vấp phải không ít trở ngại.

 

Còn việc thay đổi công nghệ khai thác thì cũng gặp khó khăn vì, theo ông Thị, đại bộ phận cơ sở, doanh nghiệp đều yếu, nhất là những HTX nhỏ, trong khi chi phí tiêu tốn cho công nghệ không phải là ít. 

 

Lãnh đạo thị xã này cũng cho hay, chỉ còn biết trông chờ vào các ban ngành cấp tỉnh.

 

Nhưng hy vọng ấy của chính quyền thị xã Hồng Lĩnh khó đạt kết quả bởi lâu nay các khu khai thác đá ở Hồng Lĩnh gần như vắng bóng thanh tra các Sở TN-MT, Sở Công thương, Sở LĐ-TB&XH - những cơ quan được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao giám sát, kiểm tra các hoạt động tại khu khai thác đá nói trên.

 

Vậy là, con đường thoát khỏi cuộc sống bất ổn của hàng trăm hộ dân ở hai xã Đậu Liêu và Xuân Lĩnh còn rất xa.

 

Văn Dũng - Minh San