DNews

Đau đáu khi hạ cây xanh ở TPHCM để xây dựng hạ tầng

An Huy

(Dân trí) - "Nhìn những cây xanh "hy sinh" nhường chỗ cho dự án, chúng tôi rất đau xót và trân trọng. Trường hợp đốn cây là do không còn cách nào khác khi thi công những dự án mới", ông Lương Minh Phúc nói.

Đau đáu khi hạ cây xanh ở TPHCM để xây dựng hạ tầng

Trước tình hình cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông tại TPHCM, các ngành chức năng đã triển khai đồng loạt 4 dự án giao thông. Gần 2.500 cây xanh bị đốn hạ, bứng dưỡng để nhường mặt bằng làm dự án.

Trân trọng từng cây xanh bị đốn

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông), cho biết, trường hợp buộc phải can thiệp cây xanh để lấy mặt bằng thi công, Ban Giao thông có một số nguyên tắc. Thứ nhất, Ban Giao thông sẽ cùng đơn vị tư vấn lưu ý hơn yếu tố cây xanh trong quá trình lập dự án, thẩm định, phê duyệt. Trước đây, một số dự án không quan tâm đến cây xanh nhiều.

Thứ 2, trường hợp cần mặt bằng để triển khai dự án giao thông, đơn vị sẽ yêu cầu xem xét rất kỹ. Cụ thể, nếu bảo vệ được và tránh làm tổn hại, đơn vị sẽ hạn chế tối thiểu việc di dời, đốn cây.

"Những trường hợp như vậy, tôi sẽ yêu cầu anh em lắng nghe thật kỹ ý kiến từ tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, để làm sao khi không còn cách nào khác, mới phải can thiệp cây xanh. Khi can thiệp, chúng tôi sẽ rà soát những giải pháp, nếu bứng dưỡng đưa về được vườn ươm trồng hiệu quả, sẽ ưu tiên phương án đó hơn là đốn hạ", ông Phúc nói.

Đau đáu khi hạ cây xanh ở TPHCM để xây dựng hạ tầng - 1

Các công nhân đang bứng dưỡng một cây xanh trên đại lộ Mai Chí Thọ để làm nút giao thông An Phú (Ảnh: An Huy).

Lãnh đạo Ban Giao thông cho biết, dự án xây dựng nút giao thông An Phú trên đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) vừa qua, đơn vị cũng theo sát quá trình bứng dưỡng hơn 1.000 cây xanh đưa về vườn ươm, cố gắng chăm sóc cho cây sống được, trồng lại ở những vị trí khác.

Giải pháp cuối cùng khi phải đốn cây hoặc xử lý một số cây tạp, đơn vị có quy trình quản lý theo dạng tài sản công. Cụ thể, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM sẽ tập hợp gỗ lại để bán đấu giá nộp vào ngân sách Nhà nước hoặc sử dụng nguồn gỗ làm những băng ghế trong công viên…

Ban Giao thông cũng có một giải pháp mới là căn cứ vào số lượng cây buộc phải di dời tại các công trình, đơn vị sẽ cố gắng cho trồng bù lại trên vỉa hè, khu vực đó để làm sao số lượng phải bằng hoặc hơn cây bị di dời. 

Ví dụ, hàng cây cổ thụ trên đường Hoàng Hoa Thám bị đốn hạ, đơn vị sẽ trồng lại khi hoàn thành mở rộng đường, số lượng phải lớn hơn hoặc bằng.

"Việc nhiều cây xanh bị ảnh hưởng, phải đốn hạ hoặc di dời ở một số dự án, quan điểm của Ban Giao thông và đơn vị tư vấn, nhà thầu xác định là rất trân trọng, trân quý những cây này", ông Phúc chia sẻ.

Đau đáu khi hạ cây xanh ở TPHCM để xây dựng hạ tầng - 2

Dãy cây xanh trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình) dự kiến được đốn hạ để làm tuyến metro đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương (Ảnh: An Huy).

Ban Giao thông đang báo cáo UBND TPHCM chủ động kế hoạch trồng cây xem là văn hóa, truyền thống. Vừa qua, đơn vị đã làm việc với lãnh đạo TP Thủ Đức và một số quận, huyện có đất trống, quy hoạch công viên… sẽ tổ chức những ngày hội trồng cây trên những vị trí này.

Chẳng hạn, năm nay di dời khoảng 300 cây xanh ở các dự án, ngoài việc trồng lại những vị trí dự án đó, đơn vị sẽ tranh thủ những ngày vào mùa mưa, tổ chức ngày hội trồng cây để vận động cán bộ, nhân viên trong đơn vị và các nhà thầu tham gia, bù đắp lại số lượng cây bị đốn hạ.

Khó phát hiện hành vi xâm hại cây

Theo ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM, với một công trình có nhiều cây xanh bị ảnh hưởng, các ngành chức năng sẽ dựa vào nhiều yếu tố để xác định nên đốn hạ hoặc bứng dưỡng, rồi đưa ra phương án.

Thông thường, cây cổ thụ thì việc bứng dưỡng sẽ tốn nhiều kinh phí di dời, chăm sóc nhưng khó phục hồi. Những cây có tuổi đời thấp, việc bứng dưỡng tương đối dễ dàng hơn.

Những cây đã được bứng dưỡng, hiếm khi được trồng lại trên đường vì bộ rễ của chúng đã bị ảnh hưởng nhiều, dễ bị ngã đổ khi mưa to, gió giật mạnh. Thế nên, những cây này thường trồng lại ở các công viên để tạo bóng mát.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng dựa vào loài cây để kiểm tra độ quý hiếm, sau đó ra quyết định bứng dưỡng. Những cây có giá trị kinh tế thấp, nhanh phát triển, nếu bỏ ra số tiền lớn để bứng dưỡng, đó không phải phương án tốt.

Trên đường phố hiện nay, cây có giá trị cao rất ít, phần lớn là gỗ thông dụng. Tùy vào chủng loại, tương ứng bao nhiêu năm, cây mới tỏa được bóng mát. Mỗi loại có cách phát triển khác nhau, cây phát triển nhanh thì gỗ thường không tốt.

Đau đáu khi hạ cây xanh ở TPHCM để xây dựng hạ tầng - 3

Công nhân đang đốn hạ cây me tây hơn 100 năm tuổi trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, để giải phóng mặt bằng (Ảnh: An Huy).

Theo ông Sơn, trước đây, khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) trồng rất nhiều cây điệp phèo heo, sọ khỉ... để lấy mảng xanh cho các tuyến đường. Các cây này trồng được 20-30 năm, họ cũng đang đốn bỏ để trồng lại một số loại khác. Me lá nhỏ cũng được trồng nhiều trên đường nhưng gỗ của nó không tốt, cây lâu lớn nhưng tán lá đẹp.

Thời gian qua, cây xanh bị xâm hại hàng ngày trên đường phố. Số cây án ngữ trước mặt tiền kinh doanh nên người dân xâm hại cho cây chết; tuy nhiên, việc xâm hại diễn ra vào ban đêm, cơ quan chức năng khó bắt quả tang để xử lý. "Khi phát hiện cây chết, chúng tôi làm phiếu báo công ty, chủ đầu tư để họ phối hợp giải quyết" ông Sơn nói.

Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM cho biết, những cây không ảnh hưởng từ dự án, nhưng bị đốn hạ thời gian qua trên đường phố đều do hư hại, mục ruỗng. Các ngành chức năng thường đi kiểm tra, quan sát bằng mắt thường. Sau đó, các đơn vị này làm báo cáo mời Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) kiểm tra, ra giấy phép đốn hạ, tránh gây nguy hiểm cho người đi đường.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học, cho rằng, hiện có không ít người xâm hại cây xanh đôi khi là tình cờ hoặc có chủ đích. Hành động của họ xuất phát từ lợi ích của bản thân. Có thể họ tìm cách cho cây xanh chết rồi thay vào vị trí đó một vật dụng khác hoặc phát quang để kinh doanh có lợi cho mình. Đó là hành vi rất đáng lên án.

Đau đáu khi hạ cây xanh ở TPHCM để xây dựng hạ tầng - 4
Dòng sự kiện: TPHCM "khát" cây xanh