1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Vụ cháy kho hàng ở Thanh Xuân:

Chữa cháy thiếu chuyên nghiệp và người chỉ huy tài tình

(Dân trí) - Hàng chục lính cứu hỏa trẻ măng bất chấp nguy hiểm lao vào dập lửa nhưng cả kho hàng tiền tỷ ở quận Thanh Xuân vẫn bị lửa quét sạch. Sự thiếu chuyên nghiệp và vắng bóng người chỉ huy có tài quan sát khiến cho hậu quả vụ cháy để lại khá nặng nề.

Chữa cháy thiếu chuyên nghiệp và người chỉ huy tài tình - 1

Lửa bùng cháy dữ dội trong nhà kho và bắt đầu "liếm" ra ngoài hiên

Cháy lớn mới lo tìm nước

 

18h45 ngày 28/5, phóng viên Dân trí có mặt tại hiện trường (kho hàng của Công ty TNHH Vận tải Vạn Hoa, quận Thanh Xuân - Hà Nội) khi vụ hỏa hoạn mới được phát hiện có mùi “khét lẹt”, chưa có lửa bùng phát. Toàn bộ cửa khu vực kho đóng im ỉm, bên trên nóc mái kho, những cột khói ùn ùn cuộn lên.

 

Hàng chục xe chữa cháy được điều đến. Những người dân xung quanh dồn hướng mắt vào các chiến sĩ với hy vọng xe chữa cháy phục sẵn, các chiến sĩ cũng trong tư thế sẵn sàng, “bà hỏa” có muốn “lên đồng” thì cũng khó có cơ hội.

 

Nhưng, sau gần hai tiếng phát hiện ra “có cháy”, những tiếng nổ bắt đầu bắn ra, những cánh cửa nhà kho bắt đầu đổ sập xuống, biển lửa dữ dội lan ra cả ngoài hiên “quét dọn” các thùng hàng lẽ ra phải được sơ tán kịp thời, các chiến sĩ PCCC vẫn đứng nhìn bất lực.
 
Chữa cháy thiếu chuyên nghiệp và người chỉ huy tài tình - 2

Những thùng hàng phía ngoài nhà kho lẽ ra có thể di tản được nhưng đã bị cháy oan

 

Một người đàn ông hỏi to, “xe nào còn nước không, khu vực xung quanh nhà nào có bể nước?” Đáp lại câu hỏi là sự im lặng. Chúng tôi lia ống kính xung quanh nhưng không tìm được người chỉ huy của “trận đánh giặc lửa” này.

 

Ngọn lửa vẫn tiếp tục bùng cháy dữ dội quét ra phía ngoài hiên nhà kho. Lúc này một xe chữa cháy hú còi lao tới, phun xối xả vào đám cháy trong vòng chưa đầy 5 phút thì hết nước. Chiếc xe này quay đầu đi hút nước.

 

Không được nhả nước liên tục, lửa lại dữ dội bùng lên, thiêu rụi nốt những thùng hàng còn lại. Rất nhiều xe chữa cháy đèn xanh quét loang loáng phía xa nhà kho nhưng không thấy xe nào lao tới.

 

Sau khoảng 10 phút, một chiếc xe chữa cháy khác lao đến tiếp tục nhả nước xối xả, ngọn lửa bên ngoài nhà kho và một phần trong các gian kho tạm thời được khống chế. Toàn bộ mái nhà đổ sập. Lúc này lực lượng cảnh sát PCCC vẫn chưa thể tiếp cận được một số điểm trọng yếu phía trong nhà kho bởi vướng các bức tường và cánh cửa nhà kho.

 

Thiếu chuyên nghiệp và người chỉ huy tài tình

 

Khoảng 100 chiến sĩ cảnh sát đã được điều đến ứng cứu, trong đó có những chiến sĩ trẻ măng, tất bật lao vào chữa cháy. Tuy nhiên, do không có người chỉ huy và không được trang bị bảo hộ đầy đủ, nên không đối chọi được với bà hỏa. Đã có chiến sĩ bị thương, bị ngất vì ngạt khói.

 

Nếu xét về mức độ nguy hiểm và tính chất vụ cháy thì vụ cháy ga Giáp Bát gần đây còn nguy hiểm hơn nhiều vì có thuốc nổ và hóa chất. Tuy nhiên, bằng sự tổ chức chuyên nghiệp, chỉ mất gần 45 phút, ngọn lửa đã được khống chế thành công.

 

Lối vào địa điểm xảy ra vụ cháy kho hàng ở phố Ngụy Như Kon Tum cũng không quá phức tạp. Thời điểm đó, giao thông khu vực này không có ách tắc. Các trục đường Lê Văn Lương, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng cộng với một số nhánh đường khác có thể giúp xe chữa cháy rẽ vào nhanh chóng để tiếp cận hiện trường.

 

Từ khu vực kho hàng bị hỏa hoạn đi ra tới trụ bơm nước công cộng dành cho công tác PCCC trên đường Nguyễn Tuân hoặc bên kia đường Lê Văn Lương chỉ khoảng chưa đầy 1km. Thế nhưng các xe chữa cháy lại luôn bị thiếu nước trầm trọng và khoảng 1 tiếng sau khi lửa bùng dữ dội mới thấy có thêm các xe téc chuyên chở nước của Công ty môi trường đô thị Hà Nội đến tiếp ứng.
 
Chữa cháy thiếu chuyên nghiệp và người chỉ huy tài tình - 3

Lực lượng chữa cháy gặp khó, không tìm được cách đưa nước vào sâu, đành đi... dập tắt bức tường

 

Những ai chứng kiến vụ cháy đều có thể thấy lực lượng chữa cháy tỏ ra lúng túng trước các tình huống như, cửa nhà kho dày tới 4-5cm khóa chặt cộng với một số bức tường đang án ngữ gây trở ngại lớn cho việc tiếp cận sâu bên trong kho để dập lửa.

 

Tuy nhiên, khi ông Nguyễn Đức Nghi - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội xuất hiện trong trang phục giản dị, không một bộ đồ hay một chiếc mũ bảo hộ, thì mọi việc đã khác. Ông Nghi ngay lập tức chỉ đạo, bằng mọi giá phải tiếp cận được bên trong nhà kho, “cắt lửa”, “chia nhóm” để khống chế ngọn lửa.
 
Vị Phó giám đốc hạ lệnh, dùng cưa máy chuyên dụng, cắt cửa sắt. Ông Nghi tiếp tục yêu cầu lực lượng Công an quận Thanh Xuân khẩn trương đưa xe máy xúc vào tiếp cận hiện trường và phá một số bức tường còn lại. 10 phút sau, một chiếc máy xúc lừ lừ tiến đến vươn “bàn tay khổng lồ” kéo đổ bức tường.

 

Chữa cháy thiếu chuyên nghiệp và người chỉ huy tài tình - 4

Bức tường bị phá sập, lực lượng chữa cháy sẵn sàng "diệt giặc lửa" trong kho
 
Các chiến sĩ cảnh sát bắt đầu ôm vòi rồng, thọc sâu vào bên trong nhà kho, những vòi nước bắt đầu túa ra, khắp nơi tiếng xèo xèo của cái nóng khi gặp phải nước tắt lịm, tiếng rầm rầm của những bước chân chiến sĩ cảnh sát trên những tấm tôn vẫn còn nóng ran.

 

Gần 1 tiếng đồng hồ dưới sự chỉ huy của ông Nghi, ngọn lửa dữ dội ban đầu đã bị lực lượng PCCC khống chế hoàn toàn. Lúc này là khoảng 22h10 tối 28/5.
 
Trao đổi với Dân trí tại hiện trường, ông Nghi cho biết, mới nhận được tin xảy ra vụ hỏa hoạn lớn và lực lượng làm nhiệm vụ đang gặp nhiều khó khăn để khống chế ngọn lửa, tôi phải “hạ lệnh” cho các chiến sĩ phá tường vào bên trong khống chế ngọn lửa. Chứ đứng bên ngoài bức tường, phun nước khơi khơi thì làm sao mà dập được lửa.
 
Chữa cháy thiếu chuyên nghiệp và người chỉ huy tài tình - 5

Sau thời gian ngắn khi có sự chỉ đạo của ông Nghi, lực lượng chữa cháy đã chiếm lĩnh được các điểm trọng yếu trong nhà kho để khống chế ngọn lửa
 

Bên hành lang kì họp Quốc hội, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc Công an Hà Nội, xung quanh vụ cháy này.

 

Với tất cả qui trình chữa cháy được thực hiện hôm qua tại kho của Công ty Việt Hoa, ông thấy có vấn đề gì không?

 

Không có vấn đề gì. Tôi thấy, như thế là tích cực. Chỉ có điều đám cháy rất lớn và hàng hóa trong kho theo anh em báo cáo là đồ điện tử, điện lạnh rồi những thứ dễ bốc cháy. Tất cả lực lượng chúng tôi tập trung vào đám cháy rất cao và riêng lực lượng PCCC chuyên nghiệp chúng tôi đã huy động đến hơn 100 đồng chí.

 

Vào thời điểm xảy ra cháy ông có nhận được thông tin không và ai là người trực tiếp chỉ đạo dập lửa tại hiện trường?

 

Tôi nhận được ngay lúc xảy ra vụ cháy. Anh Nguyễn Đức Nghi, PGĐ Công an TP và cũng là người phụ trách mảng PCCC đã trực tiếp đến chỉ đạo. Hiện giờ chúng tôi vẫn đang khám nghiệm để tìm nguyên nhân, nhưng có nhiều khả năng do chập điện.

 

Vừa qua trên địa bàn thành phố đã xảy ra những vụ cháy lớn. Ông có ý kiến gì về công tác PCCC cũng như trách nhiệm từ phía ngành?

 

Về công tác PCCC, có thể nói anh em làm rất tích cực. Tuy nhiên, trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, chủ các cơ sở  kho hàng là phải tự tổ chức và họ phải ý thức, thực hiện được luật PCCC. Đó là nhiệm vụ rất quan trọng của chính họ.

 

Nhưng vụ cháy như ở kho Giáp Bát hay ở Thanh Xuân có thể nói khá lớn và xảy ra ở trong những khu kho mà hệ thống PCCC của các doanh nghiệp đó chưa đầy đủ rồi ở vị trí, đường đi cũng có rất nhiều khó khăn cho các xe chữa cháy.

 

Nhưng lần nào cháy chúng ta cũng thường hay nói đến lí do đường vào khó khăn?

 

Đó là một thực tế, bởi lẽ Hà Nội chật hẹp như thế này nên đường vào thường rất khó khăn.

 

Chúng ta sẽ hạn chế được thiệt hại nhiều hơn, nếu thời gian chữa cháy hôm qua ngắn hơn, thưa ông? 

Hôm qua dập cháy mất vào khoảng 4 tiếng, nhưng như tôi đã nói đường vào khó khăn, đám cháy rất lớn. Anh em cảnh sát phòng chữa cháy hôm qua bị thương rất nhiều, một số đồng chí còn bị ngất… (Cấn Cường - Phương Thảo)

 

Tuấn Hợp