Chính phủ đề xuất thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư

Hoài Thu

(Dân trí) - Thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo số km xe chạy trên đường là một trong những quy định mới của dự thảo Luật Đường bộ, vừa được Chính phủ gửi Quốc hội.

Dự thảo Luật Đường bộ do Bộ giao thông Vận tải chủ trì soạn thảo, gồm 6 chương và 95 điều. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 2 chương sang Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, giữ nguyên 1 điều, sửa đổi 40 điều và bổ sung mới 54 điều.

Thu phí đường cao tốc theo số km chạy trên đường

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc ban hành luật này, Chính phủ cho rằng luật sẽ khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.

Luật Đường bộ quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý Nhà nước về hoạt động đường bộ. Theo Chính phủ, những nội dung này không trùng lặp, chồng chéo với dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Chính phủ đề xuất thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư - 1

Dự thảo Luật Đường bộ bổ sung quy định mới về thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư (Ảnh minh họa: Thế Hưng).

Nhiều quy định mới đã được Chính phủ đề xuất trong dự thảo Luật Đường bộ trình lên Quốc hội lần này.

Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo số km xe chạy trên đường.

Đồng thời, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định thu phí đường cao tốc do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án đối tác công tư (PPP).

Hồi đầu tháng 5, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ phương án thu phí thí điểm 9 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý, sở hữu, bởi việc này chưa từng có tiền lệ. Thời gian thực hiện thí điểm theo cơ chế phí tối đa 5 năm kể từ thời điểm tuyến đường bộ được triển khai thu phí.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, pháp luật chỉ quy định thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư để kinh doanh (dự án BOT) theo cơ chế giá, chưa có quy định về thu tiền sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và quản lý theo cơ chế giá hay phí.

Dự thảo Luật Đường bộ lần này cũng bổ sung quy định Nhà nước bảo đảm đủ vốn ngân sách để đầu tư đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì; bảo đảm đủ vốn Nhà nước tham gia trong dự án đầu tư PPP.

Theo phương án Chính phủ đưa ra, tổ chức, cá nhân đầu tư đường cao tốc có quyền và trách nhiệm thu tiền dịch vụ sử dụng đường cao tốc, tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm chất lượng tuyến đường.

Sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông giữ xe

Nêu bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Chính phủ cho biết tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị hiện nay còn thấp hơn so với quy định.

Ví dụ, ở Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn khác, tỷ lệ này mới chỉ đạt 5-12%, trong khi theo yêu cầu là 16-26%.

Chính phủ đề xuất thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư - 2

Chính phủ cho rằng việc sử dụng gầm cầu cạn trông giữ xe nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn (Ảnh minh họa: Xuân Ngọc).

Chính phủ cho rằng giao thông tại các đô thị lớn còn thường xuyên ùn tắc, một phần do hạ tầng chưa đầy đủ, đồng bộ.

Trong dự thảo luật trình lên Quốc hội lần này, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông, giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả của việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Nhưng theo phương án của Chính phủ, việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn chỉ được thực hiện trong trường hợp cầu đáp ứng yêu cầu, điều kiện kỹ thuật, không quá thời hạn tuổi thọ khai thác.

Chính phủ cũng nêu rõ không sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ chở nhiên liệu, chất dễ gây cháy, nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, các chất nguy hiểm khác và các phương tiện quá niên hạn sử dụng.

Nội dung "Sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ" được quy định tại Điều 40 của dự thảo luật.

Theo đó, Chính phủ đề xuất khi sử dụng tạm thời gầm cầu cạn có thời hạn làm nơi trông giữ phương tiện phải bảo đảm an toàn công trình đường bộ, an toàn giao thông; có thiết kế tổ chức giao thông đấu nối nơi trông giữ xe với đường bộ trong khu vực; được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về biện pháp phòng cháy chữa cháy…

Với quy định mới này, đơn vị sử dụng tạm thời gầm cầu để trông giữ phương tiện giao thông phải di chuyển ra khỏi phạm vi gầm cầu khi có yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền mà không được yêu cầu bồi thường.

Trình tự, thủ tục chấp thuận sử dụng tạm thời gầm cầu vào việc trông giữ phương tiện giao thông đường bộ sẽ do Chính phủ quy định.

Dự thảo Luật đường bộ sẽ được cho ý kiến tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (12-14/7), dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới.