1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chỉ số hài lòng: "Đẹp" đến khó tin!

Kết quả khảo sát của một số cơ quan công quyền tại TPHCM về chỉ số hài lòng của người dân trong các dịch vụ hành chính công vừa được công bố khiến nhiều người không tin nổi: giao thông công chính 99%, lao động - thương binh & xã hội 100%, nông nghiệp & phát triển nông thôn 94,3%, tài nguyên - môi trường: 90%, quận Tân Bình: 99,58%...

Ngay ông Nguyễn Văn Quang - phó viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM - cũng không tin vào những con số đó. Ông nói: Khi được thông tin về những tỉ lệ rất cao này, tôi cũng rất ngỡ ngàng. Việc lấy ý kiến khảo sát chỉ số hài lòng của người dân là công việc riêng của Ban chỉ đạo cải cách hành chính TP, HĐND TP đồng tình và giao cho UBND TP chỉ đạo Viện Kinh tế và Cục Thống kê khảo sát. Nhưng không biết sao cùng lúc đó, các sở ngành lại “tung” ra con số mà họ tự khảo sát.

Những con số khảo sát cho biết tuyệt đại bộ phận người dân tỏ ra hài lòng với dịch vụ hành chính công, ông nghĩ thế nào về những con số ấy?

Khi tiếp xúc cử tri (ông Nguyễn Văn Quang là đại biểu HĐND TP khóa VII nhiệm kỳ 2004-2009 - PV), chúng tôi còn nghe nhiều tiếng kêu lắm. Dân còn kêu nhiều nên chỉ số hài lòng tất nhiên không thể cao được đâu. Còn thực tế bao nhiêu phần trăm thì phải khảo sát lại. Khi điều tra xã hội học, đối tượng điều tra phải đại diện cho đám đông. Nếu chỉ lấy vài chục phiếu thì không phản ánh được gì.

Người dân cho rằng những con số về dịch vụ hành chính công vừa được công bố là “những con số biết nói” - nó nói lên sự khảo sát giả dối, nói lên kiểu “chạy theo thành tích” của các sở, ngành, quận huyện...

Theo tôi biết các sở lấy ý kiến người dân tại chỗ nên không đúng ý nghĩa của cuộc điều tra xã hội học, kết quả cho ra cũng chỉ là tham khảo. Do khảo sát không đúng qui trình nên đưa ra kết quả không chính xác và người dân cũng có thể cho đó là cách chạy theo thành tích. Tôi cho rằng đó là điều mà chúng ta phải suy nghĩ. Chúng tôi sẽ khảo sát chỉ số hài lòng với tiêu thức và chỉ tiêu riêng, không giống với cách làm của các sở, ngành đã làm.

Nội dung khảo sát chỉ số hài lòng của người dân do Viện Kinh tế thực hiện đối với chất lượng dịch vụ công gồm: dịch vụ thu gom rác; dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; dịch vụ y tế; công chứng; cấp phép xây dựng; cấp giấy chủ quyền nhà, đất; kê khai nộp thuế.

Vậy cách làm của Viện Kinh tế như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi chọn bảy lĩnh vực khảo sát mức độ hài lòng của người dân và phối hợp Cục Thống kê khảo sát khoảng 2.000 hộ gia đình rải đều khắp TP, trong đó có khu vực nội thành, ngoại thành. Chúng tôi sẽ thiết kế những bảng hỏi, trong đó có các vấn đề cần khảo sát để đánh giá, có tập huấn đội ngũ điều tra xuống từng hộ gia đình để khảo sát, sau đó tổng hợp kết quả, phân tích, rồi báo cáo lãnh đạo TP.

TPHCM có hàng triệu hộ dân mà chỉ lấy ý kiến 2.000 hộ dân, liệu có ít không?

Chúng tôi cũng băn khoăn về số lượng, lẽ ra phải nhiều hơn. Nhưng nếu làm nhiều lại dính tới kinh phí. Kinh phí điều tra làm kỹ lưỡng từ khâu tập huấn đến phân tích kết quả, tính bình quân mỗi hộ tốn 100.000 đồng. 2.000 hộ đã mất hết 200 triệu đồng nên chúng tôi phải hạn chế qui mô. Nhưng tôi nghĩ 2.000 hộ cũng phản ánh được khá chính xác, qua nhiều lần khảo sát Viện Kinh tế và Cục Thống kê đã có kinh nghiệm chọn mẫu, chọn sao để đảm bảo tính đại diện, để nhìn con số phân tích là có thể tin cậy được.

Bảng hỏi là rất quan trọng, nó sẽ phản ánh kết quả chính xác hay không. Cách làm của Viện Kinh tế ra sao, thưa ông?

Chúng tôi đã chuẩn bị các biểu mẫu bao gồm rất nhiều nội dung. Chỉ riêng một lĩnh vực đã có khoảng 5-6 trang giấy A4, rất chi tiết. Ví dụ xin cấp phép xây dựng sẽ có câu anh/chị đã từng đi xin cấp phép xây dựng không? Đối tượng sẽ trả lời “có” hoặc “không”. Nếu có thì câu hỏi tiếp sẽ là anh/chị đã phải chờ trong bao lâu? Đã gặp rắc rối gì? Có đề xuất biện pháp gì để khắc phục?... Nếu câu trả lời là “không” thì câu kế tiếp sẽ là “không” vì chưa có đủ giấy tờ chủ quyền? Vì thấy phức tạp quá?... Người dân không phải ghi chép gì hết mà dựa vào câu gợi ý, cán bộ điều tra chỉ đánh dấu vào ô của nội dung có sẵn.

Cuối tháng 11/2006 là thời điểm phải có kết quả để báo cáo HĐND và UBND TP, bao giờ Viện Kinh tế bắt đầu lấy ý kiến người dân?

Ngay sau đợt nghỉ lễ 2/9 là chúng tôi bắt đầu triển khai. Đứng về mức độ nghiên cứu khoa học, chúng tôi tin cách làm của chúng tôi sẽ đưa ra kết quả đáng tin cậy hơn, chính xác hơn.

Xin cảm ơn ông.

Theo Đoan Trang
Tuổi Trẻ